Dòng suối Sàng Mà Pho, thuộc xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu nằm tít trên dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Nơi đây không chỉ là một điểm du lich lý tưởng mà còn là nơi sản sinh ra loài cá vô cùng quý hiếm, là đặc sản độc nhất vô nhị chỉ có ở đây. Đó là loài cá đắng.
Cá đắng là đặc sản độc nhất vô nhị chỉ có ở dòng suối Sàng Mà Pho
Loài cá này không chỉ đặc biệt ở nơi sinh sống mà nó còn có vị đặc rất lạ, thường những loài cá khác ruột sẽ có vij đắng nhưng cá này thịt của nó cũng rất đắng, được coi là một vị thuốc đại bổ mà thiên nhiên ưu đãi mới có. Người dân nơi đây còn gọi chúng là cá sâm.
Về đặc điểm bên ngoài, loại cá đắng có kích thước bé, chỉ bằng ngón tay hoặc nhỉnh hơn một chút. Thoạt nhìn, cá đắng trông giống giống cá bống nhưng là loài cá có vẩy và trông như chú cá trôi nhỏ, vây của chúng có sọc đỏ, bụng mầu trắng đến vàng, còn ở lưng thì màu đen óng.
Anh Vàng A Của (người Mông ở bản Sin Súi Hồ) cho biết, các cụ kể rằng ngày xưa có những khe núi chảy qua những trảng bạt ngàn cây hoàng liên (một loại cây thuốc quý) nên nước khe, rêu đá cũng có vị đắng và đặc biệt có một loại cá ăn thứ rêu đá, nước khe ấy nên thịt cũng có vị đắng. Người dân ở đây coi nó là "lộc trời", là món thương phẩm chỉ dùng để đãi khách quý. Mỗi lần mời khách, cũng chỉ có một con bằng ngón tay người.
Loài cá này cực kỳ hiếm, chỉ có ở độ cao trên 2000m, nguồn nước quanh năm giá lạnh.
Theo anh Của, muốn đến được khe suối này phải đi xe máy vào rừng sâu mất cả tiếng đồng hồ. Mấy năm trước, thương lái phía Trung Quốc vào tận xã, tận bản đặt mua. Loài cá đắng rất khôn nên khó mà câu được, hơn nữa hiện nay số lượng loài cá này sụt giảm nên việc cắn câu là rất ít. Nếu dùng lưới thì có thể bắt được nhưng phải xua cá từ các hang, hốc đá ra mà với một khe suối hiểm trở như nơi này thì hầu như không thể. Muốn bắt được cá đắng phải làm theo cách của người Mông...
Theo đó, cá đắng cả đời nó chỉ chui trong hốc đá tối tăm, không bao giờ chịu ló đầu ra. Chỉ có cách duy nhất bắt nó, là khiến nó say
Cá đắng là món đặc sản để đãi khách quý
Người Mông sử dụng một loại bột vỏ cây hòa vào dòng suối tạo thành màu đỏ thẫm như máu để làm cho cá say. Chỉ vài phút sau khi nước vỏ cây ngấm khắp lòng suối mặt nước bắt đầu quẫy động và đầu tiên là những chú cá mút đá ngoi nhao lên khỏi mặt nước trước.
“Loại nhựa cây này vừa dễ tìm, dễ làm, độc tính không cao nên không mang tính chất tận diệt, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn cá, khi nước trong trở lại cá sẽ hồi tỉnh", anh Của giải thích.
Cận cảnh cá đắng sau khi chế biến
Ruột cá đắng thì là chuyện thường tình, nhưng thịt cá đắng thì chỉ có loài cá ở Hoàng Liên Sơn mới có. Khi cắn miếng cá sẽ thấy vị đắng thanh mát của thịt, sau đó vị ngọt nhanh chóng tan vào miệng, rất hấp dẫn.
Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/loai-ca-la-ten-rat-dac-biet-xua-co-day-nay-vo-cung...
Theo HÀ ANH (Người đưa tin)