Trang Chủ > Sức khỏe > Adenovirus là gì? Sự nguy hiểm của Adenovirus

Adenovirus là gì? Sự nguy hiểm của Adenovirus

tin tức 24h hàng ngày
17/09/2022 04:35:40

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin về nguồn gốc của Adenovirus và sự nguy hiểm của loại virus này.

Adenovirus là gì?

Adenovirus là gì? Sự nguy hiểm của Adenovirus-1

Adenovirus lần đầu được phát hiện từ năm 1953 từ mảnh hạch hạnh nhân, tổ chức tuyến được cắt bỏ. Adenovirus là những virus chứa DNA chuỗi kép, kích thước đường kính của virus từ 70 đến 80 nm, không có vỏ bọc bên ngoài, capsid có đối xứng hình khối và virus hình đa giác đều tạo nên bởi 252 capsome.

Adenovirus thuộc họ Adenoviridae chia ra làm hai nhóm chính một nhóm gây bệnh ở chim và nhóm gây bệnh ở động vật có vú. Ở nhóm gây bệnh cho động vật có vú, bao gồm cả người thì người ta đã phân lập được 47 type Adenovirus ở người, một số loài động vật khác và Adenovirus gây bệnh cho người được chia làm 6 nhóm ký hiệu A- F dựa vào những đặc điểm sinh lý, sinh hoá và sinh học phân tử.

Adenovirus có thể tồn tại và gây bệnh được khá lâu ở ngoại cảnh, ở nhiệt độ phòng có thể tồn tại trong vòng 30 ngày, 37 độ C sống được 15 ngày, 40 độC chúng sống được nhiều tháng, - 200 độ C sống được nhiều năm. Nước sôi 1000C, tia cực tím, cloramin dễ dàng huỷ được virus, bị mất độc lực nhanh và chết ở 56 độ C từ 3 đến 5 phút. Ngoài ra các dung môi hữu cơ như ete, axeton đều không diệt được virus, Pháp luật & Bạn đọc dẫn chia sẻ của BS Đặng Quốc Khang, Học viện Y Dược học Cổ Truyền Việt Nam.

Nguồn lây nhiễm Adenovirus

Adenovirus là gì? Sự nguy hiểm của Adenovirus-2

Nguồn lây nhiễm ổ chứa Adenovirus là con người. Bệnh nhân là nguồn truyền nhiễm trong suốt thời kỳ mắc bệnh.

Thời gian ủ bệnh khoảng từ 5-12 ngày, trung bình là 8 ngày, nhưng cũng có thể dài hơn 12 ngày. Bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 14 ngày sau khi phát bệnh hoặc có thể lâu hơn khi cơ thể vẫn còn đào thải Adenovirus ra ngoài.

Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp; có thể lây qua niêm mạc do bơi lội hoặc nguồn nước rửa bị ô nhiễm dịch tiết từ mắt, mũi, phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp qua đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm Adenovirus.

Sự lây truyền của bệnh thường xảy ra ở phòng khám bệnh, đặc biệt là ở phòng khám mắt. Các nhân viên y tế dễ bị lây bệnh và từ đó có thể là nguồn lây truyền sang những thành viên khác trong gia đình và những người xung quanh. Bệnh cũng có thể lây truyền qua giọt nước bọt như những hạt khí dung bằng đường hô hấp hoặc lây truyền qua bể bơi bị nhiễm Adenovirus.

Khả năng gây bệnh của Adenovirus?

Adenovirus là gì? Sự nguy hiểm của Adenovirus-3

Viêm đường hô hấp

- Viêm họng cấp: Bệnh này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các biểu hiện như sốt, đau đầu, sưng họng, ho và chảy nước mũi. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều ngày từ 7 đến 14 ngày và có thể lây lan nhanh trở thành dịch. Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng thường khó phân biệt với các nhiễm virus khác.

- Viêm họng kết mạc: Các triệu chứng giống viêm họng do Adenovirus nhưng kèm thêm viêm kết mạc biểu hiện kết mạc mắt đỏ, thường không đau, chảy dịch trong. Tình trạng này thường lây thành dịch nhất là vào màu hè, có thể lây qua đường hô hấp hoặc trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh khi đi bơi.

- Viêm đường hô hấp cấp: Biểu hiện đau họng, sưng họng, hạch cổ sưng đau, sốt có thể cao đến 39 độ C, ho. Bệnh diễn biến cấp tính, khỏi nhanh sau 3 - 4 ngày, gặp ở cả trẻ em và người lớn. Các type gây bệnh là 4, 7.

- Viêm phổi: Chủ yếu là do type 3, 4, 7 và 14 gây ra, chiếm tỷ lệ 10% các trường hợp viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện bệnh xuất hiện đột ngột với sốt cao 39 độ C, ho, chảy nước mũi và các dấu hiệu tổn thương ở phổi, các tổn thương này có thể lan rộng, để lại di chứng và nghiêm trọng hơn là có thể gây tử vong. Viêm phổi do Adenovirus có những biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong với tỷ lệ tử vong 8- 10% khi mắc bệnh.

Viêm kết mạc mắt

Viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ, bệnh hay gây thành dịch vào mùa hè do dễ lây qua nước ở bể bơi. Biểu hiện bệnh viêm cấp tính kết giác mạc, kết mạc mắt đỏ, có thể một hoặc cả 2 bên, chảy dịch trong, dễ bị bội nhiễm vi khuẩn nếu không kiểm soát và can thiệp kịp thời.

Bệnh viêm dạ dày, ruột

Một số type Adenovirus một tác nhân virus thường gặp trong bệnh viêm dạ dày, ruột cấp tính không do vi khuẩn. Viêm dạ dày ruột do Adenovirus chiếm vị trí thứ 2 sau Rotavirus trong bệnh tiêu chảy do tác nhân virus ở trẻ nhỏ. Người bệnh có biểu hiện đi ngoài nhiều nước kéo dài khoảng 7 ngày, có kèm theo sốt, nôn, buồn nôn, các dấu hiệu viêm đường hô hấp và viêm kết mạc. Virus gây bệnh tại đường tiêu hóa và được đào thải trong phân, đây cũng là nguồn lây chủ yếu cho cộng đồng. Chủ yếu do các typ 40, 41 và 31 gây ra.

Các bệnh khác

Virus này còn có thể là nguyên nhân gây viêm bàng quang chảy máu ở trẻ em, nhất là trẻ trai, trong trường hợp này virus thường thấy trong nước tiểu của và các type gây bệnh là type 11, 12. Ở niệu đạo, tử cung cũng xuất hiện virus và đây được coi là bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ngoài ra còn một số nhiễm virus nhưng không có biểu hiện triệu chứng, gọi là thể ẩn, đây là nguồn lây nhiễm quan trọng trong cộng đồng. Những type gây bệnh cho người sau khi điều trị khỏi bệnh thì bệnh nhân có miễn dịch với Adenovirus với hiệu quả cao và kéo dài với cùng type gây bệnh nhưng lại không có khả năng miễn dịch chéo nên bảo vệ nguyên nhân gây bệnh do các type khác.

Virus này rất dễ lây lan cho cộng đồng và đặc biệt, virus adeno có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm từ những triệu chứng thông thường, vì vậy khi thấy trẻ em có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus cần theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe và ngay khi có dấu hiệu bất thường cần tới cơ sở y tế để khám và điều trị.

Cách đề phòng Adenovirus

Adenovirus là gì? Sự nguy hiểm của Adenovirus-4

Cần cung cấp cho mọi người những thông tin cần thiết về bệnh do Adenovirus, nhất là khi có nguy cơ bùng nổ dịch và khi có dịch để nhân dân biết tự phòng tránh cho mình và cho cộng đồng.

Vệ sinh phòng bệnh chủ động bằng cách sử dụng nguồn nước sạch đủ dùng cho sinh hoạt. ‎Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, không dùng chung khăn mặt và thường xuyên giặt khăn bằng xà phòng. ‎Thường xuyên giám sát và kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh nước, vệ sinh môi trường tại các bể bơi công cộng.

Nếu có bệnh nhân nghi ngờ hoặc khi có dịch do Adenovirus thì phải thực hiện triệt để vô khuẩn để tránh lây bệnh qua đường hô hấp, kết mạc mắt, mí mắt và phải báo cáo với nhân viên y tế gần nhất để được hướng dẫn về phòng chống dịch, cách ly ngay môi trường tiếp xúc với bệnh nhân.

Ở những nơi có dịch hoặc nguy cơ có dịch Adenovirus cần thực hiện triệt để vệ sinh cá nhân, nhất là vệ sinh mũi họng, mắt. Phải thường xuyên dùng nước sạch và giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng, theo BS Nguyễn Hồng chia sẻ với Sức khỏe & Đời sống.

Điều trị trẻ nhiễm Adenovirus

Adenovirus là gì? Sự nguy hiểm của Adenovirus-5

Trẻ nhiễm Adenovirus thường có các biểu hiện như: Sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hoá. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.

Khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc Adenovirus sẽ được làm các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán như: xét nghiệm máu, chụp X-Quang tim phổi, xét nghiệm xác định căn nguyên bằng kỹ thuật Realtime PCR.

PGS.TS Phùng Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện nay tại Bệnh viện đang áp dụng kỹ thuật Realtime PCR xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm lấy từ dịch hô hấp của người bệnh để chẩn đoán xác định Adenovirus và loại virus Adeno gây bệnh. Thời gian xét nghiệm giao động từ 70 phút đến 5 tiếng và độ chính xác lên tới 95-99%, với 3 loại xét nghiệm:

- Xét nghiệm Realtime PCR đơn mồi để xác định riêng Adenovirus, thời gian xét nghiệm từ 4-5 tiếng.

- Xét nghiệm Realtime PCR đa mồi để xác định cùng lúc 7 loại virus, trong đó có Adenovirus, thời gian xét nghiệm từ 4-5 tiếng.

- Xét nghiệm Realtime PCR nhanh trong vòng 70 phút để phát hiện cùng lúc 22 loại virus, trong đó có Adenovirus.

Trẻ bị nhiễm Adenovirus khi nhập viện sẽ được cách ly tại các phòng bệnh riêng biệt. Hỗ trợ hô hấp (thở oxy hoặc thở máy) khi cần. Dùng kháng sinh trong trường hợp bị bội nhiễm viêm phổi.

Điều trị các triệu chứng bằng cách: hạ sốt khi trẻ sốt cao, bù nước điện giải, bổ sung dinh dưỡng, sử dụng thuốc kháng virus đặc hiệu với những trường hợp nặng, suy giảm miễn dịch (thuốc kháng virus không được chỉ định thường quy cho tất cả bệnh nhân).

Những lưu ý cha mẹ cần biết để phòng bệnh cho trẻ

Bài bị gỡ bỏ

Adenovirus là gì? Sự nguy hiểm của Adenovirus-6

Cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi. Chế độ ăn dặm của trẻ hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng. Giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá.

Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý. Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh. Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh. Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, theo Tiền phong dẫn thông tin từ PGS.TS Phùng Thị Bích Thủy.