(HNMCT) - Cái tên “Adrianople” hẳn là quen thuộc với những ai từng đọc thần thoại Hy Lạp, nhưng không nhiều người biết rằng Adrianople là một thành phố có thật và tồn tại đến ngày hôm nay. Adrianople, nay mang tên Edirne, là một trong những thành phố giàu lịch sử nhất ở Nam Âu. Từ những trận công thành thời Đế chế La Mã đến việc trở thành thủ đô của Đế chế Ottoman, giai đoạn lịch sử nào cũng ghi dấu ấn của Edirne. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Edirne là điểm đến mà du khách không thể bỏ qua.
Thánh đường Selimiye.
Vinh quang xưa
Với nhiều du khách, Edirne hoặc là điểm khởi đầu, hoặc là điểm kết thúc hành trình du lịch của họ. Đó là vì Edirne nằm ngay gần điểm giao giữa biên giới ba nước Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Bulgaria. Kể từ khi các quốc lộ của Thổ Nhĩ Kỳ được nối với hệ thống đường cao tốc toàn Liên minh Châu Âu, càng có nhiều vị khách đi du lịch bằng ô tô chọn Edirne làm điểm dừng chân. Họ bị cuốn hút bởi hai thứ: Hàng nhập khẩu giá rẻ và các di tích lịch sử.
Các di tích lịch sử quan trọng nhất trong thành phố tập trung quanh quảng trường trung tâm, du khách chỉ cần một buổi sáng là có thể đã thăm hết. Điểm đến đầu tiên được nhiều khách du lịch lựa chọn là thánh đường Hồi giáo Selimiye. Các mái chóp của nhà thờ sừng sững một góc trời, bóng phủ lên thành phố. Bên trong thánh đường uy nghi không kém. Selimiye được thiết kế bởi kiến trúc sư thiên tài Mimar Sinan vào thế kỷ XVI và là một trong những công trình kinh điển của kiến trúc Ottoman còn tồn tại đến ngày nay. Có những thời điểm làm lễ trong ngày, khách không được bước chân vào bên trong nhà thờ nhưng khu trưng bày khảo cổ ở ngoài sân vẫn phục vụ du khách.
Cách Selimiye vài bước chân là hai thánh đường Hồi giáo khác là Üç Şerefeli và Eski. Hai công trình này nhỏ hơn Selimiye và có tuổi đời lâu hơn - từ thế kỷ XV. Riêng Üç Şerefeli cách đây không lâu đã được mở cửa trở lại sau thời gian đóng cửa để trùng tu. Edirne thời cực thịnh có không ít tòa tháp trấn giữ tường thành, nhưng nay chỉ còn mỗi tháp Macedonia. Vào năm 1953, phần đỉnh tháp bị đổ sụp, chỉ còn mấy tầng dưới cùng còn trụ được.
Du khách đến với Edirne nên ghé thăm ba bảo tàng: Viện bảo tàng Khảo cổ học, Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo và Bảo tàng Chiến tranh Balkan. Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo thường xuyên tổ chức các buổi trải nghiệm cho du khách thử qua những môn nghệ thuật truyền thống như nặn gốm và vẽ mẫu cho thảm. Còn Bảo tàng Chiến tranh Balkan cứ đến ngày kỷ niệm người anh hùng dân tộc Mehmed Şükrü Pasha lại tổ chức đánh trận giả tái hiện lịch sử. Şükrü Pasha là một vị tướng từng lãnh đạo quân Ottoman giữ được Edirne 155 ngày dưới sự tấn công của quân Bulgaria. Tượng đài tưởng niệm Şükrü Pasha được đặt cách không xa Bảo tàng Chiến tranh Balkan.
Khu phố cổ Kaleiçi ở Edirne thực ra mới hơn 100 năm tuổi. Vào cuối thế kỷ XIX, khu phố bị "bà hỏa" thiêu rụi và được xây lại theo lối kiến trúc đương thời. Khu Kaleiçi sở hữu những công trình pha trộn đường nét kiến trúc của cả phương Tây lẫn phương Đông. Những gia đình Do Thái và Công giáo giàu có sống tập trung ở Kaleiçi, vậy nên du khách đừng bỏ lỡ cơ hội vào thăm những ngôi biệt thự liền kề cổ kính.
Nếu khách du lịch cảm thấy sợ sự tù túng của đô thị, hãy tìm đến khu rừng Söğütlük ở đoạn giữa con đường nối cầu Maritsa với khu phố Karaağaç. Khu rừng nhỏ nằm ngay bên cạnh sông nên trở thành điểm cắm trại ưa thích của người dân thành phố. Du khách còn có thể trả phí 2 Lira để được ngồi câu cá bên bờ sông.
Chợ lớn Edirne là điểm du khách nào cũng phải ghé thăm.
“Hương” và “vị” Edirne
Khu chợ lớn Edirne nằm bên cạnh nhà thờ Selimiye và được thiết kế cùng thời điểm với thánh đường. Trong số ba khu chợ trong nhà ở thành phố, chợ lớn là nơi du khách ghé thăm nhiều nhất để tìm cho mình một món quà lưu niệm.
Thành phố Edirne nổi tiếng một phần nhờ những bánh xà phòng thơm nặn hình hoa quả. Khách phương xa thường mua xà phòng về đặt trong nhà mình. Chỉ qua một đêm, tổ ấm của họ đã sực nức mùi hương truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, khách du lịch trở về từ Edirne còn hay đem theo chổi để làm quà. Ở Edirne có các gia đình nghệ nhân truyền thống chuyên làm chổi, và người dân vẫn giữ thói quen lấy chổi làm của hồi môn cho các cô dâu.
Ở Edirne có hai món ngon mà khách du lịch nào cũng phải thử qua. Đó là badem ezmesi, một thứ mứt làm từ quả hạnh đào. Vị đắng của badem ezmesi rất hợp với những chiếc bánh mỳ nóng hổi vừa mới ra lò.
Món thứ hai là gan rán. Không khó để tìm thấy những hàng rong bán món này. Những người đầu bếp thái nhỏ gan rồi tẩm bột, rán ngập dầu. Gan rán Edirne được ăn kèm với thứ bột ớt cay khủng khiếp và ayran - một loại sữa chua pha muối. Trong một buổi chiều lạnh, ngồi quanh đĩa gan rán vừa ăn vừa xuýt xoa là thú vui mà cả người dân địa phương lẫn khách du lịch đều trân quý.