Tại buổi lễ đón nhận bằng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, bà Phan Thị Thắng đánh giá cao những nỗ lực của UBND quận Bình Thạnh và Ban quản lý lăng Lê Văn Duyệt trong việc duy trì, kế thừa việc tổ chức “Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt” hằng năm một cách chỉn chu, bài bản. Việc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là một niềm tự hào, vinh dự chung của cả thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng (phải) trao Quyết định và Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Khai hạ - Cầu an” (Ảnh: VGP/Lê Anh).
Bà Phan Thị Thắng đề nghị Sở Văn hóa và thể thao, Sở Du lịch và các cơ quan liên quan tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản này để phục vụ đời sống tinh thần cho người dân và trở thành sản phẩm du lịch - văn hóa đặc sắc, hấp dẫn của Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó xây dựng và tổ chức các chương trình quảng bá di sản trong nước và quốc tế để lăng Tả quân Lê Văn Duyệt trở thành điểm đến đặc trưng không thể thiếu khi đặt chân đến thành phố.
Vào tháng 4/2022, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã ký quyết định công nhận Lễ hội Khai hạ - Cầu an là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dựa vào đề xuất của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Sau Lễ hội Nghinh ông ở huyện Cần Giờ và Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5. lễ hội Khai hạ - Cầu an trở thành di sản thứ 3 của thành phố được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ Khai hạ - Cầu an được tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm tại Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt hay còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Lễ hội được chia thành nhiều phần khác nhau như: hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn.
Mỗi năm, lễ hội này đều thu hút hàng ngàn người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương Nam Bộ về dự. Tại lễ hội, người dân thường xin ấn Tả quân về treo trong nhà để nhắc nhở con cháu noi gương, học tập phẩm chất chính trực, công bằng của Đức Tả quân và cũng để cầu mong một năm thuận buồm xuôi gió.
Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 - 1832) là một nhà chính trị, quân sự, tham gia phò tá Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với quân Tây Sơn. Ông cũng là một trong “Ngũ hổ tướng” thành Gia Định với 2 lần làm Tổng trấn Gia Định thành, được đánh giá là người có công lớn trong việc phát triển vùng đất Nam bộ. Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ là bà Đỗ Thị Phận được xây dựng năm 1948, thường gọi là lăng Ông Bà Chiểu. |
Tuồng cung đình Huế - di sản văn hoá nghệ thuật sáng giá của dân tộc
Có thể nói đối với các hình thái nghệ thuật cung đình, tuồng cung đình Huế là một hiện tượng phát tích rực rở trong truyền thống kịch hát dân tộc.
Tuần lễ Văn hóa - Chợ tình Phong lưu tại Cao Bằng
Đến Bảo Lạc trong dịp từ 7 – 10/9/2022, du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động thú vị trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa – Chợ tình Phong lưu.