Trang Chủ > Du lịch > Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang

Quân đội nhân dân
04/09/2022 01:10:44

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9-2022, một số bạn văn ở thành phố mang tên Bác hẹn nhau đi khám phá những miền đất mới để tìm cảm hứng sáng tạo. Nhà thơ, cựu chiến binh, doanh nhân Phạm Thanh Long, người có nhiều duyên nợ với vùng đất giồng Càng Long bên bờ sông Cổ Chiên, nói: “Muốn tìm một nơi nguyên sơ sắc thái khẩn hoang thì các ông theo tôi đi Cồn Hô. Đó là vùng đất “5 không”: Không đường bê tông, không điện, không trường, không trạm, không khói bụi công nghiệp. Cuộc sống của bà con gắn bó với ruộng vườn, văn hóa sinh hoạt vẫn là đèn dầu, quạt mo…”.

Lạ nhỉ! Chẳng lẽ chỉ cách TP Hồ Chí Minh có 120km, cách trung tâm tỉnh Trà Vinh hơn 40km mà lại có một vùng đất “lạc hậu” đến như thế? Chúng tôi tò mò và háo hức lên đường ngay.

Non 3 tiếng đồng hồ ngồi ô tô, từ TP Hồ Chí Minh qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, chúng tôi tới con đường liên xã thuộc địa bàn xã Đức Mỹ, huyện Càng Long. May mắn được anh Nguyễn Tấn Khải (Út Khải), Chủ tịch UBND xã Đức Mỹ cùng với vài người dân địa phương dẫn chúng tôi qua Cồn Hô trên một chuyến đò.

Con đò, bến đò, cách lên xuống đò và cả ông lái đò… đều rặt chất sông nước của thời khai khẩn. Hoang sơ, chông chênh, rổn rảng, hài hước… Sông Cổ Chiên rộng mênh mông! Cồn Hô xanh mênh mông! Ngồi trên đò ra với Cồn Hô có cảm giác như trên một chuyến tàu ra đảo giữa biển cả mênh mông. Cảm giác lâng lâng say sóng là có thật!

Cồn Hô là một cù lao được hình thành bởi phù sa tích tụ hàng trăm năm giữa dòng Cổ Chiên. Nó giống như bãi giữa sông Hồng ở Hà Nội vậy. Cái khác là thổ nhưỡng ở đây là hành trình bồi lắng của bùn, qua hơn 300 năm làm nên một mảng xanh trù phú. Nhìn từ trên cao, Cồn Hô có hình dáng như con cá hô khổng lồ bơi ra hướng biển nên nó được người dân bản địa gọi là Cồn Hô.

Cũng có người thì bảo, sông Cổ Chiên ngày xưa có nhiều cá hô, loài cá nước lợ có hình dáng như cá chép, màu đỏ, kích thước khổng lồ, con lớn nhất có thể nặng tới cả tạ. Nghề săn cá hô của ngư phủ thời xưa cũng hấp dẫn chả khác gì cưỡi sóng biển khơi đi săn cá ngừ đại dương ngày nay.

Theo dân gian truyền miệng thì từ lâu, lâu lắm rồi, có một “cụ” cá hô to như cái xuồng ba lá, bị chết, trôi dạt vào cái cồn này. Người dân tổ chức an táng cho “cụ”, coi đó là “thần ngư”, rồi lấy tên “cụ” đặt cho cù lao này.

Xưa, Cồn Hô hoang vu, chỉ rặt dừa nước, loài cây hợp với thổ nhưỡng vùng đất phèn mặn. Đâu mấy chục năm trước, người ta đào đất, be bờ, làm thành tuyến đê bao vượt lên chiều cao con nước lớn, ngăn chặn xâm nhập mặn. Thế là Cồn Hô nên ruộng, nên vườn, rồi dựng nhà, lập ấp, rồi các hộ gia đình sinh con, đẻ cái... Đến nay, nhiều gia đình đã phát triển đến thế hệ thứ 4-5…

Có sức người, Cồn Hô hết hoang vu, nhưng cũng từ khi có bóng người, có những nếp nhà mọc lên thì Cồn Hô rơi vào… hoang hoải. Thế kỷ 21, văn minh công nghiệp ào lên như thác. Khắp nơi bê tông hóa, điện - đường - trường - trạm. Ngay cả xã ven sông Đức Mỹ cũng đã chuẩn nông thôn mới rồi. Thế mà Cồn Hô vẫn hoang hoải lắm! Đời sống của mấy chục hộ gia đình ở đây năm này qua năm khác không điện, không đường bê tông, không trường, không trạm, không có bất cứ dịch vụ gì… Đời sống văn hóa rặt chất khẩn hoang, quạt mo, đèn dầu, cầu khỉ...

Thế là cấp ủy, chính quyền địa phương phải tính. Kéo điện ra thì không được rồi. Chả có sức đâu mà làm được tuyến đường dây tải điện vượt sông. Bắc cầu ư? Càng khó! Lòng sông sâu mấy chục mét, rộng thênh thênh hơn nửa cây số, lại gần cửa biển, cầu nào mà bắc cho được!

Thế rồi, trong cái khó ló cái khôn. Văn minh công nghiệp ở đâu chả có. Nhưng cái chất hoang dã của văn minh khai khẩn thì hiếm lắm. Đem bán cái hiếm ấy đi, đem bán cái thiếu ấy đi, đem cái hoang sơ hoang hoải ấy mà quảng bá, mà mời gọi, mấy “ông Tây, bà Tây” lại chả khoái à? Thế là mô hình du lịch tự thân ra đời.

Tự thân, nghĩa là sự trải nghiệm của cái tự nó vốn có, không hiện đại, không làm thay. Du khách đến đây để được tìm về với thiên nhiên, ruộng vườn, về với không gian văn hóa khẩn hoang, thưởng thức ẩm thực khẩn hoang...

Những hộ dân được ngành du lịch tỉnh mời các chuyên gia phát triển du lịch từ TP Hồ Chí Minh về tập huấn nghiệp vụ du lịch sinh thái. Họ chập chững bước vào cái nghề mà xưa nay chưa ai làm ở đây. Dẫu còn vụng về, còn chắp vá, nhưng mô hình nông dân làm du lịch sinh thái ở Cồn Hô không thể nói là không thú vị.

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-1

Cồn Hô là một cù lao nằm giữa dòng sông Cổ Chiên, do phù sa bồi lắng cả trăm năm.

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-2

Ra Cồn Hô chỉ có phương tiện duy nhất là đi đò.

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-3

Bến sông con đò gối bãi, nét hoang hoải ở Cồn Hô.

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-4

Những nếp nhà tranh bình dị…

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-5

… cùng những căn chòi bên bờ sông, là những hình ảnh, chất liệu để phát triển du lịch…

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-6

… theo hình thức “du lịch tự thân”…

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-7

Du khách tự thân trải nghiệm, khám phá Cồn Hô…

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-8

Với những dịch vụ mang sắc thái khẩn hoang.

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-9

Gần gũi với thiên nhiên, ruộng vườn.

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-10

Bên ánh đèn dầu leo lét trong đêm.

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-11

Những con đường đất nhỏ bé.

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-12

Xanh mát bóng cây.

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-13

Những người nông dân quen chân lấm tay bùn tập làm du lịch.

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-14

Tập chăm sóc khách hàng bằng những sản phẩm cây nhà lá vườn.

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-15

Chế biến ẩm thực theo phong cách khẩn hoang.

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-16

Ví dụ trứng gà nướng rơm…

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-17

Hay mâm cỗ ngũ sắc…

Cồn Hô, sắc thái khẩn hoang-18

Mang đến cảm giác thích thú cho du khách.

Bài, ảnh: TÙNG SƠN – THANH LONG