Bỏ việc đi
xuyên Việt
Nguyễn Thị Thu Hiền (22 tuổi, quê Thái Bình) đam mê xê dịch và ấp ủ một chuyến phượt xuyên Việt 3 năm trước.
Năm 2021, Hiền xin nghỉ việc để bắt đầu hành trình nhưng bị trì hoãn bởi dịch Covid-19. Cô về quê khoảng 5 tháng, đợi tình hình ổn định sẽ bắt đầu chuyến đi. Tuy nhiên, dịch phức tạp và kéo dài, cô lên Hà Nội tiếp tục làm việc, đau đáu về hành trình của tuổi trẻ.
Tháng 5/2022, Hiền quyết định nghỉ việc lần 2, sẵn sàng thực hiện kế hoạch luôn mong muốn. Gia đình và người thân ủng hộ Hiền, bởi từ trước đến nay họ luôn để cô tự lập và không can thiệp vào những lựa chọn của con gái.
Cô gái trẻ bỏ việc, một mình đi xuyên Việt gần 2 tháng (Ảnh: NVCC).
Cô gái trẻ dự định lên đường cùng một người bạn đồng hành. Tuy nhiên, do một số chuyện ngoài ý muốn, người này đã không thể tham gia. Hiền đã khá băn khoăn "nên đi hay dừng lại". Cô suy nghĩ, "nếu không thể tìm được bạn đồng hành, hãy cứ đi. Bởi khi đến nơi, bạn sẽ thấy họ ở đó".
"Đây là chuyến đi mình mong chờ từ lâu, không thể bị lụi tàn thêm một lần nữa nên mình đã quyết định độc hành", Hiền xem hành trình này như thử thách với bản thân mà cô cần phải vượt qua.
Sau 3 năm ấp ủ, hồi tháng 5/2022, Hiền chính thức lên đường một mình xuyên Việt (Ảnh: NVCC).
Tư trang đơn giản, Hiền lên đường khám phá Việt Nam (Ảnh: NVCC).
Trước khi xuyên Việt, Hiền đã khám phá gần hết khu vực Tây Bắc nên lần này dành trọn cho cung đường miền Trung-Nam. Đầu tháng 5, cô xuất phát từ Hà Nội, chia làm 29 chặng, điểm cuối là huyện Kbang (tỉnh Gia Lai).
Hiền không tham khảo trước lịch trình, chọn đi theo đường ven biển hướng Mũi Cà Mau và ngược lại Tây Nguyên, hạn chế Quốc lộ 1. Nếu một mình đi đường Tây Nguyên, cô sử dụng google maps ở chế độ vệ tinh, xem trước hướng đi và dự liệu trên đường có nhà dân hay không, căn chỉnh thời gian để tránh di chuyển khi trời tối do khu vực này rất nguy hiểm.
Về hành trang, 10X sử dụng một balo to đựng "cả thế giới" và một túi nhỏ để vật dụng cần thiết (ví tiền, sạc dự phòng, điện thoại). Hiền khuyên không nên dùng vali vì khó chằng dây trong quá trình di chuyển. Cô mang 4 bộ quần áo, kèm áo mưa, cố gắng tối giản nhất có thể, mua thêm bột giặt tiện giặt giũ trên đường.
Đặc biệt, cô gái trẻ còn mang theo bộ dụng cụ sửa xe cơ bản, phương tiện vá xe và một chiếc bơm. Trước khi bắt đầu, Hiền đưa xe máy đi bảo dưỡng, chú trọng phanh xích và nhớt, trên đường cứ 1.000km bảo dưỡng một lần.
Có lần, xe máy bị cán đinh ngay giữa đoạn đường vắng ở miền Tây, xung quanh không có khu dân cư, cô đã sử dụng bộ dụng cụ và tự tay vá săm xe.
"Bố từng dạy mình cách vá săm xe đạp nên mình cũng áp dụng tương tự với xe máy và đã thành công", Hiền nhớ lại.
Gần 2 tháng độc hành, Hiền chinh phục 60 tỉnh/thành (Ảnh: NVCC).
Những trải nghiệm của tuổi trẻ rất quý giá với Hiền (Ảnh: NVCC).
Đầu tháng 7, Hiền kết thúc hành trình tại Gia Lai sau 53 ngày và 5.600km, chinh phục 60 tỉnh, thành. Có những ngày, cô di chuyển 300-400km, quên cả nắng gắt ngày hè.
Mỗi nơi đặt chân đến, cô thường lưu trú một đêm, nhiều thì 3-4 đêm. Mức giá thuê phòng đều được Hiền gọi trước một ngày cho chủ nhà để thương lượng, trung bình 100.000 đồng/dorm (nhiều phòng) và 150.000-200.000 đồng/phòng đơn.
Chuyện ăn uống với Hiền cũng vô cùng đơn giản, trên đường "có gì ăn nấy", chọn những quán bình dân không sợ bị chặt chém.
Tổng chi phí cho toàn bộ chuyến đi khoảng 25 triệu đồng. Đây là khoản tiền cô tiết kiệm từ trước đó.
Hiền check-in với mũi Cà Mau (Ảnh: NVCC).
Hiền tại đảo Phú Quý hồi cuối tháng 5 (Ảnh: NVCC).
Độc hành xuyên Việt
: "Không phải cứ một mình là sẽ cô đơn"
Kết thúc hành trình không tưởng, Hiền nói quyết định lần này là đúng đắn, vì trong chuyến đi được trải nghiệm rất nhiều điều thú vị, gặp gỡ nhiều người "có cùng tần số". Để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, cô tự chụp ảnh bằng tripod hoặc nhờ người dân chụp hộ.
"Không phải cứ một mình là sẽ cô đơn", Hiền nói. Cô thường trò chuyện và kết bạn với người dân tại mỗi tỉnh, thành, từ trạm dừng chân đến quán ăn. Đây cũng chính là kỷ niệm đáng nhớ nhất trên hành trình này.
Qua 29 chặng, Hiền ấn tượng nhất là cung đường Tây Nguyên bởi cảnh đẹp hùng vĩ, trải nghiệm hiking (đi bộ đường dài) tại Thác K50 - được mệnh danh là nàng thơ của đại ngàn Tây Nguyên. Trước đó, cô cũng hiking tại Mũi Đôi (Cực Đông), Tà Năng - Phan Dũng.
"Dù độc hành nhưng mình không sợ hãi và lo lắng. Mình luôn giữ tinh thần lạc quan để cảm nhận chuyến đi tuyệt vời nhất", Hiền tâm sự.
Cô gái trẻ chinh phục cung hiking Tà Năng - Phan Dũng (Ảnh: NVCC).
Hình ảnh "bí ẩn" của Hiền tại Thác K50 Tây Nguyên (Ảnh: NVCC).
Hiền sẽ quay về với cuộc sống thường nhật, tìm việc làm mới và sẵn sàng kiếm tiền cho hành trình tuổi trẻ sắp tới (Ảnh: NVCC).
Cô gái 22 tuổi tự hào vì bản thân đã làm được điều mà trước đó từng nghĩ là không thể, chỉ cần đủ đam mê và khát khao chinh phục. Hiền nhận ra, đừng để thứ vô hình nào đó ngăn cản sở thích của bản thân, điều khiến mình hạnh phúc nhất là đã làm được những điều mình thích.
"Đi du lịch một mình, buồn có, cô đơn cũng có, nhưng sẽ là gia tài quý báu của tuổi trẻ, mà dù có vô số tiền cũng không thể nào mua nổi. Điều quan trọng, Việt Nam mình đẹp lắm, đang chờ các bạn trẻ ngắm nhìn, cảm nhận và chinh phục", cô hứng khởi.
Dự định sắp tới, Hiền sẽ xin việc và đi làm trở lại, tiếp tục tiết kiệm cho những hành trình tuổi trẻ tiếp theo. "Nếu bạn còn đi, hành trình sẽ kéo dài mãi mãi. Đừng dừng lại khi bản thân còn đủ khả năng'', cô nhắn nhủ.