(HNMCT) - Có vị trí địa lý đặc biệt khi nằm giữa Địa Trung Hải và biển Đỏ, bán đảo Sinai được ví như cây cầu nối châu Phi và Tây Á. Mặc dù trải qua nhiều biến động chính trị, chiến tranh trong suốt nhiều thế kỷ nhưng Sinai vẫn là điểm đến mơ ước của nhiều tín đồ hành hương và du khách trên thế giới. Đây không chỉ là vùng đất Thánh thiêng liêng, mà còn được mệnh danh là “vùng đất của ngọc lam” với nhiều điều thú vị chờ du khách khám phá.
Khu nghỉ dưỡng bên bờ biển ở thành phố Sharm El Sheikh.
Sức quyến rũ của “vùng đất ngọc lam”
Bán đảo Sinai xưa được gọi là “Mafkat” hay “vùng đất của ngọc lam” bởi nơi đây có trữ lượng ngọc lam vô cùng lớn. Từ vương triều thứ nhất của Ai Cập cổ đại (khoảng thế kỷ 32 trước Công nguyên), người Ai Cập đã bắt đầu khai thác ngọc lam ở Sinai. Không những vậy, Sinai còn là nơi giao thoa của nhiều nền văn minh. Đỉnh núi Sinai là nơi các tín đồ Kito giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo mong muốn đặt chân đến bởi theo Kinh Thánh, đây là nơi nhà tiên tri Moses nhận được mười điều răn từ Thượng đế.
Kinh tế du lịch đã phát triển ở Sinai từ khoảng 3 thập niên trước, chủ yếu là ở phía nam bán đảo với nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn sang trọng chạy dọc bờ biển. Thành phố Sharm El Sheikh xưa kia vốn là một làng chài nhỏ, nay đã trở thành trung tâm du lịch của bán đảo Sinai với những khu nghỉ dưỡng, mua sắm đông đúc và các nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ đêm nhộn nhịp.
Ngoài đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp của khách quốc tế, bán đảo Sinai còn có sức hút mạnh mẽ đối với những du khách ưa khám phá với những trải nghiệm tuyệt vời như: Lặn biển khám phá rạn san hô ở biển Đỏ, tham quan sa mạc, đi bộ đường dài, tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Bedouin, leo núi Sinai ngắm bình minh hay ghé thăm Tu viện thánh Catherine - nơi bảo tồn nhiều hiện vật quý giá cùng bề dày lịch sử tôn giáo, tín ngưỡng của nhân loại.
Tu viện thánh Catherine.
Thăm tu viện lâu đời nhất thế giới
Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1979, Tu viện thánh Catherine nằm ngay dưới chân núi Sinai (cao 2.285m). Tu viện này được đặt theo tên vị thánh nữ tử vì đạo ở thành Alexandria, được xây dựng vào khoảng năm 330 sau Công nguyên, hiện là một trong những tu viện lâu đời nhất thế giới còn tồn tại và là địa điểm linh thiêng của ba tôn giáo lớn gồm Công giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo.
Dưới sự hướng dẫn của những người bản địa, chuyến thăm Tu viện thánh Catherine mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn. Để bày tỏ sự thành kính, du khách được khuyến cáo mặc trang phục kín đáo. Tu viện chỉ mở cửa vào buổi sáng, do đó, du khách nên bắt đầu chuyến đi từ rất sớm hoặc ở lại qua đêm tại thị trấn St Catherine gần đó.
Thoạt trông từ bên ngoài, Tu viện thánh Catherine nằm tựa lưng vào núi Sinai, có quy mô bề thế, được bao bọc bởi lớp tường bằng đá granite cao 10 - 15m, dày 2 - 3m. Theo người dân ở đây, vào khoảng thế kỷ VI, Hoàng đế Justinian I (527 - 565) đã cho xây dựng một pháo đài xung quanh nhà nguyện ban đầu, cùng với một vương cung thánh đường và tu viện tạo thành một quần thể an toàn cho cộng đồng tu sĩ tại đây. Bên trong bức tường kiên cố là tu viện được xây dựng vào thế kỷ VI theo phong cách kiến trúc Byzantine. Gian giữa được bao bọc bởi 12 cột đá cẩm thạch đồ sộ tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Phía đông của tu viện có một biểu tượng được mạ vàng, ngăn cách gian giữa với cung thánh và hành lang, nơi lưu giữ những dấu tích chôn cất thánh Catherine.
Tu viện thánh Catherine được ví như một bảo tàng nghệ thuật với phần trần nhà là những bức tranh khảm tinh xảo cùng 120 biểu tượng nghệ thuật lớn được vẽ bằng chất liệu sơn dầu có niên đại từ thế kỷ V - VI. Nhưng, ấn tượng hơn cả phải kể đến bộ sưu tập bản thảo cổ lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau thư viện ở Vatican. Thư viện này hiện đang lưu giữ 3.000 bản thảo được ghi chép bằng tiếng Hy Lạp, Ả Rập, Armenia, Do Thái, Georgia..., trong đó, nổi bật nhất là bản thảo viết tay Codex Sinaiticus có từ thế kỷ IV. Đây là bản thảo lâu đời nhất được tìm thấy của Kinh Thánh, còn được biết đến là bản sao Achtiname điều lệ của nhà tiên tri Muhammad. Ngoài kho tàng nghệ thuật quý giá trên, trong Tu viện thánh Catherine còn lưu giữ bộ sưu tập chén thánh bằng vàng, bạc...
Trong khuôn viên tu viện hiện vẫn còn dấu tích của Bụi cây cháy - nơi Chúa nói chuyện với nhà tiên tri Moses. Hiện nay, “hậu duệ” của bụi cây này được bảo vệ nghiêm ngặt để tránh bị du khách hái lá, bẻ cành cầu may. Gần Bụi cây cháy là giếng Moses; người dân và du khách tin rằng, nước giếng sẽ mang lại hạnh phúc cho những người may mắn được uống.
Sau khi tham quan Tu viện thánh Catherine, du khách có thể dừng chân tại cửa hàng quà tặng nằm sát tường tu viện để chọn mua bản sao của các biểu tượng làm quà cho người thân. Bên ngoài bức tường là một khoảng sân xinh xắn với quán cà phê để du khách nghỉ ngơi, ngắm nhìn quang cảnh yên bình, đậm màu sắc huyền bí của tu viện. Sau nhiều năm sụt giảm lượng khách, hiện nay, khách du lịch cùng hàng triệu tín đồ hành hương từ khắp nơi trên thế giới đã bắt đầu quay lại bán đảo Sinai, giúp “vùng đất ngọc lam” dần lấy lại vị thế vốn có...