Nội tiết tố có liên quan đến các loại chức năng quan trọng từ quản lý sự trao đổi chất, đến tâm trạng, giúp bạn ngon giấc. Khi nội tiết tố trong cơ thể không hài hòa, bạn có thể cảm nhận được điều này. Có nhiều yếu tố góp phần vào việc cân bằng các hormone và một số yếu tố trong số đó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Tuy nhiên, việc lựa chọn thực phẩm và cách ăn uống không lành mạnh có thể làm giảm sự xáo trộn của các hormone.
Dưới đây những thói quen bạn nên tránh vì có thể làm mất cân bằng nội tiết tố theo Eat This Not That .
Ăn quá nhiều hoặc quá ít
Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ góp phần vào việc điều chỉnh hormone phù hợp. Cân nặng giảm hoặc tăng vọt do ăn quá nhiều hoặc quá ít có thể phá vỡ sự cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng đến sự thèm ăn. Các hormone sinh sản nữ thường bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi cân nặng. Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) vượt hoặc dưới ngưỡng bình thường có thể liên quan đến nguy cơ gặp các vấn đề sinh sản liên quan đến hormone cao hơn.
Nghiên cứu năm 2015 với hơn 100 người tham gia đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy, phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng mắc hội chứng buồng trứng đa nang và hội chứng chuyển hóa - hai tình trạng làm giảm khả năng sinh sản. Phụ nữ nhẹ cân có nhiều khả năng mắc các bệnh lý khác qua trung gian hormone ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như rối loạn chức năng buồng trứng và tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh.
Hormone sinh sản không phải là thứ duy nhất có thể bị rối loạn do tiêu thụ quá nhiều hoặc dưới mức calo cần thiết. Béo phì (thường do chế độ ăn nhiều calo) có thể gây ra những thay đổi đối với hormone vùng dưới đồi và tuyến yên, dẫn đến nhiều khả năng mắc các vấn đề như suy giáp, bệnh Cushing, thiếu hụt hormone tăng trưởng...
Ăn quá nhiều đường
Ăn quá nhiều đường góp phần làm tăng cân, có thể gây rối loạn nội tiết tố và ảnh hưởng xấu đến hormone của cơ thể. Một nghiên cứu trong ống nghiệm đăng trên Science Daily năm 2007 phát hiện, ăn nhiều fructose và glucose có thể làm tắt gene chịu trách nhiệm điều chỉnh estrogen và testosterone. Theo nghiên cứu, phá vỡ sự cân bằng của các hormone sinh dục này có thể gây ra tác động, làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá, vô sinh, hội chứng buồng trứng đa nang và ung thư tử cung (nhất là ở phụ nữ thừa cân).
Một nghiên cứu khác của Đại học Washington and Lee năm 2017 được thực hiện trên động vật cho thấy, chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt và gây ra u nang buồng trứng. Trong trường hợp thèm đố ngọt, bạn có thể chọn một số loại như chocolate đen hoặc trái cây và sữa chua, kem ít đường.
Ăn nhiều đường có thể ảnh hưởng xấu đến nội tiết tố. Ảnh: Freepik
Uống soda ăn kiêng
Chất làm ngọt nhân tạo có thể làm thay đổi vi khuẩn trong ruột, làm đảo lộn trạng thái cân bằng của leptin và ghrelin (các hormone điều chỉnh cảm giác đói và no). Mặc dù cần nghiên cứu thêm, nhưng chất làm ngọt nhân tạo có liên quan đến các vấn đề cân nặng liên quan đến hormone như béo phì, tiểu đường type 2 và hội chứng chuyển hóa.
Một nghiên cứu năm 2016 của Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã tiến thêm một bước để tìm hiểu xem liệu soda ăn kiêng có tác động đến hormone hay không. Kết quả cho thấy, uống soda ăn kiêng làm tăng việc giải phóng GLP-1, một loại hormone liên quan đến bài tiết insulin.
Lạm dụng quá nhiều rượu
Thỉnh thoảng, bạn có thể uống rượu như rượu vang nhưng lạm dụng nó sẽ gây ra rắc rối cho hormone. Uống quá nhiều rượu có thể gây ra rối loạn nội tiết tố làm gián đoạn sự liên lạc giữa hệ thống nội tiết , thần kinh và miễn dịch. Khó kiểm soát lượng đường trong máu, chuyển hóa estrogen, gặp các vấn đề về tuyến giáp, rối loạn chức năng miễn dịch và các vấn đề về hormone khác có thể bắt nguồn từ việc uống quá nhiều rượu.
Kim Uyên
(Theo
Eat This Not That
)