(HNMCT) - Đến Vĩnh Long, vùng đất trù phú của Đồng bằng sông Cửu Long, du khách có cơ hội khám phá cuộc sống của người dân vùng sông nước, miệt vườn, ghé thăm “vương quốc lò gạch” Mang Thít - điểm check-in độc đáo, di sản mang đậm dấu ấn thời gian và bản sắc văn hóa của vùng đất này.
Toàn cảnh “vương quốc lò gạch” Mang Thít.
“Vương quốc” của những lò gạch
Nằm giữa hai con sông Tiền, sông Hậu quanh năm bồi đắp phù sa nên đất đai ở Vĩnh Long khá màu mỡ, đặc biệt là nguồn cát sông và đất sét có trữ lượng dồi dào đã mang lại cho nơi đây nguồn tài nguyên lớn để phát triển nghề làm gạch, gốm. Cùng với đó, nhờ hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo nên mạng lưới giao thông thuận lợi nên nghề sản xuất gạch, gốm đã phát triển từ đầu thế kỷ XIX, chủ yếu tập trung tại huyện Mang Thít, nơi được mệnh danh là “vương quốc lò gạch”.
“Vương quốc lò gạch” Mang Thít nằm ven sông Cổ Chiên hiền hòa. Từ xa đi thuyền lại, du khách có thể thấy những lò gạch có hình dáng tựa như những mái vòm khổng lồ - kiểu kiến trúc thường thấy ở các công trình kiến trúc Hồi giáo, nằm san sát nhau, kéo dài hàng chục kilômét. Mỗi lò gạch cao từ 7 - 12m, có kiến trúc hình tháp tròn, to ở trụ móng và thuôn dần lên tới đỉnh, được gắn kết bằng hàng chục nghìn viên gạch thẻ xếp chồng lên nhau tạo thành công trình kiến trúc độc đáo.
Gạch, gốm Mang Thít có mẫu mã phong phú, có nét riêng nhờ nguồn đất sét đặc biệt và nét tinh hoa được hình thành từ tri thức dân gian của ba dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa. Sản phẩm chủ yếu là các loại gạch ống, gạch tiểu, ngói âm dương và các loại đồ gốm trang trí sân vườn, nội thất được xuất khẩu sang nhiều nước. Trong giai đoạn hưng thịnh, mỗi gia đình ở Mang Thít đều có từ 2 - 5 lò gạch, mang lại công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động trong vùng. Tuy nhiên, từ những năm 2000, nghề nung gạch dần suy thoái do nhu cầu của thị trường giảm, chi phí sản xuất cao cùng với những yêu cầu khắt khe về môi trường. Do đó, nhiều gia đình đã phá dỡ lò gạch và chuyển hướng kinh doanh. Nghề làm gạch, gốm ở Mang Thít đứng trước nguy cơ mai một sau hơn một thế kỷ tồn tại và phát triển.
Đưa vùng di sản trở thành điểm đến hấp dẫn
Mặc dù không còn hưng thịnh như xưa nhưng một số gia đình Mang Thít hiện vẫn duy trì sản xuất, giữ nghề truyền thống. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, trong tổng số 1.424 lò gạch, có 877 lò vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu và 547 lò đã phá dỡ một phần hoặc chỉ còn phế tích. Tuy nhiên, không gian cảnh quan cùng bản sắc văn hóa đậm đặc của Mang Thít vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Nhiều khách du lịch tìm đến Mang Thít để tham quan, tìm hiểu lịch sử làng nghề và lưu lại những bộ ảnh độc đáo. Anh Nguyễn Thế Hùng, du khách trẻ đến từ quận 5 (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi và bạn bè lên kế hoạch đến Mang Thít từ lâu. Chúng tôi yêu vẻ cổ kính, trầm mặc của làng nghề cùng những lò gạch với kiến trúc vô cùng độc đáo này. Càng khám phá, chúng tôi càng cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo không giống bất cứ nơi nào khác của “Vương quốc lò gạch”. Người dân nơi đây cũng là những người kể câu chuyện lịch sử làng mình vô cùng cuốn hút, khiến chúng tôi muốn quay lại và giành nhiều thời gian hơn cho nơi này”.
Những năm qua, lượng khách du lịch đến Mang Thít ngày càng tăng. Ý thức được đây là “kho báu” cần đánh thức, tỉnh Vĩnh Long đã có kế hoạch bảo tồn di sản đương đại có giá trị và phát triển làng nghề trở thành điểm đến du lịch thu hút khách. Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa và hệ sinh thái địa phương, tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt xây dựng Đề án Di sản đương đại Mang Thít. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa nhằm xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch khu vực với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo đó, Vĩnh Long sẽ dừng phá dỡ các lò gạch, bảo vệ nguyên trạng, xây dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật, du lịch, dịch vụ dựa trên khối công trình di sản lò gạch và nhà xưởng; lập quy hoạch tổng thể định hướng cho toàn bộ vùng di sản gồm vùng đệm, vùng lõi và vùng trung tâm lõi di sản. Phạm vi của vùng di sản rộng khoảng 3.060ha và một phần vùng đệm di sản khoảng 5.000ha. Đề án được thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030. Với tầm nhìn và sự đầu tư như vậy, Đề án Di sản đương đại Mang Thít sẽ là “cây đũa thần” góp phần bảo vệ và “đánh thức” giá trị của “Vương quốc lò gạch” Mang Thít.