(HNMO) - Cách trung tâm thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, hơn 4km, Khu Di tích Đền thờ Bác Hồ tọa lạc trong khuôn viên rợp bóng cây rộng 5,3ha. Mái lá nhỏ của đền thờ đơn sơ, nhà sàn, ao cá như nơi Bác sống ở Hà Nội… là công trình ghi dấu tấm lòng kính yêu vô hạn của người dân miền Nam với Bác Hồ.
Khuôn viên Khu Di tích Đền thờ Bác Hồ tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Một ngày cuối tháng 8 đầy nắng, Lữ Hoàng Phước, biên tập viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Trà Vinh, dẫn tôi đến thăm Khu Di tích Đền thờ Bác Hồ tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh. Trên đường đi, Phước giới thiệu: “Anh sẽ thấy nhiều nét Hà Nội ở mảnh đất phương Nam này”.
Bước vào cánh cổng rộng mở là không gian bao la của cây cỏ, hoa trái, mặt nước trong xanh và bầu trời cao lộng. Nằm giữa vùng bình dị ấy, một tòa nhà hình tròn với đường kính gần 50m tọa lạc bên những bồn hoa đỏ, bãi cỏ xanh và tiếng chim ríu rít chuyền cành, bao lấy một ngôi nhà nhỏ khung gỗ, mái tranh, tường bịt tôn xanh, bên trong lót ván gỗ. Đó là Đền thờ Bác Hồ được người dân Trà Vinh dựng lên giữa bom đạn, hoàn thành ngày 24-1-1971, sau gần một năm xây dựng.
Phương Khánh, hướng dẫn viên Khu Di tích, dẫn tôi đi vòng quanh ngôi đền thờ đơn sơ và nói: “Tháng 9-1969, người dân Trà Vinh đã nghe tin Bác mất. Không ai bảo ai, mỗi gia đình đều lập ban thờ, dâng hương tưởng nhớ Bác hằng ngày. Hiểu được tâm nguyện của bà con, đầu năm 1970, Chi ủy xã Long Đức đã họp và thống nhất nhiều chủ trương lớn, trong đó có việc xây cất Đền thờ Bác Hồ”.
Nguyên mẫu ngôi Đền thờ Bác Hồ được xây dựng từ năm 1971.
Ý Đảng gặp lòng dân, các cấp ủy và bà con Kinh, Khmer đã cùng góp công, góp của xây dựng công trình. Tất cả thống nhất chọn ấp Vĩnh Hội, nơi có địa thế cao nhất vùng, có nhiều lũy tre gai vững chắc, để lập Đền thờ Bác. Du kích đào công sự phòng ngự bảo vệ công trường, vì nơi này chỉ cách đồn bốt địch khoảng 1.500m. Trong gần một năm triển khai, đã có gần 100.000 lượt quân và dân chung tay xây dựng và chiến đấu bảo vệ đền thờ.
Tôi bước vào bên trong. Những câu đối, khẩu hiệu gắn trên những cột gỗ vuông, nổi bật là câu “Nhà cao, đất rộng nhờ ơn Đảng – Áo ấm, cơm no nhớ Bác Hồ” cùng 2 câu khẩu hiệu hướng người xem đến bàn thờ chính, nơi trên bệ gỗ sơn đỏ đơn sơ là tấm ảnh Bác Hồ cỡ lớn vẽ bằng màu nước.
Phương Khánh giới thiệu: “Đó là tác phẩm của họa sĩ Phong Ba. Ông dành ra 9 ngày để vẽ hình Bác dựa trên tấm ảnh chân dung nhỏ xíu mà một đồng chí tập kết về từ Hà Nội còn giữ được. Tác phẩm được vẽ bằng cả tấm lòng, được bà con vui mừng đón nhận, dâng lên ban thờ. Bản thân họa sĩ Phong Ba cũng từng tâm sự đây là tác phẩm thành công nhất trong đời sáng tạo nghệ thuật của ông…”.
Theo tài liệu ghi lại, bọn giặc ở Tiểu khu Vĩnh Bình dường như biết được việc bà con đang xây Đền thờ Bác. Chúng liên tục dùng phi pháo, trực thăng bắn phá khu vực này, nên bà con chỉ có thể thi công ban đêm. Từ tháng 4-1970, giặc đưa quân đánh thẳng vào ấp Vĩnh Hội. Đội du kích xã vừa chiến đấu đánh lui những đợt tấn công của địch, vừa bảo vệ công trường.
Bên trong Đền thờ Bác Hồ tại Trà Vinh.
Do địch đánh rát, đền thờ đã không thể hoàn thành đúng ngày 2-9-1970 như dự kiến. Bà con buồn, nhưng không nản, vẫn kiên gan góp sức dựng đền để đến trước Tết Tân Hợi 1971, đền hoàn thành.
Chiều 30 Tết (nhằm ngày 26-1-1971), gần 1.000 người con Trà Vinh đã tụ hội về đây làm lễ khánh thành đền và dâng hương kính Bác.
Trong cuốn sổ lưu niệm đang được trưng bày tại khu di tích này, tôi đọc thấy dòng chữ của đồng chí Trần Văn Tư, Bí thư Đảng ủy xã Long Đức năm 1971 viết hôm khánh thành đền: “Chúng cháu sẽ kiên quyết thực hiện lời dạy quý báu và lời Di chúc thiêng liêng của Bác: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”.
Phương Khánh kể tiếp: “Sáng sớm ngày 10-3-1971, Tiểu đoàn lính bảo an 404 với sự hỗ trợ của pháo binh và trực thăng, đã tiến chiếm ấp Vĩnh Hội. Dù du kích đã chiến đấu ngoan cường, nhưng đến 15h chiều cùng ngày, địch đến được đền thờ Bác. Chúng dỡ ảnh Bác mang về Dinh Tỉnh trưởng và đốt đền thờ. Bà con một mặt kéo lên tỉnh đòi ảnh Bác, một mặt góp sức dựng lại đền giữa mưa bom, bão đạn”.
Đến ngày 3-2-1972, Đền thờ Bác được tái lập trong niềm hân hoan của quân và dân xã Long Đức. Ngày 3-10-1972, giặc cho máy bay đến bắn phá cháy đền thờ. Bà con và du kích vừa dập lửa cứu đền, vừa chiến đấu với giặc. Nhiều chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống. Đền thờ được giữ vững. Ngày 29-4-1975, giặc lại điều máy bay đến ném bom. Trước lưới lửa phòng không dũng mãnh, máy bay chỉ có thể ném trái bom chệch mục tiêu, làm sạt một góc mái đền thờ… Ngày 5-9-1989, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Trà Vinh được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và được trùng tu, lưu giữ đến ngày nay.
Nhà sàn Bác Hồ được phục dựng trong Khu Di tích Đền thờ Bác Hồ tại Trà Vinh.
Khi nghe tôi nói về những ấn tượng sâu đậm về đền thờ lịch sử này, ông Tăng Chí Huấn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nhà báo, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Trà Vinh, chia sẻ thêm: “Cứ dịp 2-9 và Tết hằng năm, các tầng lớp nhân dân tỉnh Trà Vinh lại tụ hội về Khu Di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà con mỗi nhóm chuẩn bị những mâm cơm cúng như trái cây, đồ ăn địa phương cùng tấm lòng thành kính dâng lên và tưởng nhớ Bác. Đền thờ đã trở thành điểm du lịch văn hóa và điểm đến cộng đồng và là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và người dân tỉnh Trà Vinh suốt bao năm qua…”.
Trong khuôn viên di tích, còn có Nhà sàn Bác Hồ, được xây dựng với tỷ lệ 97% so với nguyên mẫu, nằm dưới rặng dừa xanh mát, trông ra ao cá rộng. Đúng như Lữ Hoàng Phước nói, tôi đã gặp nhiều nét Hà Nội giữa đất trời Trà Vinh. Chúng tôi cùng tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu và tự dặn mình sống xứng đáng hơn nữa với công ơn trời biển của Bác, với tấm lòng hy sinh cao cả của bao lớp người đi trước để đất nước được thống nhất, độc lập, tự do và phát triển như ngày hôm nay.