(Tổ Quốc) - Huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng từ những lợi thế về sản vật tự nhiên, đời sống văn hoá... từ đó tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên, Võ Nhai có địa hình phức tạp, đồi núi là chủ yếu, đất ruộng ít, phần lớn diện tích là đồi núi thấp và núi đá vôi. Với những điều kiện bất lợi như vậy, thu nhập bình quân đầu người thấp và tỷ lệ hộ nghèo của huyện Võ Nhai cao nhất của tỉnh Thái Nguyên.
Tuy vậy, địa hình phức tạp đã đem đến cho Võ Nhai cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, nhiều danh lam thắng cảnh, đồi núi cũng tạo thế mạnh phát triển một số cây ăn quả. Với 70% người đồng bào dân tộc thiếu số, Võ Nhai cũng có nhiều nét văn hóa đặc sắc, phong phú, tạo điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.
Hướng đi mới từ sản phẩm nông nghiệp
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, bà Vũ Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai cho biết, Võ Nhai là huyện miền núi khó khăn nhất trong 9 đơn vị cấp huyện của Thái Nguyên, cuộc sống của người dân từ trước tới nay phụ thuộc chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở các thôn bản nghèo vùng sâu vùng xa, đời sống của bà con còn rất nhiều vất vả.
"Với mong muốn tạo sinh kế, giúp người dân mau chóng thoát nghèo và thoát nghèo bền vững, thời gian qua, UBND huyện Võ Nhai đã triển khai kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng, gắn với đặc trưng về tự nhiên và văn hóa của từng vùng trong huyện", bà Vũ Thị Huệ cho biết.
Bà Vũ Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai.
Theo bà Vũ Thị Huệ, việc UBND huyện Võ Nhai quyết định đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng xuất phát từ một số lợi thế, tiềm năng sẵn có như những di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh cũng như việc phát triển mạnh cây ăn quả.
Đặc biệt, những năm gần đây, nhờ phát triển tốt, na đang trở thành cây đặc sản nổi tiếng của huyện Võ Nhai, với diện tích trồng lớn, năng suất và chất lượng cao, các vườn na có điều kiện rất thuận lợi để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.
"Chúng tôi đã bắt đầu triển khai mô hình trồng na kết hợp cho du khách tham quan trải nghiệm ở một số nơi, đem lại hiệu quả tốt. Hiện trên địa bàn Võ Nhai đang có nhiều thung lũng na rất đẹp, tuy nhiên đường đi còn chưa thuận tiện nên chưa được khai thác. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư để đẩy mạnh mô hình này, khai thác tối đa thế mạnh từ cây na cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác để phát triển du lịch", bà Vũ Thị Huệ chia sẻ.
Trồng na lấy quả kết hợp cho du khách trải nghiệm đang là hướng đi mới của Võ Nhai.
Xã Phú Thượng là một trong những xã có diện tích trồng na lớn nhất của huyện Võ Nhai, đây cũng là nơi phát triển mạnh nhất việc trồng cây nông nghiệp gắn với phát triển du lịch với mô hình cho du khách tham quan, trải nghiệm và thưởng thức na chín ngay tại vườn.
Ông Dương Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai cho biết, những năm gần đây, mô hình trồng na rải vụ kết hợp khai thác du lịch đang được lãnh đạo UBND huyện Võ Nhai và xã Phú Thượng đặc biệt quan tâm. Nhờ áp dụng chương trình này, đời sống bà con đã cải thiện hơn rất nhiều so với trước đây, đặc biệt là so với trồng các cây nông nghiệp đơn thuần khác như lúa, lạc, ngô. Những năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn rất cao, nhưng đến nay số hộ nghèo của xã chỉ còn lại 34 hộ (chiếm hơn 1%).
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, cây na thực chất không phải loại cây trồng truyền thống lâu đời của địa phương mà ban đầu chỉ được bà con trồng thử nghiệm để lấy quả ăn. Tuy nhiên sau đó, nhờ phát triển tốt, cây na rất nhanh chóng đã được phát triển trở thành cây kinh tế quan trọng của địa phương. Đặc biệt, việc áp dụng phương pháp trồng na rải vụ đã đem lại hiệu quả rất cao, cả về năng suất, chất lượng quả và phục vụ phát triển du lịch.
Ông Dương Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai.
"Thông thường mùa na bắt đầu từ khoảng tháng 6-7 và sẽ chín rộ trong khoảng tháng rưỡi, nhưng với việc áp dụng phương pháp trồng na rải vụ, thời gian na chín có thể kéo dài 5-6 tháng, đến tháng 11-12.
Na ở Phú Thượng phát triển tốt, quả to và chất lượng rất ngon. Loại na to có thể bán trực tiếp cho thương lái thu mua tại vườn với giá lên đến 35.000-40.000 đồng/1kg, hiệu quả cao hơn rất nhiều so với các cây truyền thống", ông Dương Đức Anh nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng cũng cho biết, xã đang có nhiều chính sách để khuyến khích bà con phát triển cây na, đặc biệt đã đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ xã việc phát triển cây na gắn với du lịch. Đồng thời, lãnh đạo xã cũng đã tham mưu, đề xuất với cấp trên có chính sách hỗ trợ phát triển cây na gắn liền với du lịch nông nghiệp.
Là một trong những hộ trồng na sớm và có diện tích lớn ở Phú Thượng, gia đình bà Nguyễn Thị Trọng (xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng) đã có hơn 9 năm kinh nghiệm trồng na. Bà Trọng cho biết, trước đây gia đình bà chỉ trồng lúa, tuy nhiên địa hình đồi núi ở nơi đây không thích hợp, hiệu quả kinh tế do lúa đem lại không cao.
Trồng na đã đem lại sự thay đổi rõ rệt, cây na cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần, đồng thời có thể tận dụng tối đa diện tích đất, nhiều nơi đồi cao, nhiều đá trước đây không thể trồng lúa thì nay cây na vẫn có thể phủ kín.
"Hiện gia đình tôi có khoảng hơn 1ha trồng na rải vụ có thể ăn quanh năm. Trồng na tuy có vất vả chăm bón hơn lúa nhưng hiệu quả cao nên chúng tôi rất vui mừng. Đặc biệt, trồng na không chỉ lấy quả mà còn phục vụ du khách đến thăm quan trải nghiệm cũng đem lại nguồn thu nhập tốt cho gia đình", bà Trọng nói và cho biết gia đình sẽ tiếp tục nhân rộng vườn na trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Trọng chăm sóc vườn na hơn 1ha của gia đình.
Tuy nhiên, na không phải đặc sản duy nhất của Phú Thượng để phát triển du lịch, du khách đến với Phú Thượng và Võ Nhai không chỉ trải nghiệm vườn na mà quan trọng hơn là được khám phá những nét thiên nhiên hùng vĩ với hang Phượng Hoàng, suối mỏ gà, được hòa mình trải nghiệm đời sống, không gian văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, tham gia các trò chơi dân gian, được trực tiếp tự tay đan lát hay làm bánh dày...
"Khát khao làm giàu và có tư duy làm giàu từ du lịch"
Bà Phạm Tuyết Bảo, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý du lịch (Sở VHTTDL Thái Nguyên) cho biết, thời gian qua Phòng Quản lý du lịch đã tham mưu cho lãnh đạo Sở và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên ban hành Nghị quyết 25 về phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó Nghị quyết nêu rõ sẽ hỗ trợ đến 5 tỷ đồng/1 điểm du lịch cộng đồng trong 5 năm.
"Hiện tỉnh Thái Nguyên đang xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng để tạo sinh kế cho bà con. Như vậy, ngoài ngân sách xã hội hoá, ngân sách tỉnh sẽ chi khoảng 25 tỷ đồng để phát triển 5 điểm du lịch này", bà Phạm Tuyết Bảo cho hay.
Bà Phạm Tuyết Bảo, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý du lịch (Sở VHTTDL Thái Nguyên).
Theo bà Phạm Tuyết Bảo, 5 điểm du lịch cộng đồng này được xây dựng dựa trên 6 vùng của tỉnh với mỗi điểm sẽ có tiềm năng thế mạnh riêng, như ở Tân Cương có chè, ở Võ Nhai có thiên nhiên và sản phẩm nông nghiệp OCOP gắn với văn hóa bản địa.
"Võ Nhai có thiên nhiên ưu đãi, khí hậu trong lành, con người hiền hòa và phong tục tập quán đa dạng phong phú, với sản phẩm nông sản đa dạng phù hợp với phát triển cộng đồng.
Thái Nguyên đang xây dựng Võ Nhai thành điểm du lịch cộng đồng gắn liền với bản sắc văn hoá, phong tục tập quán của những người dân tộc thiểu số được lưu giữ tốt kết hợp với các sản vật của địa phương và danh lam thắng cảnh", bà Phạm Tuyết Bảo cho hay.
Phó trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VHTTDL Thái Nguyên cho biết, dù mới bắt đầu triển khai du lịch cộng đồng nhưng kết quả bước đầu, bà con đã quan tâm đầu tư, tích cực hưởng ứng và hình thành ý thức biết khai thác, sử dụng lợi thế của địa phương về thiên nhiên văn hoá, bản sắc con người để làm du lịch. Bà con đã có khát khao làm giàu, bắt đầu có tư duy làm giàu từ du lịch.
Các homestay gần gũi thiên nhiên đem đến cho du khách những trải nghiệm văn hoá thú vị.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai Vũ Thị Huệ, để mô hình du lịch cộng đồng phát triển thực chất và có hiệu quả thì việc đồng hành của người dân là rất quan trọng. Phải có sự phối hợp thực sự tốt giữa chính quyền và người dân địa phương và điều quan trọng hơn là chính quyền phải định hướng tốt cho người dân, không để người dân làm một cách tự phát sẽ không đem lại hiệu quả bền vững.
"Chúng tôi rất tin tưởng việc phát triển du lịch cộng đồng sẽ giúp thay đổi cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân, giúp người dân thoát nghèo, nhất là ở những vùng khó khăn", bà Vũ Thị Huệ chia sẻ./.
Xuân Trường