Sông băng tan chảy có thể gây lũ lụt. (Clip: Youtube).
Lạ lùng nhà nghỉ mà du khách đến ở nhưng không biết thuộc nước Ý hay Thụy Sĩ
Nằm trên dãy núi Alps đầy tuyết, biên giới giữa Thụy Sĩ và Ý đã bị dịch chuyển do một dòng sông băng tan chảy, khiến vị trí của một nhà nghỉ trên núi ở Ý có thể bị thay đổi. Đường biên giới chạy dọc theo đường phân chia thoát nước, điểm mà băng tan chảy sẽ đi xuống hai bên của ngọn núi về phía quốc gia này hoặc quốc gia kia.
Sự tan chảy của Sông băng Theodul khiến nước đầu nguồn bắt đầu chảy về Rifugio Guide del Cervino, nơi trú chân cho du khách gần đỉnh Testa Grigia cao 3.480 mét, và nơi đây có nguy cơ bị cuốn trôi.
Frederic, một du khách 59 tuổi, mở cánh cửa gỗ hẹp để vào nhà hàng của nơi trú chân, ánh sáng tràn vào từ bên ngoài. Thực đơn bằng tiếng Ý, không phải tiếng Đức và được định giá bằng euro chứ không phải đồng franc Thụy Sĩ. Tuy nhiên, tại quầy, anh ta gọi một lát bánh và hỏi: "Vậy, chúng ta đang ở Thụy Sĩ hay ở Ý?"
Những người đi bộ tham quan hang động băng Rhone gần Gletsch thuộc vùng Alpine của Thụy Sĩ. Ảnh: AFP
Đó là một câu hỏi đáng đặt ra vì đây là chủ đề của các cuộc đàm phán ngoại giao bắt đầu vào năm 2018 và kết thúc bằng một thỏa hiệp vào năm 2021, nhưng các chi tiết cụ thể vẫn còn nằm trong bí mật. Khi nơi trú chân được xây dựng trên một mỏm đá vào năm 1984, 40 chiếc giường và bàn dài bằng gỗ của nó hoàn toàn thuộc lãnh thổ Ý.
Nhưng giờ đây, hai phần ba nhà nghỉ, bao gồm hầu hết các giường và nhà hàng, được tính là nằm trên đất miền nam Thụy Sĩ.
Vấn đề trở nên nổi cộm vì khu vực này, phụ thuộc vào du lịch, nằm trên đỉnh của một trong những khu nghỉ mát trượt tuyết lớn nhất thế giới, đang dần phát triển và có một ga cáp treo đang được xây dựng cách đó vài mét.
Một thỏa thuận đã được ký kết tại Florence vào tháng 11/2021 nhưng kết quả sẽ chỉ được tiết lộ khi nó được chính phủ Thụy Sĩ đóng dấu và điều này sẽ không xảy ra trước năm 2023.
Alain Wicht, quan chức biên giới tại cơ quan lập bản đồ quốc gia Swisstopo của Thụy Sĩ nói với AFP: "Chúng tôi đã đồng ý phân chia lại sau khi có thay đổi".
Công việc của anh bao gồm trông coi 7.000 cột mốc ranh giới dọc theo biên giới dài 1.935 km của Thụy Sĩ với Áo, Pháp, Đức, Ý và Liechtenstein.
Wicht đã tham dự các cuộc đàm phán, nơi cả hai bên đã nhượng bộ để tìm ra giải pháp. Ông nói: "Ngay cả khi không có bên nào giành chiến thắng, thì ít nhất cũng không có ai thua cả".
Tranh chấp lãnh thổ vì sông băng tan chảy khiến du khách "mất vui"
Nơi biên giới Ý-Thụy Sĩ đi qua các sông băng Alpine, biên giới này theo đường phân thủy. Nhưng sông băng Theodul đã mất gần một phần tư khối lượng từ năm 1973 đến năm 2010. Điều đó làm cho tảng đá bên dưới lớp băng lộ ra, làm thay đổi đường phân cách thoát nước và buộc hai nước láng giềng phải vẽ lại bản đồ xung quanh một đoạn biên giới dài 100 mét của họ.
Wicht nói rằng những điều chỉnh như vậy diễn ra thường xuyên và thường được giải quyết bằng cách so sánh kết quả của các nhà khảo sát từ các quốc gia có biên giới, mà không có sự tham gia của các chính trị gia. Những người đồng cấp từ Ý của ông từ chối bình luận "do tình hình quốc tế phức tạp."
Cựu giám đốc Swisstopo, Jean-Philippe Amstein, cho biết những tranh chấp như vậy thường được giải quyết bằng cách trao đổi các lô đất có diện tích và giá trị tương đương.
Trong trường hợp này, "Thụy Sĩ không quan tâm đến việc lấy một mảnh sông băng và người Ý không thể bù đắp cho việc mất diện tích bề mặt của Thụy Sĩ", ông giải thích.
Trong khi kết quả vẫn còn là bí mật, người chăm sóc nơi trú chân, Lucio Trucco, 51 tuổi, đã được thông báo rằng nó sẽ ở lại trên đất Ý. Nhiều năm đàm phán đã làm trì hoãn việc cải tạo nơi đây, các ngôi làng ở hai bên biên giới không thể cấp giấy phép xây dựng.
Do đó, công trình sẽ không được hoàn thành kịp thời gian dự kiến khánh thành một tuyến cáp treo mới lên sườn núi Klein Matterhorn của Ý vào cuối năm 2023. Du khách chỉ có thể đến các sườn núi từ khu nghỉ mát trượt tuyết Zermatt của Thụy Sĩ.