Những ngày qua người dân nhiều nơi đặc biệt các tỉnh phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Phước… xôn xao về việc phải ký cam kết, nếu không tiêm vắc xin phòng Covid-19 và xảy ra dịch thì phải chịu trách nhiệm.
Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh địa phương này đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND Thành phố Thủ Đức, các quận, huyện tiếp tục thực hiện chiến dịch truyền thông vận động người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19 đến hết ngày 30/6.
Thành phố yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp và triển khai quyết liệt, đồng loạt để vận động mọi người dân đi tiêm vắc xin Covid-19 .
Đồng thời, các địa phương tiêm hết vắc xin đã được phân bổ, không để xảy ra tình trạng hủy vắc xin do hết hạn sử dụng.
Đáng lưu ý, trong văn bản này, TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu trường hợp người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh, báo cáo số lượng người dân không đồng ý tiêm về Sở Y tế ngay sau khi đợt cao điểm kết thúc để tổng hợp báo cáo UBND TPHCM.
PGS, TS Phan Trọng Lân trả lời tại buổi họp báo (Ảnh: Minh Quyết)
Tương tự, tại tỉnh Sóc Trăng, ngày 21/6, UBND huyện Mỹ Xuyên có văn bản thông báo về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 4. Trong đó huyện thông báo nếu người dân không chấp hành việc tiêm mũi 4 đề nghị UBND các xã, thị trấn thực hiện biện pháp: không cho phép người chưa tiêm mũi 4 ra khỏi nơi cư trú; không được tham gia nơi công cộng...
Được biết ngay sau đó huyện đã gửi đi một thông báo thay thế và yêu cầu hoàn thành tiêm chủng trước ngày 30/6.
Sở dĩ các địa phương phải đặt ra cam kết này là do có tình trạng người dân không còn mặn mà với việc tiêm vắc xin mũi 4.
PGS. TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thừa nhận, người dân còn lơ là đã tiêm mũi cơ bản, do đã mắc nên chưa đồng thuận đi tiêm. Hiện còn dư 15 triệu liều vắc xin đến hạn 30/6.
Vậy câu hỏi được đặt ra là việc yêu cầu người dân ký cam kết có đúng hay không?.
Trả lời nội dung này, tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế năm 2022 vào chiều 27/6, PGS. TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, tiêm vắc xin là yêu cầu phòng dịch, đó đó mỗi người dân cần đi tiêm đầy đủ, đúng lịch, đúng liều.
“Điều này cũng nhằm thực hiện cam kết nghĩa là cam kết giữa 2 bên trong việc thực hiện trách nhiệm của mình, thể hiện vai trò cao hơn nữa- vắc xin là chiến lược trong phòng chống dịch. WHO cho rằng đây là chiến lược trong giai đoạn mới. Thế nên cam kết thể hiện trách nhiệm của các bên là cần thiết, đặc biệt vai trò của chính quyền, người dân trong hoạt động phòng chống dịch” , PGS. TS Phan Trọng Lân cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng tác dụng vắc xin Covid-19 suy giảm theo thời gian. Vì vậy việc tiêm chủng nhắc lại là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên việc tiêm chủng phải dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân.
Theo ông Phu, việc cần làm là đẩy mạnh truyền thông, vận động người dân, cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh để người dân tự nguyện tiêm chủng, bảo vệ chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
“ Tôi cho rằng không có thay đổi trong biện pháp phòng bệnh, chủ yếu vẫn là vắc xin và dự phòng cá nhân nhưng phải linh hoạt.
Về vắc xin, tôi cho rằng đây vẫn là biện pháp hữu hiệu. So sánh 2 đợt dịch ở miền Nam và miền Bắc, bằng giờ này năm ngoái số mắc tử vong cao do chưa tiêm, nay đã thay đổi. Do đó, mục tiêu tiêm để không nặng, không quá tải và không tử vong”, ông Phu cho hay.
>> Xem thêm: Vì sao Bộ Y tế và chuyên gia khuyến cáo cần tiêm mũi vaccine mũi 3, mũi 4?