Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý tại hội thảo Xây dựng phát triển sản phẩm du lịch liên kết 6 tỉnh Việt Bắc diễn ra tại TP. Hà Giang ngày 26/8. Hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Tỉnh ủy, UBND 6 tỉnh Việt Bắc tổ chức trong khuôn khổ chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XIII, Hà Giang năm 2022”.
Tham dự hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên; Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh; lãnh đạo Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng hơn 80 doanh nghiệp du lịch trong cả nước.
Tạo sự khác biệt từ nét văn hóa đặc trưng
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý nhấn mạnh, du lịch với tính chất là ngành kinh tế có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Việc liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh trong khu vực Việt Bắc còn tạo ra môi trường thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến các địa phương trong vùng. Liên kết là yếu tố quan trọng, mang tính quy luật khách quan đối với phát triển du lịch điểm đến.
Theo Phó Chủ tịch Trần Đức Quý, Việt Bắc được đánh giá là điểm đến thú vị với những địa danh nổi tiếng, di tích lịch sử cách mạng và bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc. Đây là những thế mạnh để các tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng. Với sự nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp diện mạo phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng Việt Bắc đã có nhiều khởi sắc và phát triển bền vững, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, du lịch Việt Bắc nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là: chưa nhiều sản phẩm đặc thù có thế mạnh; thiếu tính liên kết; nhiều sản phẩm tương đồng trùng lặp dẫn tới hiệu quả khai thác không cao; việc đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch chưa có tính tổng thể, đồng bộ giữa các địa phương; công tác xúc tiến quảng bá còn chậm đổi mới.
Do đó, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, nhằm góp phần đánh giá đầy đủ về thành tựu đạt được trong sự liên kết phát triển du lịch của các tỉnh Việt Bắc. Từ các góc độ khác nhau, các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương, các ngành sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận, đề xuất, hiến kế để tìm ra các giải pháp mới; khai thác tối đa những cơ hội và tiềm năng xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp trong mối liên kết vùng; phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay và yêu cầu của thị trường du lịch đặt ra.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó sau đại dịch COVID-19 của các tỉnh Việt Bắc với những giải pháp thiết thực. Bộ trưởng đề nghị hội thảo cần xác định cách tiếp cận mới trong xây dựng liên kết vùng. Nhìn nhận một cách toàn diện về những khó khăn, thách thức, xác định rõ điểm nghẽn cần khơi thông.
Việc liên kết vùng du lịch Việt Bắc đóng góp vai trò mở rộng liên kết trong 6 tỉnh trong vùng với các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung và cả nước, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Các tỉnh Việt Bắc có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển các loại hình du lịch, để phát triển cần định vị thương hiệu du lịch Việt Bắc, du lịch của mỗi địa phương. Từ thế mạnh của mình, các tỉnh cần chú trọng xây dựng nét đặc trưng cho sản phẩm du lịch. Trong đó, mỗi địa phương cần xây dựng sản phẩm tiêu biểu, mang đậm dấu ấn văn hóa của từng vùng bởi du lịch phải bắt đầu từ văn hóa, mang dấu ấn văn hóa. Bộ trưởng cũng gợi ý: có thể khai thác sâu những câu chuyện về văn hóa, gắn với di tích, điểm đến để tăng tính trải nghiệm, liên kết vùng.
Theo Bộ trưởng, qua 3 đoàn khảo sát đến các tỉnh Việt Bắc cho thấy, việc xây dựng sản phẩm du lịch, tăng cường tính liên kết là rất cần thiết. Tuy nhiên muốn liên kết phát triển du lịch bền vững, các địa phương cần đến chú trọng vai trò của doanh nghiệp, phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Trong liên kết cần đặt ra trong tư duy mới, Nhà nước chỉ giữ vai trò kiến tạo, liên kết tạo sức mạnh, doanh nghiệp là chủ đạo có sự kết nối cùng các Hiệp hội du lịch. Các doanh nghiệp du lịch sẽ thổi hồn vào sản phẩm, tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách.
Bên cạnh các yếu tố trên, các địa phương cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin đồng thời các tỉnh phải kết nối với nhau, kết nối với cơ quan TCDL.
Bộ trưởng mong muốn, sau hội thảo, các tỉnh sẽ có những bước đi vững chắc trong việc xây dựng sản phẩm, phát triển liên kết du lịch vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của 6 tỉnh chiến khu Việt Bắc. Đồng thời, các địa phương cần chú trọng xây dựng sản phẩm, quản lý sản phẩm và đánh giá hiệu quả mà sản phẩm mang lại dưới góc độ kinh tế, xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Đặng Quốc Khánh cho biết, sau 12 năm triển khai chương trình hợp tác đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch của các tỉnh Việt Bắc, đưa vùng Việt Bắc trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Với Hà Giang xác định du lịch là một trong 3 đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2020 – 2025, và tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch, liên kết vùng.
Để việc liên kết phát triển du lịch vùng Việt Bắc thiết thực hơn, hiệu quả hơn, ông Khánh đề nghị các địa phương, doanh nghiệp 6 tỉnh Việt Bắc cần xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch cụ thể, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện, có giải pháp khắc phục kịp thời những hạn chế. Đặc biệt, ông Khánh cho rằng, để phát triển mạnh du lịch các tỉnh Việt Bắc, các địa phương cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của địa phương, xây dựng tour, tuyến du lịch, tạo chuỗi sản phẩm du lịch đặc sắc. Tăng cường hợp tác xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch liên kết; xây dựng đề án xúc tiến chung cho từng giai đoạn cụ thể. Phát triển đồng bộ hạ tầng, cơ sở vật chất nối liền các điểm tham quan, du lịch. Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty lữ hành đến khảo sát xây dựng kết nối tour, tuyến du lịch, tạo chuỗi sản phẩm du lịch đặc sắc, phong phú, đa dạng…
Lập liên minh bán sản phẩm du lịch các tỉnh Việt Bắc
Góp ý tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, việc tổ chức cho các doanh nghiệp du lịch đi khảo sát, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch liên kết 6 tỉnh Việt Bắc là hết sức cần thiết. Qua khảo sát, sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch, hình thành hệ thống sản phẩm du lich đặc thù để từ đó thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề cập đến những tồn tại, bất cập cần tháo gỡ, những kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo các tỉnh Việt Bắc, lãnh đạo Bộ VHTTDL để góp phần thúc đẩy du lịch các tỉnh Việt Bắc phát triển hơn nữa.
Cụ thể, Giám đốc Unitour Hà Nội Nguyễn Quốc Long cho hay, nếu du khách tới các địa phương này không vào dịp Tết, lễ hội thì ít được trải nghiệm nét văn hóa truyền thống, phong tục, lễ nghi của đồng bào dân tộc; các dịch vụ, các địa điểm cho khách thuê trang phục để chụp ảnh chưa nhiều. Có những điểm đến chưa được quan tâm, đầu tư, thiếu nhà vệ sinh, chưa số hóa các di sản văn hóa; công tác trưng bày tại bảo tàng, di tích còn sơ sài; cách trưng bày di tích lịch sử hạn chế, chưa hấp dẫn... Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện, truyền thuyết gắn với di tích, danh thắng chưa được khai thác xứng tầm để phục vụ du khách nhất là lượng khách lẻ, gia đình.
Phó Giám đốc Công ty Ginatour Việt – Nhật Đào Ngọc Thịnh nhìn nhận, tại Tuyên Quang, nhiều điểm đến, nguồn tài nguyên suối nước khoáng chưa được đầu tư để khai thác phục vụ du lịch trong khi nhu cầu du lịch chữa bệnh của thị trường rất lớn… Còn một số điểm đến ở Thái Nguyên, Bắc Kạn đẹp nhưng không tạo dấu ấn cho khách. Dẫn chứng cho nhận định này, Giám đốc Công ty Sun Smile Travel Việt Nam Dương Thị Thanh Hằng nêu: tại hang Mỏ Gà (Thái Nguyên), buổi tối du khách không biết đi đâu, làm gì… Hay cung đường lên Bắc Kạn còn nhiều khó khăn; hồ Ba Bể cảnh đẹp nhưng chất lượng dịch vụ xuống cấp trầm trọng, nhiều rác thải, ô nhiễm, bê tông hóa... Và, một điểm chung của các điểm đến này là quá nhiều các gian hàng, dịch vụ na ná giống nhau nhưng giá bán lại khác nhau, thiếu sự thống nhất, tạo cho du khách cảm giác không yên tâm về chất lượng.
Để cải thiện tồn tại này, bà Thanh Hằng gợi ý, tại các điểm đến này cần phát triển thêm các dịch vụ để tăng trải nghiệm cho du khách. Cần có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tài nguyên du lịch và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở địa phương; đồng thời, đảm bảo theo nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn chiến khu.
Bày tỏ quan điểm tại Hội thảo, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng, cần thành lập liên minh bán sản sản phẩm du lịch mới gồm các doanh nghiệp tham gia các đoàn khảo sát, để thiết kế xây dựng các nhóm sản phẩm (tour du lịch) đặc thù theo tuyến điểm phù hợp với nhu cầu của khách. Đồng thời, mời các doanh nghiệp tham gia đoàn khảo sát và các doanh nghiệm quan tâm đến sản phẩm 6 tỉnh Việt Bắc cùng được tham gia chương trình Roadshow, quảng bá tại các hội chợ trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, đề nghị các tỉnh Việt Bắc liên kết, hợp tác tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân lực chung để tiết kiệm kinh phí và tăng hiệu quả, góp phần tăng hiệu quả chất lượng đồng đều của vùng.
Trong khuôn khổ Hội thảo: Xây dựng phát triển sản phẩm du lịch liên kết 6 tỉnh Việt Bắc đã diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2022-2027 và công bố sản phẩm du lịch trong liên kết vùng 6 tỉnh Việt Bắc. Đồng thời, tỉnh Hà Giang tổ chức nghi lễ Bàn giao biểu trưng luân phiên đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm hợp tác năm 2023 cho tỉnh Tuyên Quang trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Tổng cục Du lịch. |
Tuấn Hải