Bác sĩ Hà Hải Nam cho biết từng điều trị cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở độ tuổi 12, 17, 18. Ảnh: Vecernji .
Ung thư đại trực tràng là ung thư phổ biến hàng thứ 5 tại Việt Nam sau ung thư gan, phổi, dạ dày, vú. Mỗi năm, nước ta ghi nhận gần 15.000 ca mắc mới, tỷ lệ 13,4/100.000 dân và khoảng hơn 7.000 ca tử vong. Tuy vậy, đây vẫn là bệnh có tiên lượng khá tốt. Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư đại trực tràng rất cao, tới gần 100%.
Ung thư đại trực tràng thường gặp ở những người trên 50 tuổi, tuy nhiên tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng trong nhiều năm gần đây có xu hướng tăng lên ở giới trẻ.
Mắc ung thư đại trực tràng ở độ tuổi rất trẻ
Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, cho biết từng gặp trường hợp 12 tuổi đã mắc ung thư đại trực tràng. Bệnh nhi có tiền sử táo bón từ rất sớm. Theo mẹ bệnh nhi, trẻ khoảng 7-8 tuổi đã xuất hiện đau bụng nhưng siêu âm kết quả bình thường.
Tới 12 tuổi, các cơn đau xuất hiện nhiều và bệnh nhi đi ngoài lẫn máu. Trẻ được nội soi, kết quả nghi ngờ ung thư nên đã được chuyển tới Bệnh viện K điều trị.
Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng trái và có chỉ định phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhi phải điều trị hóa chất.
Bác sĩ Hà Hải Nam cho hay khi khai thác tiền sử, bác sĩ biết trẻ có bác, ông nội từng mắc ung thư đại trực tràng và mất sớm.
Vị chuyên gia này cũng chia sẻ về một trường hợp khác mắc bệnh khi còn khá trẻ là bệnh nhân nam 17 tuổi. Bệnh nhân có triệu chứng đi ngoài ra máu nên được bố mẹ đưa đi khám. Không may cho trường hợp người bệnh này, ở thời điểm phát hiện, ung thư trực tràng đã di căn gan.
"Khối u của bệnh nhân khá lớn, nguy cơ bán tắc ruột. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải truyền hóa chất. Bệnh nhân này cũng có yếu tố gia đình là bố bệnh nhân mất sớm do mắc ung thư đại trực tràng. Anh trai bệnh nhân cũng mắc ung thư đại trực tràng, thời điểm phát hiện là 28 tuổi", bác sĩ Nam kể lại.
Bệnh có tỷ lệ di truyền cao
Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, cho hay ung thư đại trực tràng là căn bệnh có tỷ lệ di truyền rất cao trong số các bệnh ung thư. Ung thư đại trực tràng có yếu tố gia đình thường gặp ở người có bệnh lý đa polyp (Familiar Adenomatous Polyposis-FAP) và trường hợp mắc hội chứng Lynch.
Với đa polyp di truyền yếu tố gia đình, tỷ lệ di truyền cho thế hệ sau lên tới 80%. Những trường hợp này, nguy cơ ung thư hóa từ tuổi 40 trở đi gần như là 100% nếu không được phát hiện sớm để điều trị dự phòng.
Ung thư đại trực tràng là căn bệnh có tỷ lệ di truyền rất cao trong số các bệnh ung thư. Ảnh: Gesunder-magen-darm.
Bác sĩ Nam cũng từng phẫu thuật cho trường hợp bệnh nhân nữ 18 tuổi. Khi người này tới khám, lòng đại tràng có hàng trăm polyp.
Theo lời kể của mẹ người người bệnh, bố cũng mắc ung thư đại trực tràng và mất khi mới 40 tuổi. Hai năm sau ngày bố mất, vì lo ngại căn bệnh ung thư đại trực tràng có thể di truyền, bệnh nhân đã đi khám. Nữ bệnh nhân này phải cắt bỏ toàn bộ đại tràng. Nếu không được cắt sớm, chỉ sau 5-7 năm, các polyp kia có thể thành ung thư, khi đó điều trị sẽ rất khó khăn.
Ngoài yếu tố di truyền, các chuyên gia cũng cho rằng ung thư đại trực tràng ở nước ta cũng như nhiều nước đang phát triển tăng nhanh do liên quan trực tiếp đến lối sống, chế độ ăn. Những thói quen như ít vận động, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ăn ít trái cây và rau xanh, nạp nhiều chất béo, thức ăn nhanh, uống nhiều rượu, hút thuốc lá... là yếu tố nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh.
Dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư đại trực tràng
Theo ThS.BS Trần Đức Cảnh, khoa Nội soi thăm dò chức năng, Bệnh viện K Trung ương, một số triệu chứng của bệnh ung thư đại tràng rất giống bệnh lý thông thường hay gặp. Do đó, người bệnh dễ chủ quan, để tự khỏi hoặc tự mua thuốc điều trị tại nhà. Sai lầm đó có thể dẫn tới tình trạng bệnh chuyển biến xấu và nhanh hơn, khiến quá trình điều trị càng thêm khó khăn.
Đau bụng: Đau bụng là một trong những triệu chứng sớm nhất và có ở 70-80% bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Hoàn cảnh xuất hiện cơn đau không theo quy luật nào. Bạn có thể đau bất kỳ lúc nào trong ngày, không liên quan đến bữa ăn, vị trí đau thường ở vùng bị ung thư. Cơn đau có thể dài hay ngắn, từ vài phút đến vài giờ. Cường độ đau lúc đầu ít, về sau đau nhiều.
Rối loạn tiêu hóa: Triệu chứng thường có ở 60% bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Biểu hiện bằng táo bón, tiêu lỏng hoặc xen kẽ giữa táo bón và tiêu lỏng. Táo bón thường thấy ở ung thư đại trực tràng trái nhiều hơn.
Phân lẫn máu: Người bệnh đi tiêu, phân thường có máu do chảy máu ở vị trí ung thư. Xuất huyết ở tràng phải phân thường có màu đỏ sẫm, xuất huyết ở đại tràng trái phân có màu đỏ tươi hơn. Phân nhầy máu thường gặp trong ung thư trực tràng. Hiện tượng xuất huyết thường rỉ, từng ít một nên lúc đầu không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Sau đó, do mất máu kéo dài, người bệnh thiếu máu, thiếu sắt.
Triệu chứng toàn thân:
- Sụt cân: Có thể sụt cân từ từ làm người bệnh không chú ý, nhưng cũng có trường hợp sụt cân nhanh kèm theo các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi.
- Thiếu máu: Đặc điểm của thiếu máu trong ung thư đại trực tràng là không biểu hiện rõ sự mất máu nên khó phát hiện.
Đặc điểm của thiếu máu trong ung thư đại trực tràng là không biểu hiện rõ sự mất máu nên khó phát hiện. Ảnh: Clinicasur.
- Sốt: Khoảng 16-18% bệnh nhân ung thư đại trực tràng.
Khối u: Ung thư đại trực tràng phải dễ sờ thấy u hơn ở đại trực tràng trái. Sờ thấy u của đại trực tràng thường là bệnh đã đến giai đoạn muộn.
Kiểm tra đại trực tràng thường xuyên chính là cách tốt nhất để phòng tránh ung thư. Polyp tiền ung thư thường không biểu hiện triệu chứng mà có thể được tìm thấy qua phương pháp nội soi đại trực tràng và cắt bỏ qua nội soi.
Làm gì để phòng bệnh?
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Ung Bướu 1, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh, khuyến cáo ung thư đại trực tràng nguy hiểm nhưng chúng ta vẫn có thể chủ động phòng tránh bằng việc thay đổi lối sống lành mạnh, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và tầm soát ung thư định kỳ.
Trong đó, việc tầm soát ung thư đại trực tràng đóng vai trò quan trọng giúp bạn phòng tránh và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Những người không có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng nên bắt đầu sàng lọc ở lứa tuổi 50. Những người có nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người bị chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng nên bắt đầu sàng lọc ở độ tuổi trẻ hơn.
"Việc tầm soát và phát hiện sớm có vai trò quan trọng giúp điều trị hiệu quả và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, từ đó giảm gánh nặng về tâm lý, kinh tế và xã hội. Do vậy, nếu tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ung thư đại tràng sẽ không còn là 'án tử' cho bệnh nhân", bác sĩ Dũng cho hay.