Hà Nam : Rượu làng Vọc – ngây ngất men say loại rượu gia truyền
Từ bao đời nay, rượu làng Vọc đã được biết đến với thương hiệu rượu cổ gia truyền nổi tiếng khắp cả nước. Thứ rượu được nấu có hương vị rất riêng biệt, thơm nức mùi gạo, có vị đậm đà, ngọt mà không say, hương nồng nhưng êm dịu, không bỏng rát.
Có được men say đặc biệt đó là nhờ người dân làng Vọc chỉ trung thành với một công thức chưng cất rượu. Rượu được nấu bằng gạo đặc sản ủ với men ta gồm 36 vị thuốc Bắc, nấu với gạo nếp và nước giếng khơi trong.
Toàn cảnh quy trình sản xuất rượu Vọc thủ công gia truyền. Clip: Thanh Tùng.
Theo tìm hiểu, công đoạn làm rượu của làng Vọc rất công phu, phải qua 11 bước và khâu quan trọng nhất là chế biến men. Cơm rượu nấu chín vừa, không khô hoặc nhão quá, đánh tơi để nguội trước khi rắc men, sau đó cho vào vò sành ủ 48 tiếng, khi có mọng mới được đổ nước, sau 2 đêm thì đem nấu.
Trước cơn bão rượu giả đổ bộ tới nhiều miền quê, người dân làng Vọc vẫn giữ được "hương ước" bảo vệ và giữ gìn bí quyết gia truyền. Tất cả dân làng khi nấu rượu chỉ dùng men thuốc Bắc cổ truyền, nấu với gạo quê hương, không bao giờ sản xuất rượu kém chất lượng để ảnh hưởng tới thương hiệu của làng nghề.
Sự ra đời của hợp tác xã rượu làng Vọc, Hà Nam và chuyện giữ thương hiệu, giữ nghề cho làng cổ
Từng có thương hiệu và tiếng vang là vậy, thế nhưng rượu làng Vọc cũng không ít phen thăng trầm trước vấn nạn rượu giả. Cùng với đó, không ít hộ gia đình cũng bỏ nghề truyền thống của cha ông. Trước thực tế đó, đại diện các hộ gia đình còn giữ nghề đã cùng nhau xây dựng hợp tác xã rượu Vọc với mong muốn bảo vệ thương hiệu, giữ nghề truyền thống cho quê hương.
Trao đổi với PV Dân Việt về hoạt động sản xuất của làng nghề rượu Vọc, ông Nguyễn Hữu Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bản cho biết: "Theo tư liệu từ làng nghề truyền lại thì rượu làng Vọc đã có từ thế kỉ thứ XIII khi Thái sư Trần Thủ Độ về địa phương lập ấp. Trải qua thời gian, nghề dần hình thành, phát triển và được duy trì sản xuất ở 6 xóm trên địa bàn xa như hiện nay. Để đảm bảo duy trì sự phát triển, bảo vệ thương hiệu cổ truyền, địa phương đã tổ chức thành lập hợp tác xã nông nghiệp rượu Vọc vào năm 2017 với 70 xã viên ban đầu.
Khi hợp tác xã ra đời, thương hiệu rượu làng Vọc đã được khẳng định hơn. Nhờ đó, uy tín làng nghề được nâng lên, đời sống sản xuất của nhiều hộ kinh doanh cũng dần ổn định. Chính quyền địa phương đã kết hợp với hợp tác xã để động viên, khuyến khích các hộ sản xuất tiếp tục duy trì, giữ gìn thương hiệu của cha ông".
Ông Nguyễn Hữu Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bản chia sẻ thông tin về làng rượu cổ của địa phương. Ảnh: Thanh Tùng.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Tùng, thực tế đã có những thời điểm nghề làm rượu làng Vọc bị mai một. Lí do là bởi một số hộ kinh doanh chạy theo lợi nhuận đã nhập rượu từ nơi khác về để dùng thương hiệu rượu làng Vọc. Điều này khiến cho uy tín, chất lượng của rượu làng Vọc bị mất giá trị trên thị trường. Để giải quyết vấn đề này, địa phương đã quyết liệt trong công tác vận động, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Thương hiệu rượu làng Vọc đã và đang xây dựng chỗ đứng trên thị trường cả nước. Ảnh: Thanh Tùng.
Với những nỗ lực trong công tác giữ gìn thương hiệu, vị thế làng nghề, năm 2019, hợp tác xã rượu làng Vọc đã thu về những thành công bước đầu với vinh dự đón bằng chứng nhận sản phẩm nông nghiệp OCOP. Những sản phẩm rượu gạo và rượu nếp cái hoa vàng đều được công nhận đạt chất lượng OCOP ở mức 5 sao. Nhờ đó, sản phẩm rượu làng Vọc được biết đến và tiêu thụ rộng rãi trên hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Gạo nếp sạch là nguyên liệu chính được sử dụng trong quá trình nấu rượu. Ảnh: Thanh Tùng.
Với giá bán trung bình khoảng 35.000 đồng/lít rượu phổ thông và có thể lên tới 240.000 đồng/lít với rượu ngâm thuốc bắc hạ thổ. Nhờ đó, cuộc sống của đa số các hộ trong làng nghề được duy trì ở mức ổn định. Nhiều hộ yên tâm sản xuất và giữ nghề truyền thống cho quê hương.
Bí quyết tạo nên sự khác biệt của rượu Vọc là sự kết hợp cùng men thuốc bắc theo công thức nấu gia truyền. Ảnh: Thanh Tùng.
Là một trong những hộ sản xuất rượu lớn và có tiếng trên địa bàn, chị Trần Thị Hiền – chủ thương hiệu rượu Đức Toàn chia sẻ: "Gia đình tôi đã có truyền thống làm rượu từ 5 đời nay. Bản thân tôi cũng đã có hơn 20 năm giữ nghề truyền thống. Với đặc thù là một sản phẩm làng nghề thủ công nên những quy trình, công thức làm rượu được duy trì từ thời ông cha để lại. Chúng tôi cũng sử dụng những nguyên liệu từ tự nhiên như gạo nếp hương kết hợp cùng 36 vị thuốc bắc để làm men rượu. Nhờ đó, hương vị của rượu làng cổ được giữ nguyên vẹn, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Trước vấn nạn rượu giả tràn lan trên thị trường, hợp tác xã rượu làng Vọc đã xây dựng thương hiệu, sử dụng bao bì riêng với các thông tin sản phẩm cùng mã vạch để khách hàng kiểm tra và trích xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay, giá bán trung bình cho mỗi chai rượu được đóng chai với thể tích 500ml sẽ có giá 35.000 đồng".
Những vò rượu Vọc sau nhiều công đoạn chưng cất sẽ được ủ trong chum sành để bảo quản và cung cấp ra thị trường. Ảnh: Thanh Tùng.
Cũng theo chia sẻ của chị Hiền, trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất của chị cung cấp cho thị trường từ 150 đến 200 lít rượu. Nhờ uy tín cùng lượng khách hàng ổn định, nghề đã cải thiện đời sống, mang lại thu nhập cho nhiều nhân công của làng nghề.
Với những quy trình truyền thống từ nấu cơm, chuẩn bị men, chưng cất, ủ rượu..., những bếp khói của làng rượu Vọc vẫn ngày đêm đỏ lửa. Từ đây, hương vị nồng say của những chai rượu làng Vọc đã ra đời, trở thành món quà độc đáo của một làng quê gửi đến bạn bè, du khách gần xa. Nếu đã một lần thử qua rượu Vọc truyền thống, du khách sẽ khó lòng quên vị êm say, ngọt ngào như chính vẻ đẹp, tâm hồn của những người con quê hương Hà Nam đang từng ngày giữ gìn sản phẩm làng nghề truyền thống.