(HNMCT) - Nhắc đến du lịch châu Phi, cái tên Senegal có thể không nằm trong trí nhớ của nhiều người. Nhưng ngay từ lần đầu tiên đặt chân lên Senegal, người Pháp đã nhận ra vẻ quyến rũ hiếm có của mảnh đất này. Trải qua thăng trầm lịch sử, những “nếp nhăn thời gian" làm cho Senegal thêm phần hấp dẫn. Để cảm nhận, du khách hãy đến với cố đô Saint-Louis và đắm chìm vào không gian này một lần.
Đi xe ngựa dọc bờ sông Senegal ngắm cảnh là một trải nghiệm thú vị.
Vẻ đẹp bụi bặm
Saint-Louis (hay N’Dar - tiếng địa phương) được người Pháp xây dựng năm 1659 với mục đích biến nơi đây trở thành thương cảng “trấn giữ” tuyến đường biển nối Tây Âu và Tây Phi. Saint-Louis là thành phố Tây Phi đầu tiên do người châu Âu thành lập và là thủ đô giàu có của nước thuộc địa Senegal. Đây từng là nơi hội tụ con người và sản vật toàn châu Phi, đồng thời là điểm tiếp nhận văn hóa Pháp, văn hóa châu Âu của cả châu lục. Sự thịnh vượng này chỉ chấm dứt sau khi nhà nước Senegal độc lập dời thủ đô về Dakar. Người Pháp rời đi, mang theo những tài sản quý giá nhất. Saint-Louis dần rơi vào cảnh suy tàn.
Tuy vậy, Saint-Louis vẫn là một điểm đến lý thú, nơi in dấu nền văn hóa mà người Pháp mang đến các thuộc địa của mình như Bahia (Brazil), Cartagena (Bolivia), Havana (Cuba). Saint-Louis được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2000.
Để đến Saint-Louis, du khách nên đi bằng những chiếc xe 7 chỗ được gọi là sept-place sau khi đã thăm thủ đô Dakar. Đi dạo trên những con phố Saint-Louis, du khách người Việt không khỏi có cảm giác lạc vào phố cổ Hà Nội khi bắt gặp những bức tường màu vàng bong tróc, những cánh cửa sổ sứt mẻ, những ban công mở về hướng gió thổi... Có điều khác là mọi thứ đều bám một lớp bụi vàng thổi từ sa mạc và đường phố vắng bóng xe cộ. Cách tốt nhất để thưởng ngoạn Saint-Louis là dành cả buổi chiều dạo phố, ngắm nhìn trẻ con chơi đùa trong khi người lớn ngồi hút thuốc lá cuốn. Vào mùa hè nóng nực, du khách hãy thuê xe ngựa đi dọc sông Senegal để thưởng thức cảnh đẹp của cây cầu Pont Faidherbe lúc chiều tà.
Cầu Pont Faidherbe và cầu Pont Mustapha Malick Gaye nối liền ba phần của Saint-Louis: Thành phố cổ nằm trên đảo N’Dar, bán đảo Langue de Barbarie và thị trấn Sor. Langue de Barbarie là một phá cát chạy dọc bờ biển. Trên bán đảo là ngôi làng đánh cá mang tên Guet N’Dar - nơi du khách có thể vừa ngắm cảnh, vừa mua cá khô được người dân đánh bắt và phơi theo cách thủ công nên có hương vị đặc biệt.
Phía nam bán đảo là Công viên quốc gia Langue de Barbie, nơi cư ngụ của 16 loài chim khác nhau. Những người yêu thiên nhiên, nhiếp ảnh gia và chuyên gia về chim đã bị hút hồn bởi cảnh hàng trăm con chim cùng lúc kiếm ăn trên mặt nước hoặc về tổ lúc chiều tà. Vào buổi tối, du khách có thể ngắm nhìn rùa đẻ trứng và rùa con nở. Langue de Barbie đang bảo tồn ba loài rùa quý hiếm, trong đó có loài đồi mồi đã tuyệt chủng ở nhiều nơi.
Cách Saint-Louis không xa về phía đồng bằng châu thổ Senegal là Khu bảo tồn chim quốc gia Djoudj và Khu bảo tồn tự nhiên Guembeul. Chỉ riêng Djoudj ước tính đã có 1,5 triệu cá thể chim sống trên diện tích 16.000ha. Ngoài ra, những khu rừng ngập mặn trong khu bảo tồn còn là “nhà” của các loài động vật có vú và bò sát đặc trưng.
Khu bảo tồn chim quốc gia Djoudj.
Những sắc màu văn hóa
Du khách đến với Saint-Louis không nên bỏ qua những món đồ lưu niệm được làm thủ công. Quần áo, đồ trang sức, tranh khắc gỗ Senegal nổi tiếng châu Phi vì sự kết hợp giữa chất mộc mạc địa phương với đường nét Pháp tinh tế. Khu chợ lớn nhất thành phố đặt trên đại lộ General de Gaulle. Ở đây, bạn có thể tìm được mọi thứ, từ rau quả thực phẩm tươi sống đến quần áo và đồ trang sức. Quá bộ vài bước khỏi chợ là khu vực của những cửa hàng vải, tiệm may, làm tóc, spa... Món quà ưa thích của khách du lịch nữ là những chiếc váy được đặt may riêng cho mình và người thân.
Không nhiều người biết rằng, Saint-Louis là một trong những trung tâm nhạc Jazz của thế giới. Nhạc Jazz được đưa lên sóng truyền thanh ở Senegal lần đầu vào năm 1930. Hơn 20 năm sau, những người lính Mỹ trở về từ chiến trường châu Phi tập trung tại Saint-Louis để chờ ngày lên tàu về nước. Họ đã giúp Jazz trở thành thể loại âm nhạc chính ở Saint-Louis. Ngày nay, cứ tháng 5 hằng năm, các nghệ sĩ quốc tế lại đổ về cố đô Senegal để tham dự Festival nhạc Jazz quốc tế. Những buổi hòa nhạc, diễu hành đường phố được tổ chức khắp nơi trong thành phố suốt cả tuần. Nhân dịp này, các cửa hàng thường giảm giá để thu hút khách du lịch.
Một lễ hội khác đáng chú ý tại Saint-Louis là lễ Les Fanals. Ban đầu, Les Fanals là lễ hội dành cho các signares (những quý bà là vợ quan chức Pháp) nhưng sau đó lan rộng ra khắp thành phố. Les Fanals được tổ chức trong khoảng thời gian 6 ngày giữa Giáng sinh và lễ Tất niên hằng năm. Cứ đến tối, người dân sẽ đổ ra đường rước theo những cây đèn lồng, rồi khua chiêng gõ trống náo nhiệt chẳng khác rằm Trung thu ở Việt Nam. Trong đám rước lễ Les Fanals không còn khoảng cách giàu - nghèo, màu da, vì thế, khách du lịch có thể hòa mình vào dòng người địa phương và chia vui với họ.