Trang Chủ > Sức khỏe > Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà: Những điều cần lưu ý

Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà: Những điều cần lưu ý

Báo Quảng Ngãi
07/09/2022 08:21:35

(Báo Quảng Ngãi)- Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột từ 39 - 40oC, kéo dài từ 2 - 7 ngày kèm theo dấu hiệu có chấm xuất huyết, chảy máu cam, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau khớp hoặc đau tức vùng sườn bên phải... Có 70% bệnh nhân bị sốt xuất huyết có thể chăm sóc tại nhà.

TIN LIÊN QUAN
  • Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà
  • Video: Ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng dịch sốt xuất huyết

Bác sĩ Lương Văn Tuấn - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) lưu ý, khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà, đầu tiên người bệnh phải được thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Hơn nữa, để điều trị sốt cao, người nhà cần dùng các phương pháp vật lý như hạ nhiệt bằng các phương pháp lau mát, chườm ấm cho bệnh nhân; sau đó mới dùng các thuốc hạ nhiệt như Paracetamol đơn chất. Bên cạnh đó, nên cho người bệnh ăn nhẹ, dễ tiêu. Ngoài ra, người bệnh chỉ uống nước theo nhu cầu, không nên uống quá nhiều.

Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà: Những điều cần lưu ý-1

Người bệnh sốt xuất huyết cần được chăm sóc kỹ lưỡng, nếu có dấu hiệu bất thường nên đưa ngay tới cơ sở y tế. Ảnh: M.HIỀN

Việc xử trí đúng cách theo chỉ dẫn sẽ làm giảm các yếu tố nguy cơ gây biến chứng cho người bệnh. Tuy vậy, khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà cũng cần tránh một số sai lầm. Đó là, trong giai đoạn bị sốt, người bệnh cần được nghỉ ngơi hoàn toàn, hạn chế đi lại. Tốt nhất nên tạo điều kiện cho người bệnh nghỉ ngơi hoàn toàn cho đến khi hết sốt 1 - 2 ngày.

“Bệnh nhân không được tự ý truyền dịch tại nhà, vì có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe. Không tự ý dùng thuốc Paracetamol quá liều. Không nên ăn những thức ăn có màu đỏ và màu đen, vì khi bệnh nhân ăn những thức ăn này sẽ ảnh hưởng đến quá trình theo dõi bệnh nhân, không đánh giá được bệnh nhân xuất huyết hay không xuất huyết. Không nên chích lể, vì đây là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trầm trọng thêm cho bệnh nhân sốt xuất huyết”, bác sĩ Lương Văn Tuấn khuyến cáo.

Theo các bác sĩ, người bệnh có cơ địa đặc biệt cần được nhập viện để được chăm sóc chặt chẽ, như phụ nữ mang thai, trẻ dưới 1 tuổi, người béo phì, người cao tuổi, người bị bệnh tiểu đường, người bị bệnh về phổi, tim, gan, thận. Những trường hợp người bệnh không uống được, hoặc nôn quá nhiều trong nhiều giờ liền, cũng cần nhập viện để được sự hỗ trợ của y tế...

Khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết cần chú ý các dấu hiệu như nôn mửa nhiều, đau bụng, tay chân lạnh, môi tím, vã mồ hôi, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi cầu phân đen... Bởi đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh đã biến chứng nặng, người bệnh cần được đưa ngay tới cơ sở y tế.

Phòng bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể gây tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nhưng nếu phòng bệnh tốt thì có thể tránh được sốt xuất huyết. Để phòng bệnh sốt xuất huyết cần thực hiện các biện pháp sau: Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi vằn, như các dụng cụ chứa nước trong nhà (bể nước, chum, vại, thùng, lu, xô...) cần có nắp đậy; nhà nên có nhiều ánh sáng tự nhiên; dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; xung quanh nhà cần được phát quang. Thường xuyên tiêu diệt lăng quăng, vì không có lăng quăng thì không có muỗi. Nên mặc quần áo dài tay, đi tất, nhất là đối với trẻ em, người lớn khi đi làm ngoài vườn hoặc nơi có thể có muỗi; dùng các sản phẩm như bình xịt muỗi, vợt điện diệt muỗi, máy hút muỗi để tiêu diệt muỗi; tẩm hóa chất mùng (màn), rèm để diệt muỗi vằn; ngủ trong mùng...

K.LIÊN - M.HIỀN