Chuyện về
đàn dê biết leo trèo
Đó là một buổi sáng thứ 6 đầy thử thách với Jaouad Benaddi. Anh đang cố dụ đàn dê của mình leo lên cây Argan để cố định vào giữa những cành cây có gai. Nhưng cả một đàn 12 con dê không con nào chịu hợp tác.
Khalid - cậu con trai 13 tuổi của Benaddi, cố giúp cha bằng cách cầm theo một túi hạt để dụ dỗ đàn dê. Một con be be kêu và bắt đầu leo theo. Nhưng chỉ một lúc, nó vẫy vùng và nhảy xuống.
Cứ như vậy đến lần thứ 3 Khalid mới đưa nó lên được tấm ván để giữ thăng bằng. Hai cha con chật vật đưa số dê còn lại lên cây. Mãi sau cùng, hơn chục con chịu đứng im một cách kỳ lạ như thể món trang trí cho tán cây rậm rạp.
Đàn dê biết leo cây đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến với làng Tamri ở Ma-rốc (Ảnh: Travel).
Những năm trở lại đây, cảnh tượng đàn dê biết leo trèo lên các cây Agan ở ngôi làng nhỏ Tamri, Ma-rốc, khiến khách du lịch rất ấn tượng. Cũng vì thế, nơi này dần trở thành điểm đến hút du khách, dù có khí hậu khắc nghiệt thường xuyên chịu cảnh khô hạn kéo dài.
Theo lời kể của người dân địa phương, đàn dê ở đây biết thích nghi với khí hậu. Chúng học cách leo lên những cành cây Argan ở phía cao để tìm kiếm quả ngọt. Trong khi đó, người dân sẽ thu thập hạt từ phân dê để chiết xuất thành tinh dầu.
Mauro Belloni, một sinh viên đến từ Italy, có dịp tới thăm ngôi làng, vừa ngạc nhiên vừa bối rối khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng này. "Ban đầu tôi còn tưởng là đàn dê giả. Nhưng hóa ra chúng là thật, biết leo cây thoăn thoắt", anh nói.
Khi sự thật bị "vạch trần" đàn dê leo lên cây
Ma-rốc đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ khiến nông dân ngày càng khó trồng trọt ở khu vực phía tây Marakesh-Safi. Bắt đầu từ những năm 2000, một số người dân nuôi dê để kiếm tiền boa từ khách du lịch.
Có dịp tới thăm làng Tamri, nhiếp ảnh gia Aaron Gekoski đã làm sáng tỏ sự thực phía sau câu chuyện về những con dê biết leo cây như khỉ.
Một người dân buộc dê lên cây để du khách chụp ảnh (Ảnh: Daily Mail).
"Sau khi nhận thấy sự quan tâm của du khách với những con dê biết leo trèo, một số nông dân trong vùng đã nhân cơ hội kiếm lợi nhuận. Họ đưa dê từ nơi khác tới, buộc chúng vào cây để khách chụp ảnh. Lũ dê sẽ được đưa về nhà vào cuối buổi chiều, rồi lại quay trở lại cây khi mặt trời mọc", nhiếp ảnh gia Aaron cho biết.
Cũng theo nhiếp ảnh gia này, những con dê vốn khá nhanh nhẹn, nhưng do bị buộc một chỗ nên ốm yếu và tuyệt vọng. Nhưng khách du lịch dường như chẳng để ý gì cả. Họ trả chi phí để tới đây ngắm cảnh lạ và chụp hình selfie.
Cũng theo anh Aaron, những con dê kiệt quệ sức khỏe sau ngày dài chịu thời tiết khô cằn ở Ma-rốc. Sau khi chúng hết giá trị sử dụng sẽ bị giết thịt nhanh chóng.
"Đó là công việc nặng nhọc khi chúng phải đứng cả ngày trên cây trong cái nóng bức. Hầu như chúng đều trong tình trạng tồi tệ và rất gầy", nhiếp ảnh gia khẳng định.
Những con dê bị đứng giữa trời nắng suốt nhiều giờ đồng hồ để cho du khách ngắm nhìn (Ảnh: News).
Nhưng nguồn thu giảm dần kể từ khi đại dịch Covid-19 tấn công vào năm 2020. Khi quốc gia châu Phi này ngừng việc phong tỏa từ đầu năm 2022, màn biểu diễn dê lại tiếp tục, kéo theo vô số lời chỉ trích từ các nhà bảo vệ động vật, trong đó có Liz Cabrera Holtz, quản lý Chiến dịch Động vật Hoang dã của World Animal Protection - một tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở tại Anh.
"Những con vật bị lợi dụng. Chúng không được tự do di chuyển, không tiếp cận nổi nguồn thức ăn, nước uống và bị bắt đứng trên cây để biểu diễn suốt nhiều giờ đồng hồ", cô nói.
Adnan El Aji, một bác sĩ thú y ở Essaouira, cho biết, dê vốn là động vật có sức chịu đựng cao kể cả dưới môi trường khắc nghiệt và thiếu nước. Nhưng việc bắt chúng đứng trên cây nhiều giờ giữa mùa hè ở Ma-rốc khi nhiệt độ tăng cao có thể dẫn tới căng thẳng nhiệt và mất nước nghiêm trọng.
Lối thoát nào cho tương lai?
Quay trở lại câu chuyện của gia đình anh Benaddi. Người đàn ông này đã mua đàn dê mới kể từ khi Ma-rốc mở cửa đón khách trở lại. Đây chính là đàn dê anh và con trai cố gắng dụ trèo lên cây. Như hôm nay, may mắn lắm mới có 3 xe chở khách du lịch dừng lại xem cảnh tượng này và cho tiền.
Mustapha Elaboubi, một người chăn dê khác, cho biết anh chẳng muốn huấn luyện đàn dê nữa. Anh thú nhận, có những du khách khi nhìn thấy cảnh dê leo cây nói rằng họ thấy khó chịu và lo lắng vì không biết làm thế nào chúng trèo xuống khỏi cây, có bị thương hay không.
Nhóm du khách tham quan, chụp ảnh đàn dê (Ảnh: National Geographic).
Elaamrani, người kiếm sống bằng nghề dẫn tour, cho biết, anh thích nhìn thấy cảnh đàn dê tự do leo trèo. Hơn 2 năm bị phong tỏa vì dịch bệnh, anh không thể từ chối khách. "Họ trả tiền boa để xem cảnh lạ. Tôi cố giải thích mọi việc nhưng đây không phải là vấn đề trắng đen rõ ràng. Chuyện này khó cho đàn dê, nhưng cũng khó cho cả người chăm chúng", anh nói.
Về phần mình, anh Benaddi hy vọng quê hương mình sẽ xanh tốt trở lại để được quay về nghề trồng trọt, chăm sóc gia đình. Khi đó, anh và các con không cần đứng ở ven đường mỗi ngày, không phải bắt dê leo cây, chờ từng đoàn khách dừng lại và cho tiền tip nữa.