Trang Chủ > Sức khỏe > Chuyện nghề thầm lặng của các chuyên viên kỹ thuật y khoa

Chuyện nghề thầm lặng của các chuyên viên kỹ thuật y khoa

Zingnews
02/08/2022 08:02:59

Chuyên viên kỹ thuật y khoa là nghề ít được biết đến. Tuy nhiên, đây là nghề giữ vai trò quan trọng đối với hành trình giành lại sự sống, cải thiện sức khỏe của bệnh nhân.

Cái duyên đến với nghề

Với Lê Thị Hương, trở thành chuyên viên kỹ thuật y khoa của các bệnh nhân parkinson là bước ngoặt lớn. Nỗ lực theo đuổi chuyên ngành dược 6 năm, Hương ấp ủ ước mơ trở thành một dược sĩ hoặc nhà nghiên cứu dược phẩm. Thế nhưng, ngay khi ra trường vào năm 2019, Hương may mắn được Medtronic Việt tuyển dụng, đào tạo chuyên môn bởi chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước.

Chuyện nghề thầm lặng của các chuyên viên kỹ thuật y khoa-1

Càng gắn bó, Lê Thị Hương càng thêm yêu công việc chuyên viên kỹ thuật y khoa.

Từ đây, Hương chính thức rẽ sang công việc của một chuyên viên kỹ thuật y khoa. Càng gắn bó với nghề, cô càng thêm yêu công việc, không ngừng học hỏi cũng như thấu hiểu tâm lý bệnh nhân parkinson.

Còn Nguyễn Đức Anh được Medtronic Việt Nam tuyển dụng khi đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành Kỹ thuật y sinh. Cũng giống Hương, để cùng tham gia thực hiện công việc thay van tim qua da cho các bệnh nhân tim, Đức Anh không ngừng trau dồi kiến thức và chuyên môn.

Anh được các chuyên gia hàng đầu của Medtronic đào tạo, hướng dẫn bởi thay van tim qua da là một kỹ thuật cao và rất mới của ngành y trong nước. Với những nỗ lực học hỏi và không ngại khó, đến nay Đức Anh tham gia thực hiện thành công 44 ca, góp phần cứu sống người bệnh mạnh khỏe, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình.

Trong khi đó, việc trở thành chuyên viên kỹ thuật y khoa về kỹ thuật máy tạo nhịp tim của anh Nguyễn Quốc Hưng dường như thuận lợi hơn. Xuất thân là dân kỹ thuật công nghệ thông tin về máy tính và viễn thông, anh bén duyên với nghề hơn mười năm. Với lợi thế nắm rõ kỹ thuật, am hiểu chi tiết từng thiết bị, kinh nghiệm tham gia hàng nghìn ca mổ đặt thiết bị tạo nhịp tim, anh Hưng được Tập đoàn Medtronic chọn đào tạo chuyên sâu.

Đến nay, song song với công việc hàng ngày, anh thường xuyên được công ty tạo điều kiện tham gia các khóa huấn luyện, cập nhật kiến thức, kỹ thuật về thiết bị tạo nhịp tim.

Chuyện nghề thầm lặng của các chuyên viên kỹ thuật y khoa-2

Anh Nguyễn Quốc Hưng trong một ca phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim.

Sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân 24/7

Hơn 3 năm gắn bó với công việc, Hương tham gia “vòng ngoài” trong các ca mổ ít xâm lấn điều trị bệnh parkinson tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM và Hà Nội. Nữ chuyên viên kỹ thuật hỗ trợ bác sĩ chọn tần số kích thích não sâu dưới da vùng ngực, trong đó có nhiều ca đặc biệt, thời gian phẫu thuật kéo dài và căng thẳng.

Sau những giờ trong phòng mổ, Hương tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân parkinson sau khi được đặt thiết bị kích thích não sâu. Có những đêm, cô bị đánh thức vì bệnh nhân cần hướng dẫn lại một số thao tác với thiết bị. Hiểu được nỗi lo lắng của người bệnh parkinson khi không tự chăm sóc được cho bản thân, không tự làm được việc nhà, không thể chăm sóc con cái… nên cô luôn trong tâm thế sẵn sàng trợ giúp.

“Nhìn thấy các cô chú, ông bà khỏe mạnh với những bước đi vững chãi và đôi bàn tay không còn run rẩy, thậm chí có thể xỏ cọng chỉ vào cây kim khiến tôi rất hạnh phúc”, Hương chia sẻ.

Chuyện nghề thầm lặng của các chuyên viên kỹ thuật y khoa-3

Lê Thị Hương tham gia “vòng ngoài” trong các ca mổ ít xâm lấn điều trị bệnh parkinson.

Vì là nhân sự theo dõi xuyên suốt quá trình người bệnh parkinon sử dụng thiết bị kích thích não sâu, cô cũng cảm nhận được những niềm vui từ người nhà bệnh nhân. Đó là khi ông bà, cha mẹ họ có thể trở lại cuộc sống thường nhật, tự chăm sóc bản thân, tự làm việc nhà, thậm chí đi du lịch, thăm thú nhiều nơi.

Không giống Hương, công việc anh Hưng tiếp cận đa dạng độ tuổi bệnh nhân tim, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Do đó, bên cạnh chuyên môn vững vàng, anh còn phải thấu hiểu những lo lắng của người bệnh ở từng độ tuổi để kịp thời hỗ trợ.

Anh Hưng chia sẻ niềm hạnh phúc lớn trong công việc là nhìn thấy bệnh nhân đặt thiết bị hỗ trợ nhịp tim khỏe mạnh trở lại, sinh hoạt như bình thường. Anh nhớ nhất một bệnh nhân nữ sau khi được đặt thiết bị đã có thể sinh con, điều mà trước đó sức khỏe của cô gần như không cho phép. Hay một bé bị bệnh tim lúc mới sinh, trải qua 2 lần thay thiết bị, đến nay đã bước vào giảng đường đại học.

Chuyện nghề thầm lặng của các chuyên viên kỹ thuật y khoa-4
Chuyện nghề thầm lặng của các chuyên viên kỹ thuật y khoa-5

Công việc vất vả nhưng anh Nguyễn Quốc Hưng luôn cảm thấy hạnh phúc khi bệnh nhân hồi phục, cải thiện sức khỏe.

Trong khi đó, với đặc thù công việc, Đức Anh tham gia trực tiếp cùng y bác sĩ trong các ca phẫu thuật, đòi hỏi sự cẩn trọng trong mọi thao tác. Đơn cử như việc giữ sạch khuẩn trong phòng mổ, chỉ cần một sự vô tình từ cái quay lưng nhẹ hoặc chạm tay vào bất cứ đồ vật thì xem như phải thực hiện lại từ đầu.

Có những ca phẫu thuật với thời gian sít sao nhưng ở 2 bệnh viện xa nhau như TP.HCM - Hà Nội, Đức Anh phải linh hoạt sắp xếp thời gian di chuyển để đảm bảo mọi khâu chuẩn bị trước ca mổ được chính xác và đầy đủ. Tuy nhiên, áp lực, khó khăn nhanh chóng qua đi khi bệnh nhân được thay van tim qua da sau phẫu thuật dần phục hồi và khỏe mạnh.

“Có những bệnh nhân nặng, trước đây không thể đi lại và đã được tiên lượng xấu, sau ca phẫu thuật với nỗ lực của bản thân bệnh nhân và ê-kíp giờ có thể đi lại bình thường. Thậm chí, nhiều bệnh nhân có thể tham gia các môn thể thao cần sức bền như cầu lông, tennis”, Đức Anh chia sẻ.

Vẫn còn nhiều khó khăn phía trước với một công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn, độ chính xác cao, nhưng cả anh Hưng, chị Hương và anh Đức Anh đều nhận thấy việc góp phần cải thiện sức khỏe, kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân là điều ý nghĩa. Cả 3 chuyên viên kỹ thuật y khoa mong muốn mang lại hạnh phúc cho bệnh nhân và gia đình của họ. Đây cũng là động lực để các chuyên viên kỹ thuật y khoa gắn bó với nghề, viết nên hành trình nhiều cảm hứng trong sự nghiệp của mình.