(Tổ Quốc) - Du lịch Đà Nẵng đang phục hồi mạnh mẽ sau COVID-19 nhưng còn thiếu các tour ra biển, dưới nước, trên mặt nước; thiếu hoạt động giải trí về đêm; thiếu nhiều sự kiện tầm cỡ như Lễ hội pháo hoa quốc tế cũng như các dịch vụ sang trọng, trong đó có du thuyền…
Để thu hút du khách, Đà Nẵng dự kiến tiếp tục khai thác mô hình thí điểm bãi biển đêm Mỹ An, khu vui chơi giải trí Dana Beach, khu phố du lịch An Thượng; đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả tuyến du lịch đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn; hỗ trợ doanh nghiệp đưa vào hoạt động sản phẩm dù lượn Sơn Trà, hoạt động vui chơi giải trí dưới nước tại khu vực bán đảo Sơn Trà và khu vực tuyến biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa…
Khách du lịch vui chơi, tắm biển Đà Nẵng.
Du khách muốn có thêm nhiều dịch vụ giải trí
Những ngày tháng 6/2022, chị Nguyễn Thị Thúy Diễm (45 tuổi), từ Hà Nội đưa hai con vào Đà Nẵng nghỉ hè. Gia đình chị lưu trú 1 tuần tại một khách sạn trên đường Loseby (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà).
Ngoài việc tắm biển, đi Bà Bà, Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, thăm Ngũ Hành Sơn, xem cầu Rồng phun lửa vào tối thứ 7, gia đình chị Diễm không biết đi đâu vào buổi tối.
Ông Lê Văn Thắng (51 tuổi) cùng vợ và một số bạn học cũ từ Đồng Nai ra Đà Nẵng lưu trú tại một khách sạn trên đường Bạch Đằng (quận Hải Châu). Buổi tối, cả đoàn thưởng thức hải sản, đi dạo trên đường Bạch Đằng ngắm sông Hàn về đêm, xem cầu Rồng phun lửa.
"Chúng tôi muốn xem một chương trình nghệ thuật đặc sắc nhưng không có chương trình nào dịp này. Đà Nẵng là thành phố du lịch mà thiếu các hoạt động giải trí về đêm thì thật tiếc", ông Thắng bày tỏ.
Anh Nguyễn Quang Đông cùng nhóm bạn vừa tốt nghiệp đại học, từ TPHCM ra Đà Nẵng nghỉ hè trước khi nhận công việc. Nhóm gồm 5 người đã đi tour trực thăng ngắm thành phố, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương, đến Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) trải nghiệm du lịch sinh thái, nhưng sau 21 giờ thì không biết đi đâu nữa.
Anh Thắng cũng bày tỏ mong muốn Đà Nẵng khai thác thêm tiềm năng du lịch biển, chẳng hạn cần có các tour ra biển, dưới nước, trên mặt nước để du khách trẻ như anh có dịp khám phá…
4 mảnh ghép cho bức tranh du lịch
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, mới đây đã nói rằng hoạt động giải trí về đêm là một trong những mảnh ghép mà Đà Nẵng còn thiếu và cần để du lịch phát triển nhanh hơn, hấp dẫn hơn.
Theo ông Dũng, Đà Nẵng hiện thiếu show ban đêm. Hàng Châu (Trung Quốc) có show Tống Thành, Hội An (tỉnh Quảng Nam) có "Ấn tượng Hội An", nhưng Đà Nẵng chưa có show nào đủ đẳng cấp để khách đến xem buổi tối. Bên cạnh đó, các trung tâm mua sắm lớn về đêm cũng chưa có.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, mảnh ghép thứ hai là cần có thêm sản phẩm vươn ra biển cho du khách như các tour ra biển, dưới nước, trên mặt nước…
"Cần khai thác hệ sinh thái ra ngoài vịnh quanh bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, Làng Vân, Bãi đá đen, Cát Vàng, Tiên Sa, Bãi Nam… Các tour ra biển, dưới nước, trên mặt nước… hầu như chưa có, mà chỉ có các sản phẩm trên bờ biển. Đây là sản phẩm du lịch mà Đà Nẵng còn thiếu để có thể cạnh tranh với các điểm đến du lịch biển khác", ông Dũng nói.
Cầu Rồng phun lửa vào tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần phục vụ khách du lịch.
Ở mảnh ghép thứ ba, ông Dũng mong muốn Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều sự kiện như Lễ hội pháo hoa quốc tế để bổ sung vào chuỗi hoạt động và thu hút thêm nhiều du khách. Theo ông, với những sự kiện tầm cỡ như thế, cần vừa phối hợp nguồn lực Nhà nước, vừa xã hội hóa từ các nhà đầu tư lớn, thương hiệu lớn để họ đăng ký hằng năm.
"Một mảnh ghép mà tôi muốn đề cập nữa là cần có thêm các trải nghiệm sang trọng khác. Hiện đã có tour trực thăng, cần đưa thêm nhiều dịch vụ sang trọng nữa, trong đó có du thuyền. Đà Nẵng phải sản xuất được du thuyền, phải có trung tâm du thuyền", ông Dũng đề xuất mảnh ghép thứ tư.
Thách thức làm mới chính mình
Để nắm bắt cơ hội từ làn sóng du lịch sau đại dịch, Đà Nẵng đang đứng trước thách thức làm mới chính mình, làm sao duy trì sức hấp dẫn trong mắt du khách, xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống. Đó là trăn trở của lãnh đạo Đà Nẵng cùng các sở, ngành, khi thành phố này đã vươn mình thay da đổi thịt sau 25 năm trực thuộc Trung ương.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, không giấu niềm tự hào khi Đà Nẵng được khẳng định trên bản đồ du lịch thế giới là điểm đến hấp dẫn với các danh hiệu do các tạp chí thế giới, công ty du lịch thế giới bình chọn. Bà Hạnh cũng đề cập việc Đà Nẵng cần đạt đẳng cấp và sự khác biệt.
"Để đạt được đẳng cấp và sự khác biệt này, chắc chắn ngành du lịch và các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa, cần sự phối hợp đồng bộ hơn, cùng vào cuộc…", bà Hạnh nói.
Kể từ khi "mở cửa bầu trời" từ tháng 3/2022 đến cuối tháng 6/2022, Đà Nẵng đã đón 286 chuyến bay quốc tế với 35.000 lượt khách. Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng doanh thu dịch vụ lưu trú quý II/2022 gấp 2,8 lần so với cùng kỳ.
Những con số nói trên minh chứng sự phục hồi du lịch mạnh mẽ của Đà Nẵng sau COVID-19. Song, vẫn còn nhiều điều phải làm để Đà Nẵng đã đẹp sẽ còn đẹp hơn, đã đáng đến sẽ còn đáng đến hơn nữa.
Trả lời câu hỏi Đà Nẵng đang có những gì và đang cần những gì để có thể kiến tạo diện mạo mới, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Đà Nẵng không chỉ là điểm đến, mà phải là điểm đến hàng đầu.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Đà Nẵng cần phát triển kinh tế đêm để gia tăng sức hút, tăng sức chi tiêu của khách du lịch, tương xứng với tiềm năng phát triển… Và muốn là điểm đến hàng đầu, nhất định phải phát triển du lịch toàn diện từ du lịch biển, du lịch núi, đến du lịch sông nước, giải trí…
"Đà Nẵng nổi tiếng với Bà Nà, Cầu Vàng. 2-3 năm nữa Cầu Vàng tất nhiên vẫn "hot". Nhưng dăm năm tới, nếu vẫn chỉ có chừng đó thứ ở Bà Nà thì người ta không muốn lên Bà Nà nữa, và người ta thấy Đà Nẵng vẫn thế", chuyên gia kinh tế này nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần làm mới cả những điểm đã cũ, tạo nhiều sản phẩm trải nghiệm mới ở những điểm vốn đã quá quen. "Có như thế khách mới trở lại, chứ không để họ đến một lần rồi thôi. Thêm nhiều trải nghiệm nghĩa là rút ví của khách được nhiều hơn. Thế thì đáng làm lắm chứ!", ông Thiên nhấn mạnh.
Nhiều du khách bày tỏ mong muốn Đà Nẵng khai thác thêm tiềm năng du lịch biển, chẳng hạn cần có các tour ra biển, dưới nước, trên mặt nước để họ có dịp khám phá…
Hiểu được những gì vẫn còn thiếu để hoàn thiện bức tranh du lịch, ngành du lịch Đà Nẵng đang nỗ lực thu hút khách và làm mới các sản phẩm. Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, dự kiến trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục phát triển các mô hình thí điểm; đưa vào tuyến thủy nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp đưa vào hoạt động sản phẩm dù lượn Sơn Trà và các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước tại khu vực bán đảo Sơn Trà, khu vực tuyến biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa; khai thác các tours ẩm thực đặc sắc...
Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ đăng cai tổ chức giải Golf phát triển châu Á - Asian Development Tour (đầu tháng 9); tổ chức chuỗi chương trình "Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022" (Enjoy Danang Summer Festival 2022, từ ngày 11/6 đến 15/8); tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM Đà Nẵng 2022 (tháng 12)…
Đức Hoàng