TTO - Chiều, con gái nấu nồi canh chua lá giang với thịt gà. Con gà ta và một cuộn lá giang của người bạn ở Tân Uyên, tỉnh Bình Dương gởi tặng.
- Canh lá giang giải nhiệt, nấu cá cơm, thịt bò
- Lá giang thương nhớ
- Lá giang thương nhớ
Đứa cháu đem con gà qua chợ Phạm Văn Hai nhờ chỗ bán gà làm thịt giùm. Cháu nói: "Chờ làm con gà chừng 15 phút, họ chỉ lấy có 20.000 đồng".
Thịt gà cho vào nồi có phi thơm tỏi, sả, ớt, đảo đều khoảng 5 phút để thịt săn chắc lại - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Con gà ta mang về được con gái rửa sạch, chặt miếng nhỏ vừa ăn rồi tuần tự chế biến. Trước hết phi thơm tỏi, sả, ớt.
Đến khi hỗn hợp dậy mùi thơm, cho thịt gà vào đảo đều khoảng 5 phút để thịt săn chắc lại, rồi tiếp tục cho một lượng nước đủ dùng vào nồi, đun sôi hỗn hợp trong nồi khoảng 30 phút đến khi thịt mềm, nêm nếm vừa ăn (đường, muối, hạt nêm và chút nước mắm).
Lá giang từ từ bỏ vào khi nồi nước sôi - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Sau đó, cho lá giang vào, lá giang đã rửa sạch, bóp nát cho ra nước chua, tiếp tục đun sôi thêm 5 phút nữa cho đều vị và thấy lá giang từ màu xanh lá chuyển sang màu cỏ úa là tắt bếp.
Cuối cùng, cho thêm ít rau nêm và một vài lát ớt vào nồi canh chua thơm ngon.
Lá giang chuyển sang màu cỏ úa là nồi canh chua nấu xong - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Nhìn con gái nấu nồi canh chua lá giang làm tôi nhớ nồi canh chua lá giang của ngoại tôi hồi thời thơ ấu, những năm 1950, 1960 ở quê nhà.
Hồi đó, canh chua lá giang là món thường xuyên trong mâm cơm không chỉ ở nhà tôi, mà nhiều nhà trong xóm cũng vậy.
Mỗi lần muốn nấu canh chua lá giang, bà ngoại đưa tôi mấy đồng, sai tôi xuống chợ Bưng Cầu mua hai con khô cá hố bán trong tiệm tạp hóa của chú Ba Tàu.
Khô cá hố rất thông dụng nên không chỉ bán ở các sạp khô mắm ở ngoài chợ, mà trong tiệm tạp hóa cũng có bán.
Người ưa nhậu nhẹt chiều chiều cũng thích tụ tập lại mua vài ba con khô cá hố, nướng lên, chấm nước mắm me cũng uống được vài xị rượu đế. Nhà nào cơm chiều thiếu thức ăn thì mua khô cá hố về kho, chiên, nấu canh vừa nhanh vừa rẻ tiền.
Khi đi xuống chợ, tôi cầm theo cái rổ nhỏ, lúc về ghé vào bờ rào, gò mối của nhà bà con lối xóm xin rổ lá giang. Lá giang trong xóm nhiều lắm, dây lá giang tự mọc rồi bò lên thân cây, bờ rào, gò mối. Ai cũng muốn cho hái vì để lá già, rồi vàng úa, rụng cũng bỏ phí.
Tôi thường ghé cục gò mối bên giếng nước nhà chú Ba Trơn ở bên kia đường xin hái lá giang vì lá giang ở đây gần nước nên tươi tốt hơn. Tôi chỉ cần hô to: "Cho xin nắm lá giang nghen chú Ba". Nói vậy rồi hái, trong nhà cũng không có ai ơi hỡi trả lời. Người trong nhà nhìn ra thấy là biết rồi.
Khô cá hố đem về để lên bếp lửa nướng cho vàng, cho thơm rồi ngoại tôi chặt ra nhiều khúc dài cỡ lóng tay, bỏ vào nồi nước nấu cho sôi. Khi thấy nước trong nồi sôi lên, khô cá hố cũng mềm thì bà bỏ lá giang đã rửa sạch, bóp nhỏ cho ra nước chua vào nồi.
Chờ vài phút khi lá giang đã chuyển màu thành cỏ úa thì bà bưng nồi canh xuống, cho thêm vào một ít cọng rau thơm tôi mới ngắt trong vườn và vài lát ớt mới xắt.
Vậy là ngoại tôi đã nấu xong nồi canh chua lá giang với khô cá hố. Nồi canh có vị chua của lá giang, vị mằn mặn của khô cá hố thành vị ngọt thanh.
Tô canh chua lá giang, kèm theo món cá kho mặn và dĩa rau dền luộc cũng hái ngoài ruộng vườn, vậy là đủ cho bữa cơm chiều ngon lành.
Tôi đã lớn lên bên ngoại với những bữa cơm đạm bạc như vậy ở quê nhà...
NGUYỄN CÔNG THÀNH