Anh Nguyễn Huy Đức (sống ở Hà Nội) vừa hoàn thành chuyến đi 6 ngày 5 đêm khám phá Dubai, nơi được mệnh danh là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới.
Không chỉ bị thu hút bởi vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ của những tòa nhà chọc trời, anh Đức còn thích thú khi được tham gia những trải nghiệm "có một không hai" tại đây.
Lặn ở bể bơi sâu nhất thế giới
Từng nhiều lần lặn với bình dưỡng khí (hay còn gọi là scuba diving) tại một số vùng biển đẹp ở Việt Nam song trải nghiệm lần này tại Dubai mang đến cho anh Đức cảm giác hoàn toàn khác.
"Bể bơi này được thiết kế giống như một thành phố cổ bị lãng quên dưới nước, khiến người lặn cảm giác như đang khám phá vào một khu vực cổng dẫn tới một thế giới khác. Ở đó có đủ thứ như những căn hộ, xe máy, ô tô, thư viện, bếp,... giống hệt khung cảnh của một thành phố trong thực tế đời thường", anh Đức nhớ lại.
Anh Đức check-in tại bể bơi sâu nhất thế giới ở Dubai, thích thú vì được tận mắt ngắm nhìn một thành phố bị lãng quên dưới đáy biển mà vốn chỉ thấy trên các bộ phim viễn tưởng (Ảnh: Đức Nguyễn).
Bể bơi này có tên là Deep Dive Dubai, sở hữu độ sâu lên tới 60m, dài gần bằng một chiếc máy bay Boeing 787 và cao hơn tháp nghiêng Pisa (Ý). Đây cũng là bể bơi sâu nhất thế giới tính đến hiện tại, được Tổ chức kỷ lục thế giới Guinness công nhận vào năm 2021.
Bể bơi Deep Dive Dubai chứa 14 triệu lít nước ngọt, tương đương thể tích 6 bể bơi Olympic, lớn gấp ít nhất 4 lần so với bất kỳ bể lặn nào trên thế giới.
Điểm nổi bật của Deep Dive Dubai chính là thiết kế mô phỏng thành phố "bỏ hoang" nằm sâu phía bên dưới. Các thợ lặn có thể khám phá thành phố dưới nước này, thậm chí thoải mái chơi các trò chơi điện tử tại đó với hệ thống âm thanh và ánh sáng hiện đại được trang bị kỹ càng, tạo ra nhiều môi trường, bối cảnh độc đáo khác nhau.
Hồ bơi này cũng đóng vai trò là xưởng phim dưới nước thuộc hàng lớn nhất trong khu vực. Du khách trong quá trình lặn cũng có thể tự mình khám phá hồ bơi và thành phố dưới nước sau chuyến tham quan với hướng dẫn viên.
Anh Đức chơi bi-a dưới nước khi lặn tại bể bơi sâu nhất thế giới (Ảnh: Đức Nguyễn).
Theo anh Đức, trước khi lặn, du khách được trang bị đầy đủ và hướng dẫn sử dụng các thiết bị bảo hộ như quần áo lặn chuyên dụng giữ nhiệt, bình dưỡng khí. Mỗi người tham gia lặn sẽ có một hướng dẫn viên riêng theo kèm.
"Hướng dẫn viên sẽ dạy người lặn cách cân bằng áp suất dưới nước sâu cho an toàn, làm sao để lặn xuống sâu mà không bị áp lực nước làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước khi lặn, du khách sẽ được đưa ra vùng nước nông để thực hành cách thở, cách xử lý sự cố, cách giao tiếp dưới nước,...", anh Đức cho biết.
Với người mới thì chỉ có thể lặn tới độ sâu tối đa là 12m để đảm bảo an toàn. Nếu muốn lặn sâu hơn, người lặn phải tham gia một khóa học và lấy chứng chỉ lặn quốc tế (Ảnh: Đức Nguyễn).
Được biết, tại bể bơi sâu nhất thế giới này, chi phí cho một lần lặn bình dưỡng khí với du khách chưa có bằng chứng nhận lặn là 1800 AED/người (hơn 11,6 triệu đồng), bao gồm khoảng 30 phút học lý thuyết, 20 phút thực hành và 30-40 phút lặn thực tế.
Trượt tuyết giữa lòng sa mạc
Trải nghiệm thứ hai ở Dubai khiến vợ chồng anh Đức rất thích thú là trượt tuyết giữa lòng sa mạc. Khu trượt tuyết này có tên là Ski Dubai, nằm trong Khu trung tâm thương mại Emirates đẳng cấp.
Đây không chỉ là điểm đến thu hút du khách ngoại quốc mà còn trở thành chốn "giải nhiệt", tránh nóng lý tưởng của người địa phương.
"Giữa một đất nước bao quanh là sa mạc, khí hậu khô nóng, nhiệt độ ngoài trời luôn đạt khoảng 38-40 độ C thì khu trượt tuyết mát lạnh này thực sự trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ", anh Đức cho hay.
Khu trượt tuyết rộng lớn giữa lòng sa mạc trở thành điểm đến hấp dẫn cả người bản địa và du khách quốc tế (Ảnh: Đức Nguyễn).
Nơi đây chứa tới 60 tấn tuyết, trải khắp các khu vui chơi cho du khách thoải mái trải nghiệm (Ảnh: Đức Nguyễn).
Để trải nghiệm trượt tuyết tại đây, du khách sau khi mua vé sẽ được trang bị quần áo khoác, găng tay, tất và giày giữ nhiệt.
Ngoài ra, du khách có thể tham gia các hoạt động vui chơi thú vị khác, từ đơn giản như cho chim cánh cụt ăn, trượt ván, trượt cầu trượt cho tới mạo hiểm như trượt zipline, trượt tuyết từ trên đỉnh xuống.
Du khách di chuyển bằng cáp treo trong khu trượt tuyết (Ảnh: Đức Nguyễn).
Mặc dù khu trượt tuyết nằm trong trung tâm thương mại nhưng sở hữu không gian rộng lớn với 60 tấn tuyết phủ trắng quanh năm.
Tại đây cũng thiết kế nhiều đỉnh núi nhân tạo để trượt tuyết và phục vụ di chuyển bằng cáp treo, mang đến cho du khách trải nghiệm chân thực chẳng kém gì các khu trượt tuyết trên núi cao tự nhiên.
Vé vào khu trượt tuyến có 2 loại: Vé chỉ tham quan, chơi những trò chơi nhẹ nhàng: Cầu trượt tuyết, đi cáp treo, zipline, bóng lăn, xem phim dưới tuyết,... và vé chơi trượt tuyết riêng, chi phí dao động từ 200 đến 410 AED/người (khoảng 1,3 - 2,6 triệu đồng).
Khám phá "Bảo tàng của Tương lai"
Bảo tàng này có tên "Museum of the Future" (Bảo tàng của Tương lai), nằm ở trung tâm thành phố Dubai cũng là một trong những điểm đến hút khách check-in.
Bảo tàng là tòa nhà 7 tầng, cao 77m, có thiết kế hình elip trông giống như một quả trứng khổng lồ bằng bạc. Để hoàn thành bảo tàng hiện đại này, người ta phải mất 18 tháng xây dựng trên diện tích 17.600m2, làm từ 1.024 miếng thép không gỉ.
"Bảo tàng của Tương lai" ở Dubai được mô tả là một trong những công trình đẹp nhất thế giới (Ảnh: Đức Nguyễn).
Không gian choáng ngợp bên trong "Bảo tàng của Tương lai" (Ảnh: Đức Nguyễn).
Tới tham quan nơi này, du khách sẽ có cơ hội khám phá hành trình của tương lai đến năm 2071, dấu mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Các Tiểu vương quốc Arab (UAE).
"Nơi đây giống như một bảo tàng giả tưởng, tạo cho du khách cảm giác đang bước vào một không gian thuộc về tương lai, nơi lưu giữ những gì còn sót lại của thế giới", anh Đức kể.
Tại 5 tầng của bảo tàng "Museum of the Future", du khách được cung cấp nhiều trải nghiệm thú vị. Đầu tiên, du khách di chuyển thang máy đến trạm vũ trụ có chủ đề "OSS Hope" (tầng 5 của bảo tàng).
Thang máy được thiết kế giống như khoang của một phi thuyền với rất nhiều ô cửa sổ là màn hình LED. Khi thang máy đóng lại, trên các "cửa sổ" sẽ hiện lên quang cảnh bên ngoài khi phi thuyền phóng lên vũ trụ.
Tầng tiếp theo là rừng nhiệt đới có tên "Vault of Life", tái hiện một phần rừng nhiệt đới Amazon ở Leticia, Colombia.
Những chiếc lọ lấp lánh màu sắc này là nơi lưu trữ mầm sống của các loài động, thực vật được trưng bày ở tầng 4 của bảo tàng (Ảnh: Đức Nguyễn).
Tiếp theo là "Al Waha", nơi du khách khám phá bản thân trong một thế giới mà mọi giác quan đều được kích thích. Tại đây, mỗi người có cuộc hành trình riêng trong một môi trường tập trung vào sức khỏe, tình thần, tách biệt khỏi công nghệ. Du khách có thể thiền định, kết nối lại với bản thân và khôi phục cân bằng tự nhiên.
Di chuyển xuống một tầng, du khách sẽ khám phá những công nghệ sẽ định hình trong tương lai và những thách thức mà xã hội, hành tinh đang phải đối mặt. Khu vực này trưng bày các công nghệ tới từ tương lai: Xe cộ, máy tính, robot,...
Cuối cùng, ở tầng thấp nhất là "anh hùng tương lai", không gian vui chơi cho trẻ em dưới 10 tuổi.
Vé vào thăm quan bảo tàng có giá 145 AED/người (khoảng 940.000 đồng).
Theo anh Đức, việc di chuyển và tham gia các trải nghiệm độc đáo tại Dubai không gặp nhiều khó khăn. Du khách nên đến đây du lịch từ tháng 1 tới tháng 4 vì đây là khoảng thời gian thời tiết tại Dubai mát mẻ, dễ chịu nhất trong năm.
Tác giả: Thảo Trinh
Nguồn tin: Báo Dân trí