Trang Chủ > Du lịch > Kiến trúc sư rời Pháp về Việt Nam bán bơ

Kiến trúc sư rời Pháp về Việt Nam bán bơ

Zingnews
05/07/2022 05:47:41

Từ khi còn bé, Minh Hoàng đã có mong muốn tự động hóa mọi thứ để công việc dễ dàng hơn.

Sau khoảng thời gian sang Pháp du học, anh trở về lập thương hiệu riêng về bơ. Chia sẻ với Zing , anh cho biết hiện mình có thể tự hào là một người khởi nghiệp trẻ thành công ở Việt Nam.

Làm giàu từ nông nghiệp

Ban đầu, nhà anh chỉ trồng điều. Tuy nhiên, do giá trị kinh tế không cao, Minh Hoàng chuyển sang kinh doanh bơ, tiêu và cao su trên mảnh đất rộng 50 ha.

Theo anh Hoàng, lý do chọn bơ để làm kinh tế vì cây ăn trái có giá trị cao hơn so với điều. Mặt khác, giống bơ bản địa của Bình Phước cũng đảm bảo thành công hơn so với các cây ăn trái ngoại lai.

"Giống bơ này có độ ngọt thanh, hậu béo dẻo vừa phải. Tôi ăn thấy giống bơ Nam Mỹ mình từng dùng bên Pháp. Nó hợp làm salad và cũng ăn sống được. Quan trọng là trái bơ phù hợp với thị trường tôi muốn xuất khẩu sang", anh chia sẻ.

Cựu du học sinh Pháp nhấn mạnh xu hướng ăn sạch, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng là thứ người tiêu dùng trẻ, có tiền đang hướng tới. Và đó là thứ còn thiếu của những người nông dân Việt Nam.

Việc trồng cả bơ, tiêu và cao su giúp anh và những người nông dân "cộng tác" có công việc quanh năm. Bởi cứ hết mùa bơ sẽ đến mùa cao su rồi lại đến mùa tiêu. Mọi thứ tạo thành vòng tuần hoàn, đảm bảo cuộc sống ổn định cho những người tham gia.

Học hỏi từ Pháp

Kỹ sư này cho biết vấn đề không phải bơ, tiêu hay cao su. Điều đầu tiên anh suy nghĩ khi trở về Việt Nam nối nghiệp gia đình.

Trong khi đó, ở Việt Nam, người nông dân thường theo mô hình cũ là vườn bán cho thương lái, thương lái đem đi xuất khẩu hoặc bán cho siêu thị. Sau cùng, sản phẩm của người nông dân dù ngon, dở cũng chẳng có nổi thương hiệu để người mua biết tới.

Trong thời gian ở Pháp, anh thấy người nông dân cũng có ý thức xây dựng thương hiệu. Họ có những hợp tác xã để ổn định giá. Thường khi giá thị trường của một sản phẩm dưới mức trung bình, nhà nước sẽ bù tiền để hỗ trợ nông dân. Nếu giá cao hơn, nông dân lại nộp quỹ để bình ổn giá.

Kiến trúc sư rời Pháp về Việt Nam bán bơ-1

Thời gian học ở Pháp cho Minh Hoàng nhiều kiến thức về phát triển nông nghiệp. Ảnh: NVCC.

"Họ quản lý sản phẩm qua mã vùng trồng để khống chế sản xuất, không làm ồ ạt. Việt Nam thì thiếu đi sự đồng bộ. Nông dân vẫn làm theo phong trào, không có sự kiểm soát về chất lượng sản phẩm, thương hiệu. Thế nên chúng ta suốt ngày nghe tin giải cứu", anh lập luận.

Mặt khác, kỹ sư này nói việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất và thay đổi tư duy chỉ biết trồng trọt của nông dân cũng quan trọng không kém.

Ví dụ, khi còn ở Pháp, Minh Hoàng thấy lạ khi nhiều cánh đồng lớn chỉ có một, hai người làm việc. Đó là thành quả của việc tự động hóa và ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, từ đó biến nông nghiệp trở thành ngành công nghiệp thứ 6.

"Người nông dân ở Pháp làm toàn bộ mọi khâu từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và trực tiếp quảng cáo bán hàng. Họ xây dựng thương hiệu hiệu quả để xuất khẩu, bán đấu giá rồi nâng tầm sản phẩm lên. Có nhiều mô hình hay để đem về Việt Nam ứng dụng", Minh Hoàng cho hay.

Nói về vườn bơ rộng 12 ha của mình, anh kể chỉ cần 2 người làm vì đã ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao như hệ thống tưới tiêu tự động, điện năng lượng mặt trời áp mái, hệ thống camera giám sát toàn vườn, máy bay không người lái... Người làm chủ yếu thuê để vặn, chỉnh sửa van nước.

Cuộc đời thay đổi

Anh cho biết ngày bé được bố đưa đi thu hoạch điều ở vườn nhà. Các công nhân của nhà anh lượm được 100 kg điều/người/ngày. Giá bán hồi ấy là 10.000 đồng/kg điều. Công nhân chỉ được trả 1.000 đồng/kg.

Riêng anh, bố "đặc cách" cho lượm thoải mái, được bao nhiêu cũng có đủ tiền. Tuy nhiên, dù cố hết mình, anh cũng chỉ thu được 25 kg điều. Tiền có thêm cũng vui nhưng tay anh bị axit từ điều làm đau nhói. Việc bỏ sức cực khổ như vậy nhưng những đồng tiền thu được không nhiều khiến anh đã sớm nghĩ đến mô hình tự động hóa.

Đây cũng là chuyên ngành Minh Hoàng hướng đến khi thi vào Đại học Bách khoa TP.HCM. Nhờ quá trình học tập tốt, anh được sang Pháp, học tập tại Viện Công nghệ Grennnoble. Đến năm 2013, anh rời Pháp và đi làm cho một số công ty quốc tế. Lúc này, Minh Hoàng vẫn chưa nghĩ đến cảnh trở về Việt Nam để nối nghiệp làm nông.

Công việc tại công ty quốc tế cũng có mức lương khá khẩm với chàng trai quê Bình Phước. Tuy nhiên, biến cố tới vào năm 2018 khi bố anh bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Bỏ công việc ở Malaysia, Hoàng trở về quê để phụ giúp gia đình và chăm bố.

"Thực ra, tôi vẫn thấy cơ hội để làm giàu ở quê. Vấn đề là tôi muốn có thêm kiến thức, quan hệ trước khi trở về để công việc thuận lợi hơn. Dù sao, năm 2018 cũng là thời điểm tôi đã đủ chín chắn", anh cho biết.

Tới đầu năm 2021, bố anh qua đời. Minh Hoàng nói mình buồn vì bố mất nhưng phần nào đó cũng thấy may mắn. Bởi năm 2021 là năm đại dịch kinh hoàng nhất. Bố anh mất vào đầu năm, thời điểm dịch chưa quá mạnh nên ít nhất vẫn có bạn bè, người thân đi đưa tiễn.

"Với một người ung thư phổi lại nhỡ mắc thêm Covid-19, tôi không nghĩ được bố sẽ phải chịu đựng sao. Nhưng suy cho cùng, bố hẳn đã ra đi thanh thản bởi tôi đã để lại một khu rừng cho thế hệ sau như mong ước của ông - một thương hiệu bơ mang tên con trai của bố", anh chia sẻ.

Ám ảnh du lịch châu Âu hè năm nay

Theo Travel Off Path, châu Âu được xem là điểm đến tệ nhất cho chuyến du lịch hè.

Covid-19 tái bùng phát, Pháp vẫn chưa bắt người dân đeo khẩu trang

Giữa làn sóng Covid-19 đang có xu hướng bùng phát, chính phủ Pháp cân nhắc việc áp dụng đeo khẩu trang trở lại.

Nghệ thuật Kaiseki Ryori trong ẩm thực Nhật Bản

Kaiseki Ryori là một loại hình nghệ thuật ẩm thực truyền thống lâu đời, tạo nên vẻ đẹp độc đáo của văn hóa ẩm thực Nhật Bản.