Dưới đây là một số quan niệm sai lầm về bệnh ung thư theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ:
Ăn đường có làm cho bệnh ung thư nặng hơn không?
Không. Mặc dù nghiên cứu đã chỉ ra rằng các tế bào ung thư tiêu thụ nhiều đường (glucose) hơn các tế bào bình thường. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng ăn đường sẽ làm cho bệnh ung thư của bạn tồi tệ hơn hoặc nếu bạn ngừng ăn đường, bệnh ung thư của bạn sẽ thu nhỏ hoặc biến mất.
Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều đường có thể góp phần làm tăng cân quá mức và béo phì có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư.
Các chuyên gia tin rằng trọng lượng dư thừa có thể gây ra một số bệnh ung thư vì những lý do sau:
- Thừa cân có thể làm tăng mức insulin và yếu tố tăng trưởng insulin-1 (IGF-1).
- Béo phì có thể dẫn đến tình trạng viêm mạn tính trong cơ thể.
- Lượng chất béo trong cơ thể cao hơn sẽ làm tăng nồng độ estrogen trong tế bào.
- Tế bào mỡ có thể thay đổi các quá trình của cơ thể có liên quan đến sự phát triển của ung thư.
Những người thừa cân hoặc béo phì có thể có nguy cơ mắc các loại ung thư này cao hơn: ung thư vú, đại trực tràng, nội mạc tử cung, thực quản, túi mật, thận, tuyến tụy, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, buồng trứng.
Chất tạo ngọt nhân tạo có gây ung thư không?
Không. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành các nghiên cứu về tính an toàn của chất làm ngọt nhân tạo (chất thay thế đường) saccharin; cyclamate; aspartame; acesulfame kali; sucralose ; và neotame và không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy chúng gây ung thư ở người. Tất cả các chất làm ngọt nhân tạo này ngoại trừ cyclamate đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cho phép lưu hành tại Hoa Kỳ.
Phẫu thuật ung thư hoặc sinh thiết khối u có khiến ung thư di căn trong cơ thể không?
Khả năng phẫu thuật sẽ khiến ung thư di căn sang các bộ phận khác của cơ thể là rất thấp. Theo quy trình tiêu chuẩn, bác sĩ phẫu thuật sử dụng các phương pháp đặc biệt và thực hiện nhiều bước để ngăn chặn tế bào ung thư lây lan trong quá trình sinh thiết hoặc phẫu thuật loại bỏ khối u.