Trang Chủ > Sức khỏe > Xử trí khi bị rắn độc cắn, hạn chế tỉ lệ tử vong cao

Xử trí khi bị rắn độc cắn, hạn chế tỉ lệ tử vong cao

Lao Động
07/09/2022 11:32:42

Không nên chủ quan khi bị rắn cắn

Việt Nam là đất nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa nên hệ sinh thái động, thực vật vô cùng đa dạng. Trong suốt nhiều năm qua rất nhiều trường hợp bị rắn độc tấn công ngay cả khi đang sinh hoạt trong nhà.

Mới đây, bệnh nhi C (13 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) đang chìm vào giấc ngủ sâu khoảng 3h sáng, bất ngờ bị rắn cắn vào đùi, người cha đã nhanh tay bắt được con rắn và nhìn những vân trắng đen của con rắn, gia đình đã biết là rắn cạp nia. Vết cắn nhỏ trên đùi, nhưng chỉ 1 tiếng sau bệnh nhi C đã bắt đầu “xụi lơ”.

Tự chữa tại nhà không được, gia đình đã tức tốc đưa em đến Bệnh viện Thống Nhất (Đồng Nai), sau đó lại chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cấp cứu. Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, gia đình được thông báo Bệnh viện Chợ Rẫy đã hết huyết thanh trị nọc độc rắn cạp nia nên chuyển bệnh nhi sang Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cấp cứu.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Chúng tôi nhận được thông báo của phòng dược trong kho còn 5 lọ huyết thanh đa giá có thể cứu bệnh nhi nên tức tốc bệnh nhi được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị. Lúc bệnh nhi qua, hai đồng tử đều giãn, gần tử vong. Sau khi hội chẩn khẩn cấp và quyết định cho bệnh nhi sử dụng 5 lọ huyết thanh đa giá cuối cùng, bệnh nhi đã có dấu hiệu cử động trở lại. Lúc đó, chúng tôi mới thở phào vì bệnh nhi sống rồi”.

Hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, dù là tuyến cuối của phía Nam nhưng cũng còn mỗi huyết thanh kháng độc rắn lục.

Xử lý đúng khi bị rắn cắn

Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, trong trường hợp không có huyết thanh kháng độc thì phần lớn bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, đa phần khi bị rắn cắn bệnh nhân sẽ bị những rối loạn tổn thương đa cơ quan, khi này các bác sĩ sẽ hỗ trợ điều trị các tổn thương này. Ví dụ, khi bị rắn cạp nia cắn, nếu không có huyết thanh kháng độc, bác sĩ sẽ hỗ trợ bệnh nhân thở vài tuần, khi độc lực của rắn hết tác dụng, bệnh nhân có thể phục hồi nhưng rất chậm và nguy cơ để lại di chứng cao hơn. Nhưng đa phần, nếu không có huyết thanh kháng độc tỉ lệ tử vong rất cao.

Hiện nay, có thể nhận ra được một số loại rắn độc thường gặp dựa vào các đặc điểm đặc trưng bên ngoài của rắn: rắn hổ mang (khi chuẩn bị tấn công thì cổ bạnh, phát âm thanh đặc trưng), rắn cạp nong (thân mình 'khúc vàng khúc đen'), rắn cạp nia (thân mình 'khúc trắng khúc đen'), họ rắn lục (đầu to hình thoi hoặc tam giác).

Theo BS.CKI Hồng Văn In - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TPHCM), khi bị rắn tấn công, ngay lập tức phải di chuyển nạn nhân ra xa khỏi tầm hoạt động của con rắn. Sau đó, người xung quanh cần trấn an người bị rắn cắn, giữ tâm lý bình tĩnh, hạn chế cử động, bất động chi bị cắn bằng nẹp nhằm để làm chậm sự lây lan của nọc độc.

Nếu thấy người bị rắn cắn có đeo đồ trang sức thì cần được tháo bỏ và nới lỏng quần áo nhằm tránh gây chèn ép làm sưng vết thương. Sau đó, tiếp tục quan sát và điều chỉnh tư thế cho vùng bị rắn cắn nằm thấp hơn tim, ngay cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện. Cố gắng làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý.

Việc sơ cứu ngay này nhằm giúp loại bỏ bớt nọc độc và làm chậm sự dịch chuyển của nó từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể. Bảo vệ tính mạng của bệnh nhân, ngăn chặn và xử trí sớm các biến chứng trước khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế. Vận chuyển bệnh nhân một cách nhanh nhất, an toàn nhất đến cơ sở y tế.

Cũng theo các chuyên gia, tuyệt đối không sử dụng garô (băng gạc) điều này sẽ làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch; Gây đau và rất nguy hiểm, không thể duy trì lâu dài (thường là không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu nguy hiểm. Nhiều trường hợp phải cắt cụt chân tay vì garô. Ngoài ra, khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garô ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa tính mạng.

Không trích, rạch, châm chọc tại vùng vết cắn. Bởi các biện pháp này không có lợi ích rõ ràng và gây hại thêm cho bệnh nhân, tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh,… và có nguy cơ nhiễm trùng nặng thêm.

Không hút nọc độc vì không có lợi ích gì cho người bệnh. Nhiều người còn có hành động là chườm đá lạnh vào vết cắn, tuy nhiên việc này có thể gây hại cho nạn nhân.

Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo vì không có ích lợi. Khi đắp các loại này có thể gây nhiễm trùng, khi uống có thể gây hại cho nạn nhân. Đặc biệt, không nên cố gắng bắt hoặc giết rắn. Nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng và có hướng điều trị phù hợp.