(Tổ Quốc) - Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á; đồng thời là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.
Năm 2022, Đà Nẵng tiếp tục nhận được các giải thưởng, danh hiệu quốc tế: Top 15 điểm đến được yêu thích nhất châu Á do Trang TripAdvisor (website du lịch nổi tiếng thế giới của Mỹ) công bố; đứng vị trí thứ 3 trong Top 10 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á - Giải thưởng du lịch châu Á 2022 do tạp chí du lịch Travel & Leisure (Mỹ) tổ chức; dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI) do Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) thực hiện khảo sát và bình chọn...
Nửa năm, đón gần 3,12 triệu lượt du khách
Từ TPHCM ra Đà Nẵng lưu lại 3 ngày tại một khách sạn trên đường Lâm Hoành (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), ông Lê Mẫn (63 tuổi) cứ luôn khen thành phố này là nơi đáng sống bởi có biển, sông, núi, không khí trong lành, con người thân thiện.
"Sau khi nhận phòng ở khách sạn, gia đình chúng tôi gồm 5 người liền lên bán đảo Sơn Trà, đến chùa Linh Ứng; buổi tối thưởng thức hải sản, rồi di dọc sông Hàn ngắm thành phố về đêm; ngày hôm sau thì đi Bà Nà… Người tài xế luôn giải thích cặn kẽ các thắc mắc của chúng tôi cứ như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Quả thật chúng tôi cảm thấy rất dễ chịu về cảnh quan và con người nơi đây", ông Mẫn cho biết.
Vợ chồng bà Lưu Kim Hoa từ bang California (Mỹ) đưa con trai về TPHCM thăm ông bà, sau đó chọn Đà Nẵng làm điểm du lịch, nghỉ dưỡng. Bà Hoa chia sẻ: "Sau hai năm ảnh hưởng COVID-19, nay gia đình chúng tôi mới về quê hương và lưu lại Đà Nẵng vài ngày để cả nhà tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên".
Khách du lịch vui chơi tại Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Đà Nẵng.
Du lịch Đà Nẵng đang ấm dần lên sau hai năm dịch bệnh nhờ sự nhộn nhịp trở lại của thị trường khách quốc tế và khách trong nước. Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố đón gần 3,12 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,33 triệu lượt), khách nội địa tham quan, du lịch ước đạt khoảng 3 triệu lượt, tăng hơn 92% so với cùng kỳ.
Nhiều khu điểm đón lượng khách lớn như: Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đón hơn 350.000 lượt khách, tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái; Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đón hơn 75.000 lượt khách, tăng gần 90%; Công viên Châu Á đón hơn 136.000 lượt khách; Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón gần 135.000 lượt khách…
Tính từ ngày 21/2 đến 20/6, có hơn 25 đoàn khách MICE đăng ký Chính sách MICE Đà Nẵng 2022, với tổng số gần 13.000 lượt khách, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng thu du lịch 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ 2021 (trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành ước đạt 3.100 tỷ đồng)
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, với những tín hiệu khả quan nêu trên, có thể thấy toàn thành phố đang nỗ lực hết sức để khôi phục hoạt động du lịch như thời điểm năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra COVID-19) và khẳng định thương hiệu điểm đến du lịch quốc tế hấp dẫn, khác biệt được nhiều du khách tin tưởng lựa chọn...
Phát triển tập trung 4 nhóm không gian du lịch trọng điểm
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á; đồng thời là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.
Để đạt được mục tiêu nói trên, theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh, Đà Nẵng sẽ phát triển tập trung 4 nhóm không gian du lịch trọng điểm và 09 không gian du lịch chức năng, bao gồm:
Nhóm Không gian du lịch biển (Không gian du lịch ven bờ Đông và Không gian du lịch Vịnh Đà Nẵng); Nhóm Không gian du lịch đô thị (Không gian du lịch đô thị trung tâm; Không gian du lịch sườn đồi và đô thị phi thuế quan thông minh; Không gian "đô thị sân bay" và cảng biển du lịch); Nhóm Không gian du lịch núi (Không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phía Đông; Không gian du lịch sinh thái phía Tây) và Nhóm Không gian du lịch liên ngành (Không gian du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn; Không gian du lịch gắn với đổi mới sáng tạo).
Du lịch Đà Nẵng đã tạo được thương hiệu trong và ngoài nước, hiện diện trên bản đồ du lịch thế giới với rất nhiều giải thưởng du lịch quốc tế như điểm đến lễ hội sự kiện hàng đầu châu Á, top 10 thành phố du lịch hàng đầu châu Á.
Xây dựng các chuẩn mực văn hóa du lịch
Để Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, khẳng định trên bản đồ du lịch quốc tế, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, cần xây dựng các chuẩn mực văn hóa du lịch Đà Nẵng phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn mới.
Theo đó, có rất nhiều việc phải làm như: Phát huy thương hiệu du lịch Đà Nẵng văn minh, an toàn, thân thiện, mến khách thông qua việc tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ đề án Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030; chương trình "5 không", "3 có", "4 an"; đề án "Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị".
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai đề án "Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, phù hợp với lịch sử, văn hóa Đà Nẵng"; phát động chiến dịch, lan tỏa thông điệp "Nụ cười Đà Nẵng"; gắn các hoạt động phát triển văn hóa với du lịch, xây dựng người Đà Nẵng văn hóa, văn minh với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Người tốt - Việc tốt", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Ngoài ra, còn phải cập nhật và tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn Đà Nẵng bằng nhiều thứ tiếng thông qua các kênh trực tuyến, tập gấp, phổ biến đến đội ngũ quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp du lịch, người dân, du khách...
"Các chuẩn mực văn hóa du lịch Đà Nẵng sẽ góp phần làm nên thương hiệu du lịch cho thành phố sông Hàn", Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh.
Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á.
Đà Nẵng định hướng phát triển sản phẩm du lịch
Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh, thành phố định hướng phát triển sản phẩm du lịch đồng thời, theo thứ tự ưu tiên với 3 nhóm sản phẩm: sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chính và sản phẩm bổ trợ trên cơ sở tài nguyên, tiềm năng, vị trí địa hình và lợi thế của Đà Nẵng kết hợp với tư duy sáng tạo, đa chiều, công nghệ kỹ thuật số, khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống nhằm tạo ra đa dạng các sản phẩm/dịch vụ đặc sắc, khác biệt thu hút khách, cạnh tranh điểm đến và có thể khai thác liên mùa, khắc phục hạn chế không thuận lợi của thời tiết.
Định hướng về chất lượng sản phẩm/dịch vụ: hướng đến đạt chuẩn "chất lượng cao" ở tất cả các loại hình sản phẩm/dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Ưu tiên phát triển dòng sản phẩm/dịch vụ cao cấp và siêu sang.
Đức Hoàng