Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã nói về những trở ngại, khó khăn cũng như nỗ lực vượt khó, với hy vọng xiếc có sự bứt phá, hấp dẫn trong thời gian tới.
Giải bài toán thiếu nguồn nhân lực
Phóng viên (PV): Thưa ông, nói đến nghệ thuật xiếc, nhiều người sẽ nghĩ đến các tiết mục biểu diễn với độ khó cao, đòi hỏi sự khổ luyện và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều đó có là rào cản đối với những nhà làm chuyên môn trong quá trình tuyển chọn tài năng xiếc hay không?
Cảnh trong vở cải lương kết hợp xiếc "Thượng thiên Thánh mẫu" Ảnh: CHÂU XUYÊN.
NSND Tống Toàn Thắng: Nhân lực của nghệ thuật xiếc Việt Nam trong 10 năm qua đang là bài toán khó với những nhà chuyên môn. Có những đợt thi tuyển, chúng tôi không tìm được một người nào đủ tố chất. Xiếc đòi hỏi sự khổ luyện, tính nghiệt ngã cao và tiềm ẩn rủi ro lớn. Có người tập luyện 5 năm nhưng chẳng may bị tai nạn phải bỏ nghề. Cuộc sống hiện đại, nhu cầu của con người cũng trở nên thực tế hơn. Nhiều phụ huynh không dám cho con em theo nghề xiếc vì vất vả và sợ không có tương lai. Tư duy vào nghề xiếc giờ cũng đã khác. Trước kia chúng tôi vào nghề bằng lý tưởng, dù khó khăn, vất vả đến đâu cũng kiên trì phấn đấu. Bây giờ, nhiều bạn trẻ vào nghề thực tế hơn khi quan tâm tới thu nhập.
Nhiều năm nay, chúng tôi phải đến các địa phương vùng sâu, vùng xa để tuyển sinh. Có nhiều phụ huynh thẳng thắn trả lời: “Con tôi đang là lao động chính trong nhà, xuống Hà Nội rồi thì lấy ai làm nương?”. Hơn nữa, tương lai của xiếc không thể nói trước được, vì nhiều em dù rất tiềm năng, nhưng khi tập luyện một thời gian lại không thể phát triển được nữa... Ngoài ra, một thách thức nữa đối với Liên đoàn Xiếc Việt Nam là tình trạng “chảy máu chất xám”. Nhiều tập đoàn, đơn vị tư nhân sẵn sàng trả mức thu nhập cao hơn rất nhiều để “chiêu mộ” những diễn viên xiếc. Trong vòng xoáy nỗi lo cơm áo gạo tiền, một số diễn viên xiếc đã không thể tránh khỏi cám dỗ.
NSND Tống Toàn Thắng.
PV: Liên đoàn Xiếc Việt Nam có giải pháp nào để vừa tìm kiếm thế hệ tài năng kế cận, vừa giữ chân nhân tài?
NSND Tống Toàn Thắng: Do đầu vào xiếc khó nên chúng tôi sớm định hướng diễn viên phải tập luyện đa năng. Nếu như trước đây, mỗi diễn viên chỉ cần tập thuần thục một tiết mục biểu diễn thì giờ có thể diễn nhiều tiết mục. Điều này vừa tạo cảm hứng sáng tạo, vừa tăng thêm thu nhập cho diễn viên. Tôi khi vào nghề là diễn với trăn nhưng bây giờ có thể hát, múa, diễn xuất và viết kịch bản. Tôi rất vui khi nhiều diễn viên xiếc hiện nay cũng đi theo con đường này và giành được nhiều thành tựu ở trong nước và quốc tế.
Nhiều chương trình chúng tôi khuyến khích diễn viên khi diễn trên sân khấu phải có sự tương tác với khán giả. Điều này vừa giúp lôi kéo khán giả tới xem, vừa giúp diễn viên được yêu mến nhiều hơn và từ đó tăng thêm tình yêu nghề. Ngoài ra, những gì mà nghệ sĩ xiếc không làm được thì chúng tôi mời gọi cộng tác viên làm thời vụ. Tất nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Để phát triển bền vững, nghệ thuật xiếc rất cần một thế hệ tài năng đủ tâm huyết theo nghề. Muốn làm được điều đó, chúng ta không thể bị động, phải lan tỏa giá trị của nghệ thuật xiếc đến với giới trẻ. Còn để giữ chân nhân tài, ngoài việc rèn luyện, nâng cao chất lượng nghệ thuật, tạo điều kiện cho các em tham gia những cuộc thi trong nước và quốc tế, tạo dựng tên tuổi, chúng tôi còn chú tâm quảng bá hình ảnh, uy tín của liên đoàn.
Đổi mới để sân khấu xiếc luôn sáng đèn
PV: Cuộc sống hiện đại, người dân có nhiều loại hình giải trí để lựa chọn. Trước thách thức trên, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có những đổi mới, sáng tạo gì để mang đến các tác phẩm chất lượng, giàu tính nhân văn, thu hút người xem?
NSND Tống Toàn Thắng: Trước khi xây dựng một tác phẩm xiếc, chúng tôi thường nghiên cứu thị hiếu khán giả, xu hướng của giới trẻ đang quan tâm để từ đó xây dựng kịch bản phù hợp. Thời gian qua, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng và biểu diễn “Cây gậy thần” và “Thượng thiên Thánh mẫu”. Các vở diễn thuộc dự án dài hơi “Huyền sử Việt”, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng là một sáng tạo mang nhiều yếu tố cách tân để thu hút khán giả đến với nghệ thuật biểu diễn. Thời gian tới, chúng tôi dự định kết hợp xiếc với tuồng và nghệ thuật trình diễn đương đại khác. Tuy nhiên, chúng tôi luôn xác định, dù có kết hợp với nghệ thuật nào đi chăng nữa thì xiếc vẫn phải là xiếc, diễn viên vẫn phải khổ luyện, bài bản. Nghệ sĩ xiếc muốn thành công thì ngoài tập luyện cần phải trau dồi thêm kiến thức để hướng tới sự đa năng.
PV: Theo ông, sự kết hợp giữa xiếc và nghệ thuật khác có tạo bước đi dài, bền vững trong tương lai hay không?
NSND Tống Toàn Thắng: Trên thế giới, việc xiếc kết hợp với các loại hình nghệ thuật không phải là mới. Muốn làm được điều đó, tôi cho rằng các nghệ sĩ của từng loại hình nghệ thuật phải bỏ đi cái tôi của mình. Khi các loại hình nghệ thuật kết hợp với nhau sẽ cùng hỗ trợ để hướng tới đích chung. Tôi luôn có ước mơ xiếc có thể kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Cho đến giờ, xiếc kết hợp với cải lương đã thành công. Vở đầu tiên chúng tôi ra mắt tác phẩm “Cây gậy thần” thì 60% nội dung là cải lương, 40% nội dung là xiếc. Khi ấy, nhiều người đã nói với tôi rằng, tại sao xiếc phải đóng vai phụ cho cải lương. Nhưng đến vở “Thượng thiên Thánh mẫu” chúng tôi đã cân đối được mọi yếu tố, cùng nhìn về cái chung rằng, thành công chính là sự đón nhận tích cực của khán giả, vở diễn đi được đường dài, đến giờ vẫn biểu diễn bán được vé. Xu thế của nghệ thuật bây giờ là giải trí. Không thể làm nghệ thuật theo lối mòn, triết lý, bởi yếu tố giải trí mới hút người xem. Ở nước ngoài, opera kết hợp rất thành công với xiếc. Bởi vậy, muốn thu hút khán giả, xiếc hay bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng phải tự làm mới mình và cộng hưởng cùng nhau kết nối và sẻ chia.
Giáo dục truyền thống qua các tiết mục xiếc về người lính
PV: Một trong những hướng đi mới của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được khán giả đón nhận là chú trọng khai thác về đề tài người lính. Ông có thể cho biết rõ hơn về cách làm này?
NSND Tống Toàn Thắng: 5 năm qua, chúng tôi đã tổ chức thành công sự kiện “Đi cùng năm tháng”. Chương trình được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7). Đây là chương trình xiếc đặc sắc tôn vinh hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, có thể kể tới như “Sống mãi với Điện Biên”, “Ký ức Trường Sơn”, “Biển, đảo là quê hương”... năm nay là “Vùng trời bình yên”, sang năm sẽ là “Vó ngựa biên cương”... “Đi cùng năm tháng” nhằm thể hiện trách nhiệm, sự tri ân dành cho thế hệ đi trước, rạp xiếc khi ấy không chỉ là nơi biểu diễn mà còn là sân chơi của các cựu chiến binh, dịp để con cháu tìm hiểu về truyền thống, sáng mãi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Các tiết mục được dàn dựng công phu, hoạt cảnh xiếc được lồng ghép có nội dung theo giai điệu bài hát, múa, khắc họa đời sống rèn luyện, chiến đấu cũng như sự cống hiến, hy sinh quả cảm của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
PV: Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ đã xuất hiện nhiều trên các sân khấu, song riêng với nghệ thuật xiếc thì cần thể hiện như thế nào để hình ảnh đó thật sự gần gũi, thưa ông?
NSND Tống Toàn Thắng: Nếu chúng ta không nghiên cứu và dám đổi mới thì khi thể hiện hình ảnh người lính trên sân khấu sẽ bị khô cứng. Bởi vậy, chúng tôi xác định thể hiện tiết mục phải gần gũi, chân thực về người lính, chứ không phải khiên cưỡng qua bộ quân phục. Ví dụ, khi thực hiện chương trình “Vùng trời bình yên” chúng tôi tạo ra hình ảnh, cộng với bài hát tạo dấu ấn cho các em nhỏ. Khi ấy, hình ảnh người phi công hiện lên đầy bản lĩnh, ý chí, được khán giả khâm phục, ngưỡng mộ. Đó là cách tiếp cận nhân văn, giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cũng như nuôi dưỡng khát vọng chinh phục bầu trời cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, phải tạo cảm xúc cho khán giả, chẳng hạn trong Chương trình “Biển, đảo là quê hương” chúng tôi dàn dựng tiết mục “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” do nghệ sĩ Thu Hương hóa thân chị Võ Thị Sáu đu dây lụa trên cao, trình diễn các động tác khó để đem đến cho người xem sự hồi hộp và rưng rưng xúc cảm trong giai điệu của bài hát cùng tên.
Có thể nói ngôn ngữ xiếc thể hiện hình tượng Bộ đội Cụ Hồ khá phù hợp, khi tạo được những màn trình diễn thú vị như các chiến sĩ nhào lộn qua chướng ngại vật trong khung cảnh của trận địa pháo; thực hiện động tác làm trụ để tạo hình những khẩu pháo; tốp nữ dân quân tự vệ thực hiện các động tác múa chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, nhào lộn, đu dây, nhảy dây tập thể rất sôi động, tươi vui... Thời gian qua, Liên đoàn Xiếc Việt Nam rất tâm huyết khi dàn dựng các tiết mục xiếc về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và thực hiện mỗi năm một chủ đề. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm với thế hệ cha anh, mà còn là hướng đi mới chúng tôi hướng tới nhằm thu hút khán giả và góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bệnh viện chuyên về ung thư ICS (Singapore) đưa ra kỹ thuật chụp CT liều thấp mới để tầm soát ung thư phổi
ICS (International Cancer Specialists) là một trung tâm quản lý bệnh ung thư ở Singapore đang cung cấp kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính liều thấp (còn gọi là chụp CT liều thấp, hoặc low-dose CT – LDCT) thay thế cho chụp cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging – MRI hoặc chụp CT liều tiêu chuẩn.
Chủ tịch nước dự Lễ trao giải Cuộc thi ảnh Nghệ thuật Quốc tế lần thứ 11
Sáng 7/6, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) tổ chức Lễ trao giải và khai mạc triển lãm Ảnh nghệ thuật Quốc tế lần thứ 11 tại Việt Nam năm 2021 (VN-21).
Triển lãm ảnh thời sự nghệ thuật Trường Sa - Nhà giàn
Triển lãm ảnh thời sự nghệ thuật Trường Sa - Nhà giàn qua ống kính nhiếp ảnh của tác giả Đoàn Hoài Trung vừa khai mạc tại Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, chào mừng kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022).
www.qdnd.vn