Ngay từ sáng sớm 27/8, rất đông người dân, du khách trong, ngoài TP.HCM đã đến Lăng Ông Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) để đi lễ Giỗ lần thứ 190 Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. Càng về trưa và chiều, các đoàn viếng lễ về Lăng Ông càng đông hơn.
Lễ giỗ Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt được thực hiện theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn. Các nghi thức được cử hành theo phong cách hoàng cung dành cho các vị khai quốc công thần. Ngày chánh giỗ (27/8 nhằm ngày 1 tháng 8 Âm lịch) sẽ cúng theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn, Tế tiền hiền - hậu hiền - Anh hùng liệt sĩ, biểu diễn nghệ thuật hát bội, Lễ Tôn Vương - Hồi chầu.
Người dân thắp hương tại phần mộ Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt.
Ngoài các nghi lễ, lễ Giỗ lần thứ 190 Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt còn có múa lân. Ông địa cùng với đội lân và tiếng trồng dồn chào đón người dân đến đi lễ.
Ngoài chào mừng, đội lân còn biểu diễn nhiều bài khác khiến khách thích thú.
Đây là một trong số ít những dịp mà người dân có thể thưởng thức múa lân và các loại hình nghệ thuật dân gian giữa nhịp sống hối hả tại TP.HCM.
Ngoài múa lân còn có múa rồng. Các hoạt động sẽ diễn ra trong suốt 3 ngày dịp Lễ Giỗ lần thứ 190 Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, từ ngày 26-28/8 (nhằm ngày 29 tháng 7 và mùng 1, mùng 2 tháng 8 Âm lịch).
Hát bội luôn là một điểm nhấn được nhiều người dân chờ đón tại Lăng Ông Bà Chiểu. Nhiều vở diễn sẽ luân phiên diễn ra trong các ngày giỗ để phục vụ người dân.
Đến Lăng Ông, khách còn được trực tiếp xem các nghệ sĩ thuộc đoàn Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM trang điểm, hóa trang bên ngoài. Các nghệ sĩ gần gũi, vui vẻ trước giờ biểu diễn.
Theo các nghệ sĩ, có những vở kéo dài liên tục vài tiếng đồng hồ. Khi thấy khán giả và người dân đón nhận nồng nhiệt, họ cảm thấy rất vui và hạnh phúc bởi hát bội đang dần được phục hồi, nhiều bạn trẻ cũng quan tâm đến loại hình nghệ thuật sân khấu này.