Những vụ việc "xấu xí" khi người Việt du lịch nước ngoài
Ngày 1/7, cảnh sát Tây Ban Nha cáo buộc 2 công dân Việt Nam "tấn công tình dục" thiếu nữ 17 tuổi gây xôn xao dư luận. Đến nay, danh tính và nghề nghiệp của hai người này chưa được cung cấp. Họ hiện được tại ngoại và trong quá trình chờ cơ quan chức năng Tây Ban Nha xử lý.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên, du khách Việt vướng vào những lùm xùm "xấu xí" ở nước ngoài.
Một số tờ báo quốc tế đưa tin 2 công dân Việt Nam "tấn công tình dục" thiếu nữ 17 tuổi ở Tây Ban Nha (Ảnh: Daily Mail)
Năm 2013, nhiều siêu thị, cửa hàng ở Nhật ghi biển cảnh báo, nhắc nhở bằng tiếng Việt để hạn chế tình trạng mất cắp. Thái độ bức xúc này xuất phát từ thực trạng một số người Việt ở nước ngoài có hành động trộm cắp, làm xấu đi hình ảnh đất nước.
Tháng 7/2015, cảnh sát thành phố Zurich (Thụy Sĩ) đã bắt giữ hai du khách người Việt do nghi ngờ về hành vi trộm 3 chiếc kính hiệu Gucci và Louis Vuitton với trị giá hơn 300 USD mỗi chiếc sau đó đeo hai trong số 3 vật phẩm đánh cắp ra khỏi cửa hàng. Hai du khách sau đó đã phải chịu phạt 1.000 franc Thụy Sĩ (hơn 23 triệu đồng) trước khi được thả tự do.
Một siêu thị ở Nhật treo biển cảnh báo trộm cắp bằng tiếng Việt
Giữa tháng 9/2018, 4 người Việt Nam bị cáo buộc ăn trộm gần 1.400 sản phẩm thời trang, có tổng trị giá 44.600 SGD (hơn 32.000 USD) ở Singapore. Để qua mặt máy quét chống trộm tại cửa hàng, nhóm này đã bỏ các món đồ vào túi có lót giấy bạc. Tòa án tại Singapore đã tuyên án tù với nhóm người này.
Cùng năm, 152 người Việt biến mất khi du lịch Đài Loan với mục đích cư trú trái pháp luật, sau đó họ đã bị trục xuất về Việt Nam và cấm nhập cảnh vào Đài Loan trong một thời gian nhất định.
Số lượng quần áo nhóm 4 người Việt ăn trộm tại Singapore.
Tại sao du khách Việt hành động "xấu xí" ở nước ngoài?
Chia sẻ với PV Dân trí , ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, đa phần người Việt du lịch nước ngoài đều tuân thủ pháp luật và tập quán bản địa, thậm chí nhiều người ở Việt Nam hành xử tùy tiện nhưng rất văn minh khi đến nước bạn.
Lý do là nhiều du khách quan ngại sự nghiêm minh của luật pháp hoặc đã được cảnh báo, nhất là giữ vệ sinh nơi công cộng, vứt rác gọn gàng, xếp hàng,… ở nước bạn.
Song, trong nhiều trường hợp, người Việt mang tiếng xấu là ứng xử kém văn minh. Gần đây nhất, hai công dân bị tố có hành vi "tấn công tình dục" thiếu nữ 17 tuổi ở Tây Ban Nha.
"Thực tế, chúng tôi đã gặp một số trường hợp người Việt 'xấu xí' như vi phạm quy định về thuần phong mỹ tục, văn hóa, cách ứng xử, xếp hàng, nói to, vứt rác bừa bãi,… Thậm chí, có người còn trộm đồ của khách sạn", ông Hoan kể.
Ông Hoan phân tích một số lý do người Việt "xấu xí" khi ở nước ngoài, như không thành thạo ngôn ngữ dẫn đến việc hiểu sai thông tin; nhiều nước áp dụng công nghệ quản lý giám sát từ xa, tự động, không thủ công như ở Việt Nam khiến du khách chủ quan; không được hướng dẫn kỹ lưỡng về thủ tục, quy định pháp luật hoặc bị lừa, gài bẫy.
Theo ông Hoan, nhiều tổ chức tội phạm quốc tế cố tình gài bẫy hoặc lợi dụng sự không hiểu biết, yếu kém về ngôn ngữ của du khách Việt để lôi kéo họ vào đường dây vi phạm pháp luật.
"Nếu người Việt vi phạm quy tắc, pháp luật ở nước ngoài, sẽ rất ảnh hưởng hình ảnh, văn hóa, truyền thống của Việt Nam, khiến bạn bè quốc tế hiểu sai về nước mình", Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.
Ông Hoan cho rằng, khi ra nước ngoài, người Việt cần tìm hiểu kỹ về pháp luật bản địa.
"Trách nhiệm tuyên truyền pháp luật của các công ty du lịch, lữ hành và các hướng dẫn viên rất quan trọng. Trước mỗi chuyến đi, các công ty nên hướng dẫn du khách những điều cần thiết như quy định pháp luật, những điều nên và không nên, những hành vi hạn chế…", ông Hoan nêu và nhấn mạnh trong suốt chuyến đi, hướng dẫn viên cần thường xuyên nhắc nhở du khách về quy định, văn hóa, tập quán, tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc.
Trong khi đó, theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, việc công dân Việt Nam vi phạm pháp luật và bị xử lý ở nước ngoài không phải là chuyện hiếm gặp.
Ông dẫn thông tin từ Bộ Công an, đã tiếp nhận hơn 25.000 người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài bị trục xuất kể từ năm 2018 đến nay.
"Thói quen xấu của một cá nhân, nhưng khi ra nước ngoài, lại là câu chuyện của cả một quốc gia. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng danh dự của một cá nhân, mà kéo theo hệ lụy hình ảnh của một đất nước, con người", ông Tiền nhấn mạnh.
Để hạn chế những hành vi "xấu xí" khi du lịch nước ngoài, vị luật sư khuyến cáo người dân nên học cách tôn trọng pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán của mỗi quốc gia. Trước mỗi chuyến đi, du khách cần chủ động tìm hiểu các thông tin về văn hóa, pháp luật, quy tắc ứng xử tại các điểm du lịch, nhằm đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người xung quanh.
Trước đó, khi dịch bệnh Covid-19 hạ nhiệt, từ ngày 15/2/2022, Việt Nam mở cửa bầu trời, khôi phục các đường bay thường lệ quốc tế đến các nước sau hai năm đóng cửa. Một tháng sau, nước ta chính thức mở cửa du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều đơn vị lữ hành số lượng du khách Việt xuất ngoại chưa cao, chỉ chiếm khoảng 10% so với thời điểm trước dịch.
Vị chuyên gia nêu ra 3 lý do người dân còn hạn chế du lịch nước ngoài. Thứ nhất, tâm lý "thận trọng nhất định". Dù cuộc sống đã quay lại trạng thái "bình thường mới", nhu cầu du lịch tăng cao, nhưng trước mắt, người dân tập trung du lịch trong nước, thận trọng ra nước ngoài.
Thứ hai, các chính sách về nhập cảnh của các quốc gia chưa được thông thoáng như trước dịch. Một số nước vẫn áp dụng tờ khai Covid-19 hoặc hạn chế cấp visa khiến thủ tục phức tạp, từ đó người dân chưa sẵn sàng xuất ngoại.
Thứ ba, quan trọng hơn cả, là việc các hãng hàng không chưa mở hết các đường bay khiến khả năng đặt vé bị hạn chế, giá vé bị đẩy lên cao. Đồng thời, các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài chưa khởi động lại toàn bộ chương trình như các khách sạn, khu vui chơi giải trí, điểm tham quan,… dẫn đến việc giá cao nhưng chất lượng giảm sút.