Được dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua, người dân cần quan tâm đến các biện pháp phòng và bảo vệ sức khỏe cho mình.
Bão số 4 có tên Noru tiến rất nhanh vào đất liền. Theo lịch sử thống kê bão Noru được dự báo là cơn bão mạnh, có mức độ ảnh hưởng tương đương đến cao hơn cơn bão Xangsane năm 2006. Cường độ của bão với sức gió có thể lên đến 14-15, giật cấp 17. Ngoài ra, phạm vi ảnh hưởng của bão số 4 rất rộng. Dự báo sẽ có 9/14 tỉnh thành phố miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong đó Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định được dự báo chịu tác động mạnh nhất.
Theo thông tin từ Zing News , đến 14h ngày 27/9, địa bàn Đà Nẵng bắt đầu có mưa to kèm theo những đợt gió từ ngoài biển thổi vào. Cập nhật tình hình trước bão, chính quyền các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã gấp rút hoàn tất di dời dân đến nơi an toàn. Những tuyến đường ven biển thưa thớt người qua lại, quán xá, nhà hàng đã “cửa đóng, then cài”. Người dân địa phương được nghỉ làm nên đã tranh thủ đến chợ, cửa hàng tạp hóa mua nhu yếu phẩm, các vật dụng như bao tải, dây thép để gia cố nhà cửa.
Công tác phòng chống bão lũ được tiến hành khẩn trương. Ảnh: Zing News
Đáng chú ý hơn, khi thực phẩm là nguồn cung cấp dưỡng chất thiết yếu, mọi người nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và các món ăn để đảm bảo cơ thể có sức đề kháng, phòng chống lũ lụt.
- Ăn no (đủ năng lượng): Việc có đủ thực phẩm để ăn no trong các vùng lũ lụt là điều rất khó khăn, vì thế người dân có thể sử dụng nhiều loại thực phẩm trong nhóm lương thực và các sản phẩm chế biến từ nhóm như gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô... để có bữa ăn no.
- Ăn đủ dinh dưỡng: Có đủ đại diện của 4 nhóm thực phẩm:
+ Nhóm lương thực: gạo, mì, bắp (ngô), khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô, bánh mì.... Ngoài gạo còn có các loại lương thực khác như các loại khoai, củ.
+ Nhóm chất đạm: Thịt, trứng, cá, tôm, cua, trai, ốc, đậu đỗ, vừng lạc... Có thể tận dụng các thực phẩm dễ kiếm từ nguồn ao, hồ, sông, đồng ngập nước (cá, tôm, lươn, ốc, ếch...)
Đảm bảo các nguồn thực phẩm thiết yếu phòng chống lũ. Ảnh: Internet
+ Nhóm chất béo: Sử dụng mỡ, dầu ăn tùy vào tình hình của gia đình, ngoài ra có thể dùng đậu khuôn, đậu nành, vừng, lạc... làm thành các món ăn giàu chất béo.
+ Nhóm vitamin và chất khoáng: Rau xanh, quả chín là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin và chất khoáng trong bữa ăn. Do đó người dân nên tận dụng các loại rau, củ quả có thể kiếm được ở địa phương.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn người dân nên sử dụng rau, quả tươi, tránh dập nát. Khi chế biến cần rửa sạch mới thái, và tiến hành nấu chín, ăn ngay để tránh hao hụt vitamin.
- Ăn đa đạng: Nên phối hợp nhiều loại thực phẩm, trong điều kiện có thể nên phối hợp từ 10-15 loại, bao gồm đại diện của 4 nhóm.
Các thực phẩm nên có trong bữa ăn chống lũ
Ngoài ra, 5 thực phẩm này có thể chế biến thành nhiều món ngon cho cả gia đình mà chúng ta có thể chuẩn bị:
Trứng
Trứng là nguồn thực phẩm có thể bảo quản được lâu và có nhiều dưỡng chất như chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin... Ngoài ra, trứng thích hợp bảo quản ở cả nhiệt độ thường, tuy nhiên, nếu bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, trứng có thể giữ độ tươi ngon trong vòng 7-14 ngày.
Với trứng, bạn có thể chế biến thành nhiều món ăn đơn giản. Có thể kết hợp cùng rau, thịt để giúp món ăn ngon miệng và bổ dưỡng hơn. Bạn cũng có thể dành trứng để chiên với cơm, xào cùng nui mà không sợ ngán.
Trứng bảo quản lâu và tốt cho sức khỏe. Ảnh: Internet
Mì, nui, bún, miến... khô
Trong trường hợp "no lâu, chống đói", những thực phẩm cung cấp năng lượng chủ yếu từ tinh bột như các loại mì, nui, bún, miến... khô là một lựa chọn tiện lợi và hợp lý.
Bạn có thể sử dụng các loại đồ ăn khô để làm món trộn với rau củ, thịt... hoặc nấu canh, bún, miến để đảm bảo dinh dưỡng và giúp cơ thể ấm hơn khi gặp thời tiết lạnh.
Các loại mì, sợi khô. Ảnh: Internet
Rau củ quả tươi lâu
Các loại rau củ quả như bí đỏ, cà rốt, hành tây, bông cải… có thể dự trữ được lâu. Một số loại rau cũng có thể ăn trực tiếp không qua chế biến. Bạn có thể luộc các loại rau củ quả và trộn đều với các loại sốt mayonnaise, sốt đậu phộng, sốt mè, dầu giấm... để làm món canh thanh mát cho cả gia đình.
Đồ hộp
Các loại đồ hộp thích hợp để dự trữ như: pate, cá hộp, thịt, chả. Bạn có thể mua để phòng chống lũ. Đây có thể xem là một lựa chọn tối ưu trong những lúc cần dự trữ. Bạn cũng có thể chiên cơm, xào mì, trộn salad, nấu lẩu...
Sữa
Sữa cung cấp nguồn protein cần thiết Bổ sung nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể trong những ngày mưa bão và bạn có thể dự trữ lâu dài. Các loại sữa đặc, sữa nguyên kem ít béo trong hộp cũng có thể bảo quản được lâu và thích hợp khi dự trữ.
Các loại sữa đảm bảo nhu cầu sinh hoạt. Ảnh: Internet
Bạn có thể ăn sữa cùng bánh mì hoặc ngũ cốc, pha sinh tố để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Ngoài ra, theo khuyến cáo để đảm bảo an toàn thực phẩm, người dân cũng chú ý nấu chín kĩ thực phẩm, để riêng thực phẩm sống và chín, sử dụng nước và nguyên liệu chế biến an toàn.
Hiện tại, để ứng phó với cơn bão cường độ rất mạnh, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng đã khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà cho đến khi có thông báo. Phương án '4 tại chỗ' cũng được phát huy cao độ giúp người dân yên tâm cùng địa phương chống lũ an toàn.
Theo
H.A (t/h) | Phụ Nữ Sức Khỏe
Link bài gốc
Copy link
https://phunusuckhoe.giadinhonline.vn/phu-nu-va-gia-dinh/5-thuc-pham-co-the-tru-trong-bua-an-de-dam-bao-suc-khoe-va-chong-choi-voi-bao-noru-507500.html