Chẳng ai ngờ được ở khu vực Đông Nam Á cũng có một kim tự tháp vô cùng đặc biệt, thậm chí được xem là cổ nhất trên trái đất.
Ít người biết có một kim tự tháp cổ đại nằm ẩn mình bên dưới một ngọn núi ở Indonesia suốt nhiều thiên niên kỷ.
Nó được gọi là Gunung Padang, cái tên mang ý nghĩa "Ngọn núi ánh sáng". Các chuyên gia nhận định, nhiều lý do để tin rằng đây là kim tự tháp lâu đời nhất còn tồn tại trên trái đất.
Gunung Padang được báo cáo lần đầu tiên vào năm 1914, nằm ẩn mình giữa những ngọn núi, rừng chuối và vườn chè, ở độ cao hơn 880m so với mực nước biển, cách thành phố Jakarta chừng 120 km về phía nam. Khi đó, những nhà khảo cổ học người Hà Lan tới nghiên cứu và xác định đây là địa điểm cự thạch cổ đại.
Đông Nam Á sở hữu kim tự tháp cổ nhất thế giới ẩn chứa nhiều bí ẩn
Theo nhà địa chất học Danny Hilman đến từ Viện khoa học Indonesia, nơi này cần được quan tâm nhiều hơn bởi nơi này có bằng chứng cho thấy một nền văn minh lớn được hình thành từ lâu nhưng chưa thực sự tồn tại trong các nghiên cứu hiện tại.
Các chuyên gia cho rằng, Gunung Padang là kim tự tháp cuối cùng ở Đông Nam Á. Bên dưới nền đất đắp cao có thể ẩn chứa vô số căn phòng, tầng hầm, hệ thực vật dày đặc phát triển trên nền di tích này suốt nhiều thế kỷ.
Bản vẽ mô phỏng Gunung Padang, kim tự tháp cổ nhất thế giới (Ảnh: News).
Bằng kỹ thuật khai quật và radar xuyên đất, Danny cùng nhóm cộng sự bắt tay vào việc khám phá. Những gì họ tìm thấy khiến cộng đồng khảo cổ phải sửng sốt. Đó không thực sự là ngọn đồi mà là kim tự tháp bậc thang được xây trong quãng thời gian cả thiên niên kỷ do nền văn minh lâu đời nhất mà thế giới vẫn chưa khám phá.
Cấu trúc bên dưới ngọn đồi rất hùng vỹ. Nhóm chuyên gia ước tính nó lớn hơn gấp 3 lần so với khu phức hợp đền Borobudur nổi tiếng ở đảo Java. Nhưng liệu có ngôi mộ trong lòng đất hay không vẫn còn là bí ẩn.
Tàn tích còn sót lại (Ảnh: Travel).
Điều khiến các chuyên gia bối rối nhất là sự phức tạp của kim tự tháp. Có thể công trình từng được làm lại nhiều lần do lớp kết cấu đặc biệt của nó.
Ngay tầng trên cùng dường như được một tộc người từng cư ngụ ở khu vực vào khoảng năm 600 trước Công Nguyên xây dựng. Nhưng họ không phải là những người đầu tiên sống tại nơi này.
Khi càng khoan xuống sâu, bí ẩn càng xuất hiện nhiều hơn. Thời điểm đầu, Gunung Padang được xác định có niên đại ít nhất 5.000 năm tuổi. Nhưng đào sâu hơn, nhóm khảo cổ lại phát hiện thấy một lớp hoàn toàn mới nằm dưới bề mặt khoảng 10m, có niên đại lên tới 10.000 năm trước Công Nguyên.
"Trái tim" kim tự tháp nằm ở lớp sâu nhất, dường như được xây dựng qua hàng thiên niên kỷ với những phần lâu đời nhất, xác định khoảng 25.000 năm trước Công Nguyên.
Nơi này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1914, đến nay vẫn còn là bí ẩn (Ảnh: Travel).
Nếu niên đại carbon của khu vực sâu nhất này được tính toán chính xác, thì Gunung Padang không chỉ đánh bại các kim tự tháp, nó còn đi trước nền văn minh đầu tiên được công nhận ở Lưỡng Hà. Đây còn là bằng chứng về một xã hội định cư 12.000 năm trước cuộc cách mạng công nghiệp.
Nếu mọi tính toán chuẩn xác, xã hội đầu tiên được xây dựng ở Gunung Padang thậm chí còn trước Kỷ Băng Hà cuối cùng, kết thúc vào năm 11.500 trước Công Nguyên - dấu mốc mà các nhà khảo cổ học thường sử dụng để đánh dấu sự khởi đầu các nền văn minh vĩ đại của loài người.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi khám phá này đã gây ra những tranh luận dữ dội. Cho tới nay, các tài liệu liên quan tới kim tự tháp cổ nhất thế giới này vẫn còn chưa rõ ràng. Nếu mọi chuyện sáng tỏ, thậm chí giới chuyên gia phải viết lại lịch sử cho giai đoạn tiền sử, đồng thời làm sáng tỏ một nền văn minh cổ đại cực kỳ bí ẩn.