Theo Bộ Y tế , tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể, giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19 , giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19. Những người được tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-COV-2.
Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy những người tiêm liều nhắc được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả lên đến 67,6%.
Việc tiêm nhắc là rất cần thiết, khi WHO lưu ý: Với biến chủng Omicron , hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh, do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây. Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Cũng cần lưu ý, mặc dù số mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, tâm lý chủ quan, lơ là bắt đầu xuất hiện ở một bộ phận người dân, đơn vị. Nhiều địa phương không đạt tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 như yêu cầu và xuất hiện tình trạng do dự, né tránh tiêm vaccine. Do đó, tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 ở người từ 18 tuổi trở lên mới đạt khoảng 67% và 31%.
Cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động tham gia tiêm mũi nhắc vaccine phòng COVID-19
Trong khi đó, biến thể phụ mới BA.5 của biến chủng Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, chính vì vậy, nếu khả năng suy giảm miễn dịch trong cộng đồng, cùng với việc chủ quan, lơ là trong tiêm vaccine và các biện pháp phòng, chống thì sẽ có nguy cơ cao bùng phát dịch trở lại.
“Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, hiệu quả bảo vệ của các mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian, trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và hiện đang xuất hiện các biến chủng mới. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo, tiêm vaccine nhắc lại mũi 3, mũi 4 để ngăn ngừa và phòng, chống dịch COVID-19 là hết sức quan trọng”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng Hương, hiện số lượng vaccine mà Bộ Y tế tiếp nhận đủ để sử dụng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng. Chính vì vậy, các bộ, ngành cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn để tổ chức triển khai tiêm chủng cho cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Theo Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã tiêm được hơn 233 triệu liều vaccine phòng COVID-19 với tỷ lệ bao phủ liều cơ bản ở người từ 12 tuổi trở lên, đạt xấp xỉ 100%. Kết quả tiêm vaccine đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, nhất là ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển nặng, nhập viện và tử vong, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tiêm mũi nhắc vaccine phòng COVID-19 giúp ngăn chặn dịch bùng phát trở lại
Riêng trong 2 tháng qua, cả nước ghi nhận 130.462 ca mắc COVID-19, 63 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc là 0,05%). Số mắc mới mỗi ngày hiện còn dưới 700 ca (thấp nhất trong 12 tháng qua).
Trong 30 ngày qua, tỷ lệ chết/mắc COVID-19 là 0,02%, trong đó, số ca mắc giảm 4,5 lần và số ca tử vong giảm 10 lần so với tháng trước đó. Cả nước có 24/30 ngày qua không ghi nhận ca mắc COVID-19 tử vong.
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều nước, trong khi tốc độ tiêm vaccine ở Việt Nam còn chậm
Thủ tướng: Vaccine vẫn là vũ khí quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19