Thế mạnh du lịch
Theo ông Hồng, Quảng Nam có những lợi thế nhất định cho ngành du lịch, như có đến 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, ngoài ra còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và nhiều địa danh lịch sử, nhiều danh thắng nổi tiếng.
Ngoài ra còn có những lễ hội vùng miền, những nét văn hóa đặc trưng của từng vùng luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
Chị Allison Crull đến du lịch phố cổ Hội An.
Đáng chú ý, Quảng Nam đã tổ chức thành công lễ khai mạc và các hoạt động khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2022 Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh. Chính vì thế không chỉ du khách trong nước mà rất đông du khách nước ngoài đã đổ về Quảng Nam.
Như sáng 30/6 thời tiết ở Hội An nắng nóng nhưng chúng tôi vẫn thấy rất đông khách nước ngoài có mặt ở các tuyến đường Trần Phú, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học,... để tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Còn tại các quán nước vỉa hè, quán cà phê cũng rất đông du khách ngồi uống nước và ngắm cảnh phố cổ.
Chị Allison Crull (35 tuổi, du khách Mỹ) cho biết: “Lần đầu tiên tôi đi du lịch đến Việt Nam và thấy đất nước này quá đẹp. Ở Hà Nội tôi đã đến những con phố cổ, đi thăm hồ Gươm, Vịnh Hạ Long. Đặc biệt ở Hội An, tôi cảm nhận được vẻ đẹp cổ kính nơi đây, những con phố đi bộ rất đẹp và lãng mạn. Các loại hình dịch vụ, đồ đạc ăn uống rất rẻ, như 1 ly cà phê chưa tới 30.000 đồng, so với một số nước khác thì rất rẻ, phù hợp với du khách nước ngoài đến tham quan”.
Còn anh Gundlach (du khách Mỹ) cùng vợ con tham quan phố cổ Hội An, cho biết: “Thật tuyệt vời khi được quay lại phố cổ Hội An để tham quan. Nơi đây phố cổ yên bình, dòng sông thơ mộng, con người hiền hòa, giá cả phải chăng, gia đình tôi rất thích nơi này”.
Du khách tây, ta tập trung đông về Chùa Cầu, Hội An.
Hay như ông Steven Stein, du khách đến từ Na Uy rất thích thú lưu lại những hình ảnh tại Chùa Cầu. “Tôi rất vui khi được đến Việt Nam và tham quan phố cổ Hội An. Con người ở đây thân thiện và niềm nở với du khách còn cảnh quan thì quá tuyệt vời”, ông Steven Stein, nói.
Chính nhờ những thế mạnh của mình, từ những khu phố cổ yên bình, những dòng sông thơ mộng, những làng quê với những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, con người hiền hòa mến khách và cả cách làm du lịch chuyên nghiệp mà những năm qua, du lịch Quảng Nam đã nhận được hàng trăm giải thưởng của các tổ chức, tạp chí uy tín, như đô thị cổ Hội An được Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA) trao giải “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2021”, tiếp tục khẳng định khẳng định sức hút của Di sản văn hóa thế giới UNESCO.
Hay mới đây đô thị cổ Hội An đã được đề cử giải thưởng World Travel Awards (WTA) 2022, điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á. Tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Travel and Leisure cũng trao tặng giải thưởng thành phố quyến rũ nhất thế giới cho phố cổ Hội An...
Làng sưa Hòa Hương, TP Tam Kỳ, Quảng Nam.
Trong khi đó, Quảng Nam lại có trên 843 cơ sở lưu trú với 16.913 phòng; trong đó, có 202 khách sạn với khoảng 13.300 phòng, 51 khách sạn đã được xếp hạng từ 3 - 5 sao với hơn 7.000 phòng đảm bảo điều kiện đón và phục vụ khách du lịch quốc tế...
Ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết thêm rằng: “Quảng Nam đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2022 đã tạo sự lan tỏa rất mạnh, thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch khu vực miền Trung cũng như cả nước. Hiện nay mỗi tuần 1 sự kiện về VHTTDL diễn ra trên địa bàn tỉnh đã tạo sự hấp dẫn, thu hút lượng khách mùa hè rất đông, nhất là du khách nước ngoài. Chỉ tính 6/2022, Quảng Nam đã đón 2,3 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó gần 100.000 du khách nước ngoài.”
Phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An: Hội An luôn sẵn sàng tâm thế đón khách du lịch quốc tế, vì thành phố từng đón nhận lượng khách quốc tế rất đông rồi. Hội An cũng là một trong 5 điểm đầu tiên của cả nước chọn để thử nghiệm đón khách quốc tế sau đại dịch Covid-19.
"Hội An có mọi điều kiện và sẵn sàng phục vụ du khách quốc tế trở lại. Chúng tôi đang đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó thực hiện đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án thành phố du lịch thông minh”.
Để thực hiện điều này, ông Lanh nhận định, Hội An phải đảm 5 yếu tố môi trường du lịch gồm: 1 là môi trường xã hội, an ninh, an toàn về tính mạng, tài sản, con người và trật tự xã hội; 2 là môi trường trật tự đô thị phải đường thông, hè thoáng kể cả vấn đề giao thông, vỉa hè, trưng bày hàng hóa phải mỹ quan, nếp sống văn minh đô thị; 3 là môi trường cảnh quan phải xanh, sạch đẹp.
Phải hướng đến du lịch xanh, du lịch giảm rác thải và sẽ xây dựng một số mô hình, lấy phố cổ Hội An làm trung tâm một điểm đến không rác thải nhựa, và vật liệu sử dụng một lần, thân thiện môi trường; 4 là kinh doanh phải ứng xử văn hóa, buôn bán đúng giá, phải lịch sự, nhân hậu, hiếu khách; 5 là môi trường công nghệ thông tin, làm sao để du khách tiện ích nhất, đầy đủ nhất. Du khách ở bất cứ địa điểm nào trong phố cổ Hội An đều có thể truy cập vào mạng internet.
Anh Gundlach cùng vợ con tham quan phố cổ Hội An.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL, du lịch là thế mạnh tại Quảng Nam, nhờ có quyết sách phát triển đúng đắn cùng công tác bảo tồn phát huy giá trị mà các công trình như Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm - Hội An,… luôn thu hút lượng lớn du khách quốc tế.
Nhưng để tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Nam là điểm đến an toàn, mến khách, cần tranh thủ và tập trung đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, trang thiết bị; xây dựng các sản phẩm du lịch mới để đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch; phát huy tinh thần sáng tạo, sự nỗ lực, tinh thần chia sẻ, đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay.
Ông Stevdsen Stein chụp ảnh tại Chùa Cầu, Hội An.