Chỉ trong vòng 2 tuần gần đây, bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận tới gần 100 trường hợp tới khám do xuất hiện triệu chứng của cúm A.
Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa cấp cứu, bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.
Về mặt lý thuyết, cúm A là bệnh lý thường xuất hiện vào mùa đông, khi thời tiết lạnh. Tuy nhiên, thực tế năm nay đang cho thấy số lượng người mắc cúm A tăng lên sớm hơn, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền. Đáng nói, một số trường hợp còn diễn biến nặng, nguy kịch.
Đã xuất hiện ổ dịch
Thông tin với
Zing
, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết mới đây đã tiếp nhận cùng lúc 20 trường hợp là công nhân tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh, có độ tuổi từ 20 đến 30, tới khám do có triệu chứng cúm giống nhau.
“Tất cả bệnh nhân này đều có biểu hiện sốt, đau họng, hắt hơi. Sau khi test nhanh, hầu hết đều cho kết quả dương tính với cúm A”, bác sĩ này nói.
Qua khai thác thông tin, những người này cho hay trong khu công nghiệp nơi họ đang làm việc có rất nhiều trường hợp xuất hiện triệu chứng tương tự. Theo ước lượng của bệnh nhân, con số phải lên tới hàng trăm người.
Một ngày sau đó, bác sĩ Huyền tiếp tục thăm khám cho hơn 10 trường hợp trẻ em là người thân của nhóm công nhân này, cũng với các biểu hiện của cúm A.
Theo Trưởng khoa Khám bệnh, khoảng 2 tuần gần đây, số lượng bệnh nhân cúm A tới khám tại bệnh viện tăng cao với tổng cộng gần 100 trường hợp. Trong số này, bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp diễn biến nặng.
Cụ thể, đó là một bệnh nhân nam, 65 tuổi, được xác định mắc cúm A sau khi lây từ người nhà. Người đàn ông này sau đó diễn biến nặng, xuất hiện tình trạng viêm phổi và đang phải theo dõi điều trị.
Tương tự, bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa cấp cứu, bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng thông tin vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 78 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội, mắc cúm A diễn biến nặng.
bệnh nhân nữ diễn biến nặng do cúm A hiện phải thở máy. Ảnh:
BVCC
.
Bác sĩ này cho hay: “bệnh nhân nhập viện trong diễn biến bệnh ở ngày thứ 3. Bà ho nhiều, đờm trắng, sốt 39 độ C, nôn nhiều, khó thở nhẹ và mệt mỏi. bệnh nhân được chỉ định suy hô hấp, viêm phổi nặng do cúm A”.
Sau một ngày điều trị, bệnh nhân khó thở tăng, thở gắng sức, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) giảm còn 83%. Các bác sĩ buộc phải đặt ống nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy.
Thông tin thêm, tiến sĩ Văn Đình Tráng, phụ trách khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay trong số 100 mẫu bệnh phẩm được đưa tới khoa trong thời gian qua, có tới 60% dương tính với cúm A.
Dễ nhầm lẫn với Covid-19
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng, bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhắc tới cúm, chúng ta buộc phải phân biệt rõ giữa 2 bệnh cảnh là cảm cúm, cảm lạnh thông thường và bệnh do virus cúm. Với cúm A, đây là tình trạng xảy ra do virus cúm A gây nên.
“bệnh do virus cúm thường gặp vào mùa lạnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phải tiếp nhận nhiều ca nhiễm virus cúm với các biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên. Đáng lưu ý trong số này, chúng tôi có gặp cả những bệnh nhân là phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ”, bác sĩ Thư cho hay.
Lý giải vấn đề này, vị chuyên gia cho rằng cúm A thường gặp ở thời tiết lạnh nhưng với những nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, bệnh lý này có thể xảy ra ở tất cả thời điểm trong năm.
Các bệnh nhân cúm A được theo dõi và điều trị tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới. Ảnh:
BVCC
.
Virus cúm có 3 loại gồm cúm A, cúm B và cúm C. Về mặt triệu chứng lâm sàng, bác sĩ Thư cho hay chủ yếu là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Một số biểu hiện người bệnh có thể gặp phải là sốt cao, đau mỏi người, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, sổ mũi.
“Ở các bệnh nhân diễn biến nặng, chúng ta có thể gặp triệu chứng của viêm phổi. Với bệnh cảnh lâm sàng này, bệnh nhân cần được chẩn đoán phân biệt với Covid-19. Đây là việc đầu tiên chúng ta phải làm do triệu chứng lâm sàng của 2 bệnh rất giống nhau, chủ yếu là nhiễm trùng đường hô hấp”, vị chuyên gia nói.
Ngoài ra, người bệnh và bác sĩ điều trị phải phân biệt cúm A với các bệnh cảm lạnh thông thường cũng như những loại virus khác, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Do là bệnh lây qua đường hô hấp, bác sĩ Thư khuyến cáo để phòng tránh cúm A, người dân nên duy trì thói quen đeo khẩu trang, vệ sinh đường mũi họng, chủ động nâng cao sức đề kháng và tiêm phòng cúm hàng năm.
Liên quan bệnh lý này, bác sĩ Trần Văn Bắc cho hay cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp trên gây ra bởi virus cúm, các đợt bùng phát được dự báo theo mùa và xuất hiện hàng năm. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là các chủng cúm A (cúm A H3N2, cúm A H1N1), ngoài ra còn do virus cúm B và cúm C.
Các bệnh nhân trẻ tuổi cúm A thường có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, với người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, hô hấp, trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh có tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong cao hơn.
"Khi bị mắc cúm, tỷ lệ bị viêm phổi do cúm ở người lớn có thể lên tới 4-8%. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% số ca viêm phổi, chủ yếu là người cao tuổi", vị chuyên gia thông tin.
Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh đang có chiều hướng lây lan rộng, vị chuyên gia cho rằng những người có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi cấp tính nên hạn chế tiếp xúc với người cao tuổi, có nhiều bệnh nền.
Ông nhấn mạnh: “bệnh cúm A rất dễ lây nhưng khó phòng ngừa, nhất là trong quá trình người dân di chuyển bằng các phương tiện công cộng, làm việc trong môi trường kín, tập trung đông người như nhà máy, xí nghiệp, trường học...”.
Từ đây, bác sĩ Bắc khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng cúm A sớm, khi dịch bệnh năm nay đến sớm hơn bình thường. Việc làm này giúp giảm bớt mức độ nặng của bệnh.
“Hàng năm, chúng ta hay tiêm vaccine phòng cúm trước mùa đông. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh hoành hành ngay từ mùa hè. Do đó, mọi người nên tiêm vaccine sớm và chủ động tiêm định kỳ hàng năm. Miễn dịch của chúng ta thay đổi theo năm, vaccine cũng được cập nhật theo các biến chủng của cúm”, ông nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng lưu ý thêm nhóm có bệnh về phổi như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, tim mạch,... cũng cần chủ động tiêm chủng vaccine do có nguy cơ trở nặng cao.
Trong trường hợp không may xuất hiện các triệu chứng của cúm A như sốt, đau họng, chảy nước mũi, mệt, đau đầu, ớn lạnh, đau mỏi toàn thân, bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền khuyến cáo mọi người nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị phù hợp.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế:
bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C.
bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.
Tuy nhiên, đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân thực hiện tốt các lưu ý sau:
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
tiêm vaccine cúm mùa. Đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Nguồn Tin: