Rừng tràm U Minh hạ (tỉnh Cà Mau) có diện tích hơn 30.000 ha, nối dài giữa hai huyện U Minh và Trần Văn Thời, là môi trường sống và làm tổ lý tưởng của loài ong.
Dịp cuối năm cũng là thời điểm cây tràm trong rừng U Minh hạ nở rộ hoa. Theo đó, các loài ong bay về chọn những nhánh tràm nằm xiên để đóng tổ. Biết quy luật này, người dân xứ rừng đã nghĩ ra cách gác kèo ong để thu hoạch mật.
Mỗi năm, sản lượng mật ong của vùng rừng này cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 tấn.
Những năm gần đây, ngoài khai thác giá trị kinh tế, nghề gác kèo ong được nhiều người dân quy hoạch làm điểm tham quan, trải nghiệm gắn với loại hình du lịch sinh thái đặc trưng của vùng đất xứ rừng. Cách làm này giúp nghề gác kèo ong và sản phẩm mật ong ngày càng được nhiều người biết đến.
Người dân U Minh hạ chuẩn bị bộ kèo ong, gồm thân kèo, trụ đỡ và cây nạng. Bộ kèo này thông thường được làm từ cây tràm, thân suông, có đường kính 10-15 cm, lột sạch vỏ, khô ráo. Trước khi mang vào rừng kèo, họ thường thoa một lớp sáp ong để thu hút ong.
Thông thường, thời điểm cuối năm là phù hợp để người dân chuẩn bị gác kèo ong. Những tháng mùa khô, sản phẩm mật ong được đánh giá đảm bảo chất lượng và tốt hơn những tháng mưa mùa. Người gác kèo phải chọn nơi cây tràm thấp và trổ bông kéo dài đủ cho ong lấy mật; kế đến chọn hướng gió, hướng ánh sáng rọi vào tổ và khoảng trống để ong bay lên đi lấy mật và đáp xuống dễ dàng. Những kèo có vị trí thuận lợi sẽ thu hút được lượng lớn ong đến làm tổ.
Mật ong rừng U Minh hạ nguyên chất hiện được người dùng khắp nơi trong cả nước chuộng mua, với giá dao động trên dưới 300.000 đồng/lít. Cũng nhờ đó, nghề gác kèo ong trở thành nghề cho thu nhập khá ổn định của người dân xứ rừng. Thông thường, một tổ ong một năm thu hoạch được 5-6 lần, mỗi lần 3-4 lít mật.
Theo các nhà khoa học, mật ong bao gồm khoảng 70-80% là đường, phần còn lại là nước và các khoáng chất như canxi, phốt pho, magiê, enzyme và một số axít khác. Mật ong có giá trị dinh dưỡng, dùng tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, mật ong còn được dùng làm dược liệu, là thành phần của các bài thuốc dân gian gia truyền ở xứ rừng U Minh hạ.
Để có được sản phẩm “mật ong U Minh hạ” nổi tiếng như hiện nay, người dân xứ rừng huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đã dành nhiều tâm huyết cho nghề gác kèo ong, cũng như việc bảo vệ và phát triển nguồn ong giống trong tự nhiên.
Song song với việc khai thác mật ong bằng nghề gác kèo ong, người dân xứ rừng có ý thức bảo tồn nguồn lợi rừng tràm, bảo vệ loài ong mật và thường chỉ khai thác vào những tháng cao điểm trong năm (tháng 3-5 âm lịch).
Những tháng mùa mưa, người dân chủ yếu bảo tồn ong giống, dưỡng tổ, đợi đến mùa nắng khô sẽ tiến hành lấy mật. Sản phẩm mật tự nhiên lúc này được cho là chất lượng nhất, với màu óng vàng, đặc sánh. Năm 2019, nghề gác kèo ong ở vùng đất rừng U Minh và Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.