Trang Chủ > Sức khỏe > 7 nhóm thực phẩm tốt cho phổi, nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày

7 nhóm thực phẩm tốt cho phổi, nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày

24h
17/09/2022 04:06:22

Để phổi tránh được các bệnh lý nguy hiểm, cách tốt nhất chính là tập thể dục, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, đồng thời xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý với các loại thực phẩm tốt cho phổi.

Phổi có chức năng chính là trao đổi khí của cơ thể và môi trường bên ngoài. Theo ước tính, 1 người trung bình sẽ hít thở khoảng 20000 lần/ngày, điều này cũng đồng nghĩa với việc phổi phải làm việc cả ngày lẫn đêm để hít vào thở ra, đảm bảo chu trình hoạt động của cơ thể sống.

Mặc dù là cơ quan rất quan trọng đối với cơ thể con người, chịu trách nhiệm về hô hấp và giúp các tế bào duy trì hoạt động sống, nhưng phổi cũng phải tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân từ môi trường bên ngoài nên thường rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, virus,... Khi phổi có vấn đề, các triệu chứng ở người bệnh sẽ xuất hiện tùy thuộc vào mức độ như: Ho khan, ho có đờm, tức ngực, khó thở,..

Cách chăm sóc phổi bằng các hoạt động hằng ngày

7 nhóm thực phẩm tốt cho phổi, nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày-1

Ảnh minh họa

Luyện tập thể thao

Thể thao là một cách tuyệt vời để duy trì sức khỏe của phổi, vì nó cải thiện hơi thở và tình trạng thể chất chung. Các hoạt động tăng sức bền, chẳng hạn như đi xe đạp và đi bộ, được khuyến khích đặc biệt để duy trì sức khỏe cho phổi.

Tránh thời tiết ô nhiễm

Trong thời điểm ô nhiễm nặng, tốt hơn hết bạn nên hạn chế đi ra ngoài và hoãn các buổi tập thể thao ngoài trời lại. Các hạt mịn lơ lửng trong không khí chứa các chất có khả năng gây ung thư, có thể hạn chế việc hít phải chất này bằng cách tránh ra ngoài.

Hạn chế mùi hóa chất

Hương thắp, nến thơm… mang lại cảm giác tươi mát và mùi thơm cho ngôi nhà. Tuy nhiên các mùi hương tổng hợp của các chất liệu này lại có chứa các chất độc hại cho phổi, đồng thời có các yếu tố gây dị ứng và kích ứng đường hô hấp. Tốt nhất, cần phải thay thế chúng bằng các sản phẩm gia dụng hữu cơ hoặc tự chế, ít gây hại hơn nhiều.

Rửa tay thường xuyên

Nhiều mầm bệnh, nguyên nhân gây ra một số bệnh đường hô hấp , lây truyền qua đường tiếp xúc. Bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc nước rửa tay khô, bạn sẽ hạn chế đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh.

7 nhóm thực phẩm tốt cho phổi, nên bổ sung vào thực đơn

7 nhóm thực phẩm tốt cho phổi, nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày-2

Ảnh minh họa

Củ dền

Củ dền có màu sắc rực rỡ chứa các hợp chất giúp tối ưu hóa chức năng của phổi. Củ dền rất giàu nitrat, một chất có lợi cho chức năng của phổi. Nitrat giúp thư giãn mạch máu, giảm huyết áp và tối ưu hóa quá trình hấp thụ oxy.

Các chất bổ sung từ củ dền được chứng minh là giúp cải thiện hoạt động thể chất và chức năng phổi ở những bệnh nhân mắc các bệnh về phổi, bao gồm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và tăng huyết áp phổi.

Táo

Nghiên cứu chỉ ra rằng thường xuyên ăn táo có thể cải thiện chức năng phổi. Táo có thể làm chậm quá trình suy giảm chức năng phổi ở những người hút thuốc. Ngoài ra, tiêu thụ 5 quả táo trở lên mỗi tuần có thể tăng cường sức khỏe phổi và làm giảm nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ăn táo cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và ung thư phổi. Điều này có thể do nồng độ cao của chất chống oxy hóa trong táo, gồm flavonoid và vitamin C.

Bí ngô

Phần thịt màu cam của bí ngô chứa nhiều hợp chất thực vật giúp tăng cường sức khỏe cho phổi. Chúng đặc biệt giàu carotenoid, bao gồm beta carotene, lutein và zeaxanthin - tất cả đều có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ. Các nghiên cứu cho thấy nồng độ carotenoid trong máu cao có thể cải thiện chức năng phổi ở cả người già và trẻ.

Những người hút thuốc có thể có nồng độ chất chống oxy hóa carotenoid thấp hơn 25% so với những người không hút thuốc, điều này có thể gây hại cho sức khỏe phổi. Vì vậy, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu carotenoid như bí ngô rất tốt cho những người hút thuốc.

Quả lê

Theo y học cổ truyền, lê hay còn được gọi là tuyết lê là vị thuốc có vị hơi chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, tiêu đờm, tiêu độc, giảm ho. Đặc biệt trong loại quả này còn chứa hàm lượng axit malic, axit citric, carotene, vitamin B1, B2 và vitamin C vô cùng dồi dào. Các nhóm chất này không chỉ giúp làm tăng sức đề kháng mà còn làm sạch phổi, loại bỏ các độc tố còn lại sau khi bị virus tấn công. Lê cũng rất giàu chất chống ôxy hóa flavonoid, nhờ đó có thể giảm được tình trạng viêm phổi hiệu quả.

Quả bưởi

Bưởi cũng là thực phẩm bổ phổi. Bưởi chứa hàm lượng vitamin C, vitamin B6, axit folic và magie… cực kỳ dồi dào giúp tăng cường sức khỏe của phổi, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng tối đa. Ngoài ra, hàm lượng các chất chống ôxy hóa có trong bưởi cũng có thể đẩy nhanh quá trình đào thải độc tố ra khỏi cơ thể cũng như kiểm soát tình trạng viêm trong hệ hô hấp.

Theo một số nghiên cứu, những người thường xuyên ăn bưởi thường ít mắc các bệnh về phổi hơn những người ít ăn loại trái cây này. Ngoài ra, bưởi có thể hỗ trợ cải thiện triệu chứng cho những người bị phổi tắc nghẽn mạn tính.

Củ cải

Lượng vitamin C trong củ cải khá cao giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt tốt cho phổi. Thêm vào đó, kali và magie trong củ cải không chỉ tốt cho quá trình phục hồi sức khỏe của hệ hô hấp mà còn có thể kích thích sản sinh các tế bào bạch cầu, nhờ đó đẩy nhanh quá trình phục hồi những tổn thương ở phổi hiệu quả.

Củ cải trắng cũng giúp đưa ôxy đến các cơ quan trong cơ thể đều đặn, làm thông mũi để giảm các triệu chứng hụt hơi, khó thở, nhanh mệt khi hoạt động.

Rau màu xanh lá

Các loại rau có màu xanh đậm như cải thìa, bắp cải, rau chân vịt hay cải xoăn sẽ giúp cơ thể hấp thụ carotenoid, sắt, kali, canxi… giúp chống viêm và chống ôxy hóa để giảm viêm và tăng cường sức khỏe cho lá phổi.

Có thể chế biến các loại rau trên theo nhiều cách như luộc, ép lấy nước... giúp thanh nhiệt giải độc, loại bỏ độc tố, giảm ho, làm dịu cơn sốt cho người bị viêm phổi nhanh chóng.

Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/7-nhom-thuc-pham-tot-cho-phoi-nen-bo-sung-vao-thuc-don-hang-ng...