Bà mẹ mang thai cần đi khám thai và sàng lọc trước sinh để phát hiện sớm những bất thường ở thai nhi Ảnh: THANH TÂM
Đề án được xây dựng nhằm phổ cập tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán điều trị trước sinh và sơ sinh nhằm giảm thiểu số trẻ em bị bệnh, tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn. Đề án được thực hiện từ năm 2022-2030, trong đó, giai đoạn 2022-2025 tập trung triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn, tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của người dân trên toàn TP, bà mẹ mang thai thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Giai đoạn 2026-2030, trên cơ sở các kết quả đã đạt được giai đoạn 2022-2025, rà soát, chỉnh sửa tiếp tục triển khai các hoạt động Đề án, tăng cường thực hiện xã hội hóa các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Đề án đề cập đến 4 mục tiêu, trong đó, đến năm 2030, 100% số bà mẹ có thai được tuyên truyền, tư vấn về tầm soát trước sinh ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến; tầm soát sơ sinh ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến; ít nhất 95% nam, nữ thanh niên được tuyên truyền, tư vấn về khám sức khỏe trước khi kết hôn. Đến năm 2030, 100% cán bộ dân số, y tế tham gia Đề án có kiến thức, kỹ năng quản lý các hoạt động Đề án; tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; 100% cán bộ trực tiếp triển khai, tập huấn kỹ thuật siêu âm sàng lọc trước sinh với bệnh tim bẩm sinh, khiếm thính; 100% cán bộ y tế tuyến xã được đào tạo tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh. Đảm bảo cơ sở vật chất, vật tư để 90% phụ nữ mang thai được tầm soát từ 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến và 95% trẻ sơ sinh được tầm soát từ 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến. Đặc biệt, sàng lọc gen bệnh thalassemia cho học sinh THCS, THPT ở các xã thuộc vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mục tiêu thứ 4 là nâng cao chất lượng hoạt động, ứng dụng kỹ thuật mới trong sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh thuộc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Với các mục tiêu cụ thể, Đề án hướng tới đối tượng tác động gồm các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp liên quan trên địa bàn Thành phố; cán bộ y tế dân số; cộng tác viên dân số; nhân viên y tế thôn, bản; người có uy tín trong cộng đồng; người cung cấp các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh bao gồm cả khu vực ngoài công lập; người quản lý giáo dục, giáo viên… Đối tượng thụ hưởng gồm vị thành niên, thanh niên, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Tổng kinh phí thực hiện Đề án là gần 291 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách của TP là hơn 92 tỉ đồng, còn lại là nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nguồn tài trợ và người dân tự chi trả.
Thực tế cho thấy, hiện nay, nhu cầu khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi và thực hiện các kỹ thuật sàng lọc trước sinh, sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp sớm các bệnh rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh như tim bẩm sinh, down, thalassemia… là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu trên, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức phòng khám chẩn đoán trước sinh, tư vấn di truyền như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, và mới đây nhất là Bệnh viện E… Trên cơ sở khám sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, các bác sĩ Bệnh viện E sẽ có các giải pháp để can thiệp và điều trị sớm ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
“Việc khám thai thường xuyên và định kỳ là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá rủi ro, phát hiện sớm các biến chứng thai kỳ thường gặp cũng như chẩn đoán sớm và đầy đủ những dị tật bẩm sinh của thai nhi, nhằm có một kế hoạch ra đời an toàn và điều trị kịp thời cho những khiếm khuyết bẩm sinh còn cơ hội sửa chữa. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo không nên chờ đến khi xuất hiện những triệu chứng bất thường mới đi khám, mà nên bắt đầu chăm sóc tiền sản ngay từ 3 tháng đầu thai kỳ và duy trì việc thăm khám định kỳ cho đến ngày sinh nở. Các bệnh viện đã áp dụng nhiều biện pháp, kỹ thuật tiên tiến như siêu âm 2D, 4D, tư vấn các xét nghiệm không xâm lấn double test, triptest, NIPT, chọc ối từ tuần 16 để tư vấn cho các bà mẹ về tình trạng bệnh di truyền, dị tật thai nhi cũng như các nguy cơ để sớm có những biện pháp điều trị hiệu quả”, BSCKII Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện E chia sẻ.
QUỲNH HOA