- Mong muốn lan tỏa nhiều hơn món ăn Việt Nam đến bạn bè nước ngoài, Khánh Vy từ một người tốt ngành chuyên ngành kiến trúc, cơ duyên lại se tơ cô với căn bếp và công việc nấu ăn.
Vực lại gia đình sau biến cố bằng căn bếp nhỏ
Hoàng Khánh Vy (SN 1989), hiện đang là giáo viên part time dạy tiếng Việt cho trung tâm ngoại ngữ tại Nhật Bản, vận hành trang bán hàng và 2 trang viết khác chia sẻ về ẩm thực, trao đổi quanh việc nuôi dạy con.
Trước khi sang Nhật, Khánh Vy từng có thời gian làm việc trong mảng giáo dục sớm và yêu thích nấu ăn, viết lách. Chính vì điều này, công việc hiện tại của cô luôn làm trong trạng thái thoải mái “không giống như công việc mà chỉ là làm theo sở thích thôi”.
Năm 2017, chồng của Khánh Vy đáp chuyến bay đến đất Nhật, sau đó hơn 1 năm, tháng 4 năm 2018 cô cũng bay sang cùng chồng bắt đầu cuộc sống mới nơi đất khách quê người.
Sau hơn 4 năm, vợ chồng Khánh Vy đang ổn định cuộc sống ở Okayama, miền Trung Nhật Bản, gần với Kobe và Hiroshima. Trước đây, Khánh Vy từng có thời gian cung cấp dịch vụ Couchsurfing cả ở Việt Nam và Nhật Bản. Tuy nhiên, sau biến cố gia đình và dịch bệnh cộng đồng lắng xuống, tới nay Vy vẫn hy vọng khách du lịch sẽ trở lại để bản thân tiếp tục con đường này.
Chia sẻ về cơ duyên nhen nhóm tình yêu với căn bếp nhỏ, Khánh Vy không ngần ngại nhắc đến biến cố gia đình. Vy cho biết: “Cách đây hơn 3 năm ba mẹ mình sang Nhật thăm 2 vợ chồng mình trong một tuần và chuyến đi định mệnh đó đã kéo dài bất tận không có ngày trở lại”.
Được biết, sau bữa ăn tối trước khi về Việt Nam, bố của Vy nôn nhiều và mất kiểm soát. Sau khi nhờ được sự trợ giúp của hàng xóm để gọi cứu thương tới bệnh viện cấp cứu, cả gia đình Vy nhận được hung tin bố đang nguy kịch và chỉ có 5% qua khỏi. Đến sáng hôm sau thấy bố vẫn ổn định, cô tưởng sóng gió đã qua, nhưng bất ngờ bác sĩ báo tin: “Bố mình sẽ bị liệt không hồi phục được, không lên máy bay được và nếu muốn duy trì tính mạng phải phẫu thuật nhưng không đảm bảo 100% thành công và chi phí hơn 2 tỷ."
Với 2 vợ chồng trẻ đây là món tiền vượt sức, quá sức tưởng tượng với cả ba mẹ, Vy cho biết thời điểm đó cả nhà đã nghĩ đến chuyện liên hệ lò hoả thiêu.
“Nguyên tắc của viện Nhật là không để bệnh nhân mất nên bất kể làm cách nào viện vẫn sẽ tiếp tục duy trì điều kiện chăm sóc đặc biệt cao nhất cho ba mình ở phòng ICU” , Vy nhớ lại.
Sau 2 tuần vật vã, may mắn đã mỉm cười với Khánh Vy và gia đình, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, Vy xoay sở đủ giấy tờ để có bảo hiểm cho bố mẹ. Tiền viện phí vì thế cũng giảm đến ⅓. Sau 8 tháng, trải qua cuộc phẫu thuật, đủ điều kiện ra viện Vy và chồng lại đôn đáo tự thuê nhà, tính toán lắp đặt để đủ đáp ứng điều kiện sinh sống của người khuyết tật, xin cho ba được ra viện sớm.
Vy tâm sự: “Suốt những tháng chìm trong mệt mỏi và nước mắt đó, bên cạnh công việc, mình chỉ nghĩ đến nấu ăn, làm đủ mọi món. Mình cảm thấy thư giãn khi nhào bột bánh mì, khi nhìn bánh nở trong lò và ngửi mùi hương bánh mới quyện vào không gian. Ở trong bếp và loay hoay mướt mải mồ hôi, là cách mà mình lựa chọn để thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực vào lúc đen tối này”.
Tự hào về ẩm thực Việt Nam, ước mơ lan tỏa văn hóa dân tộc trên đất Nhật
Khi vừa tốt nghiệp ngành kiến trúc, “ma xui quỷ khiến” Khánh Vy chọn con đường bán món ăn vỉa hè đình đám là răng mực. Thời gian dài bán từ ngoài đường đến các hội chợ cô gái tiết kiệm tiền nhất có thể. Vừa làm bếp chính vừa kiêm đi chợ, đôi lúc dạt xuống rửa bát phụ hoặc chạy bàn, giữ xe bất đắc dĩ, có ngày đang bán thì đến tiết dạy cũng chạy đi dạy rồi quay lại xào xào nấu nấu.
“Thời điểm đó mình vất vả, cực khổ nhưng rất vui. Chẳng biết vì sao mà ông lò cứ vận vào người như vậy” , Vy chia sẻ.
Đến khi sang Nhật Bản, Vy hay đón bạn bè qua nhà chơi, đôi khi là hàng xóm, không biết từ bao giờ cô yêu thích việc nấu các món ăn cho mọi người thưởng thức. Khánh Vy nấu đa dạng từ các món nước: bún, phở, hủ tiếu đến các món ăn chơi như bánh flan, chè, bánh dứa…
“Mọi người đều rất thích thú vì lần đầu biết được cách chế biến khác của một loại nguyên liệu, ví dụ người Nhật chỉ nghĩ thơm (dứa) là một loại trái cây ăn trực tiếp và họ vô cùng bất ngờ khi mình nấu thơm trong các món ăn hay làm thành món nước như một dạng cocktail…”, cô gái tiết lộ.
“Cô bạn Nhật của mình mê đồ Việt đến mức rủ rê bạn khác sang nhà mình và “khoe” từ phở đến bún bò, bánh flan bí đỏ…còn đề xuất mình làm buổi hướng dẫn nấu các món ăn Việt để cô ấy rủ thêm bạn qua đăng ký tham gia. Điều đó cũng làm mình thực sự mong ngóng đến ngày có thể đầu tư đủ vốn liếng và kinh nghiệm để mạnh dạn thử sức trong mảng này”.
Công việc săn hàng sale, nhận order hàng về Việt Nam, không ít lần Khánh Vy nhận được yêu cầu về các món mà chỉ ở Việt Nam bán còn Nhật không có. Chính điều đó Khánh Vy luôn mong muốn bản thân sẽ tự nấu được các món ăn của nước Việt phục vụ mọi người trong khả năng.
Theo Vy, ẩm thực Việt Nam là một bức tranh đa dạng và độc đáo, tại Nhật không khó bắt gặp những quán ăn Việt mà chủ nhân lại mang quốc tịch Nhật Bản. Các bạn trẻ Nhật yêu thích món Việt ngày càng nhiều, đến mức trên tivi giới thiệu nhiều thực đơn hoặc nguyên liệu Việt, tuy vậy đa số lại không đúng với những gì người Việt hay nấu.
“Điều dễ thấy nhất là các bạn Nhật nhạy cảm cực kì với mùi, nên khi nấu mình sẽ gia giảm lượng gia vị” , Vy cho hay.
Cũng như nhiều người Việt khi sang Nhật, cô cũng hoang mang về nguyên liệu nấu. Sau nhiều lần thử nghiệm, Vy phát hiện nhiều nguyên liệu Nhật có thể thay thế để nấu món Việt, đồng thời không làm thay đổi vị quá nhiều, chưa kể còn có giá trị dinh dưỡng cao hơn, gần gũi nhất là mơ muối của Nhật, …
Khánh Vy chia sẻ: “Mình thích nấu ăn vì cảm giác hạnh phúc khi mọi người ăn ngon và vui vẻ với những trải nghiệm mới mà mình mang lại. Đối với người Nhật vốn dĩ rất bảo thủ và trung thành với những món đã có sẵn trong các cửa hàng tiện lợi (họ có thể ăn cùng một món suốt cả mấy mùa) nên việc chinh phục các khách khó tính này không phải là việc dễ dàng”.
Tuy nhiên, theo cô cơ hội để họ trải nghiệm món Việt nấu đúng cách chưa có nhiều, đây dần trở thành cơ hội cho Vy và những bạn yêu thích truyền tải văn hoá ăn uống Việt đến với đất nước mặt trời mọc.
Trong thời gian tới, cô gái gốc Việt có dự định tham gia học về an toàn thực phẩm để có chứng chỉ và bắt đầu thử nghiệm đầu tiên ở hội chợ buổi sáng tại khu vực Vy và chồng đang sống. Sau đó sẽ thực hiện bước tiếp theo với foodtruck và club hướng dẫn nấu một số món Việt cơ bản.
Với Khánh Vy, ẩm thực không chỉ là niềm tự hào của cô mà còn từng là tri kỷ, người bạn giúp bản thân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Đến thời điểm hiện tại, Vy đang hàng ngày cố gắng để thực hiện ước mơ của mình, đặc biệt là chung tay góp phần lan tỏa văn hóa ẩm thực Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Một số món ăn Việt được Khánh Vy nấu tại Nhật:
Ủ mắm qua 3 mùa:
Đối với cô nàng Khánh Vy, mỗi khi xa quê các món mắm sẽ gây thương nhớ và "nghiện" mạnh mẽ nhất. Chính bởi thế, ngay cả khi ở Nhật Khánh Vy thường tự ủ mắm và chế biến các món như: lẩu mắm (thay mắm cá sông), bánh căn, bún mắm nêm hay bánh hỏi…
Vy từng thử qua cá cơm và cá nục, kết quả cho thấy mắm nục béo hơn và có lớp màng mặt trên khá ngậy. Sau khi mua cá tươi ở chợ vào sáng sớm, Vy mang về nhà rửa sạch, trộn với muối theo tỷ lệ 5 cá: 4 muối. Sau đó, để hũ thuỷ tinh ngoài nắng cho chín cá, được biết hũ cá này được cô để từ hè năm ngoái đến nay cá đã thơm và ngon. Tuy nhiên, nếu nắng ở Việt Nam gắt, thời gian ủ cá sẽ nhanh hơn so với đất nước Nhật.
Trong quá trình ủ cá, với lượng cá ít (1-2kg) nên mở nắp 1 lần và đảo đều khi cá đỏ mình, vào thời điểm cá vẫn chưa rục. Khi cá đã rục, Vy đem xay mịn và lọc bớt xương, theo cô nếu nấu các món phục vụ bữa cơm nên cho thêm dứa, tỏi, ớt… nấu cùng để tăng hương vị.
Bún bò Phan Thiết:
Khác với bún bò Nam Bộ, Khánh Vy cho biết bún bò xào Phan Thiết có nước sốt nấu nóng chứ không trộn mắm nguội vào cuối cùng. Món ăn có phần nguyên liệu chính là thịt bò nên có tên gọi "bún bò xào". Vy chia sẻ: "Vị của món bún bò xào kiểu Phan Thiết thực sự rất bắt, mặn - ngọt - chua - cay hoà quyện đủ cả, thêm vào rau thơm và đậu phộng bùi bùi càng gây nghiện hơn".
Nguyên liệu gồm có:
Thịt heo hoặc bò 500g
Sả 4-5 cây
Tỏi 1 củ
Ớt bột hoặc ớt trái
Hành tây 1-2 củ
Tương ớt, bột nêm, đường, mắm, giấm
Cà rốt, củ cải làm đồ chua ăn kèm
Rau sống, giá, dưa leo tuỳ thích
Chế biến:
Băm nhuyễn tỏi, sả, ớt nếu là ớt trái
Cắt mỏng hành tây, thái sợi dưa leo, cà rốt, củ cải
Ướp thịt với sả, tỏi, 1/2 hoặc 1/3 lượng ớt, bột nêm(2-3 tsp), dầu hào(2-4 tsp), đường(3-5tsp), để ngăn mát qua đêm.
Ngâm đồ chua
Pha nước xào thịt:
Mắm, giấm, nước lọc, đường tỷ lệ khoảng 2:1:4:1
Sau khi phi thơm tỏi và đảo thêm ớt cho lên màu đẹp sẽ cho hành tây, thịt đã ướp vào xào, đảo đều tay để các gia vị và thịt hòa quyện. Tiếp theo, nêm nước xào thịt đã pha, thêm tương ớt, hoặc mắm hay đường để vừa miệng, cuối cùng cho giá đảo vào đều và bày ra đĩa để thưởng thức.
Khi dùng, cho bún, thịt kèm hành tây và giá vào bát, rưới đều 1-2 và nước sốt đang nóng thêm đồ chua, ngò rí, đậu phộng trộn đều và thưởng thức. Theo Khánh Vy món này dùng với nước sốt vừa đủ ướt đều bún, không đẫm nước như bún phở và trọn vị hơn khi được ăn kèm nem chua.
Phương Nga
Ảnh: NVCC