Bộ ảnh này được Vicky Linh Thạch (32 tuổi) chụp năm 2008. Nhà của Linh Thạch nằm ngay sát chợ Hàng Da nên khu chợ này đã trở thành một phần gắn liền với tuổi thơ cô.
"Tôi chẳng nhớ mình đã chụp bộ ảnh này bằng máy ảnh gì nữa. Chỉ nhớ, tôi đã chụp vào một ngày đi ăn phở bác Tịu ở số 8 Hàng Da. Bác bán phở nói khu chợ sắp bị phá trong 2-3 hôm tới. Tôi sợ không bao giờ được nhìn lại cảnh khu chợ cũ nên mang máy đi chụp. Dù sao, đây cũng là nơi thân thuộc với tôi hồi bé", cô chia sẻ với Zing .
Trong trí nhớ của tác giả bộ ảnh, ngày trước, khi tan học buổi chiều, cô thường được mẹ dẫn vào chợ mua đồ về nấu ăn. Thỉnh thoảng, mẹ Linh Thạch cũng hay lên tầng 2 để mua đồ si. Hầu hết quần áo cô mặc từ mẫu giáo đến hết lớp 5 đều được mua từ khu chợ này.
"Tôi hay được mẹ mua cho nộm, chè ở đây. Trong chợ có bà Ý bán giò chả ngon lắm. Mẹ tôi vẫn hay mua bánh dày, giò của nhà bà", cô nhớ lại.
Những đợt nghỉ hè, cô hay trốn ngủ trưa để ra chợ ngắm cá ở mấy hàng ngay đầu cổng. Sau đó, cô lại đi ra Ngõ Trạm để ăn cá bò, nem chua nướng bà Sáu.
Khu chợ hồi nhỏ thế nào, Linh Thạch cũng không còn nhớ rõ. Tuy nhiên, so với những bức hình năm 2008 và hiện tại, cô gái phố cổ chia sẻ nó chẳng còn chút gì giống nhau. Phải chăng nếu có chút giống thì đó là sự hiện diện của vài người bán hàng từ chợ cũ đến giờ. Họ chủ yếu vẫn bán dưới hầm và phía Nguyễn Văn Tố.
Tiểu thương cũ ở chợ đa số là những gia đình sống xung quanh. Số khác lại là người tỉnh ngoài về Hà Nội để bán những thứ quà quê, đặc sản trên vỉa hè, quán cóc. Sau này, họ tập trung lại vào một số khu vực rồi phát triển lên thành chợ.
Hiện nay, trung tâm thương mại chợ Hàng Da cũng đã khang trang, rộng rãi hơn. Tuy nhiên, để vào chợ, người dân không được đi xe như trước mà phải gửi bên ngoài. Điều này đôi khi cũng khiến khách hàng có tâm lý ngại mua sắm.