Mới đây, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, chỉ trong 2 tháng vừa qua nơi này tiếp nhận 11 bệnh nhân bị cốt tủy viêm xương , gây hoại tử xương vùng sọ, hoại tử xương hàm trên rất nặng. Trong đó có 2 trường hợp đã tử vong, 6 bệnh nhân xin về. Ba bệnh nhân may mắn được cứu sống nhưng cũng phải cắt bỏ một phần xương sọ để xử lý hoại tử, nhiễm trùng nặng.
Đáng chú ý, tất cả trường hợp trên đều bị nhiễm Covid-19 trước đó, khiến dư luận đặt câu hỏi: Tình trạng hoại tử xương có phải là vấn đề "hậu Covid-19" hay không?
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ về 11 trường hợp bị hoại tử xương tiếp nhận gần đây (Ảnh: Hoàng Lê).
Nhiều bệnh nhân hoại tử xương từng nhiễm Covid-19
Ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng hoại tử xương vùng mặt.
Cụ thể, đại diện khoa Phẫu thuật hàm mặt của nơi này cho biết, trước dịch Covid-19, khoa đã tiếp nhận một số trường hợp hoại tử xương hàm dưới. Các trường hợp này thường là bệnh nhân ung thư vùng đầu mặt cổ sau xạ trị, một số khác do dùng thuốc điều trị loãng xương.
Riêng với xương hàm trên, trước đây khoảng 2-3 tháng mới có một trường hợp nhập viện, thường liên quan đến bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường. Tuy nhiên, từ tháng 2 đến nay, khoa Phẫu thuật hàm mặt, tiếp nhận tổng cộng 16 trường hợp hoại tử xương hàm trên. Trong đó, 3 bệnh nhân hoại tử lan đến sàn sọ phải chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật.
Trường hợp tử vong vì cốt tủy viêm xương nặng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Qua thống kê, bệnh viện xác định tất cả 16 bệnh nhân đều là bệnh người lớn, đều từng mắc Covid-19 và khỏi bệnh 1-3 tháng trước đó. Về triệu chứng, hầu hết bệnh nhân bị lung lay răng và xương hàm trên, có lỗ rò mủ, sưng đau vùng khẩu cái (vùng trần của miệng), hoặc có những vết loét và lộ xương hàm trên.
Để xử lý hoại tử hàm trên, bác sĩ sẽ phẫu thuật lấy hết xương hoại tử tới vị trí chảy máu. Mẫu mô xương hoại tử sẽ được cấy để tìm kiếm nấm, vi trùng và từ đó điều trị bằng kháng sinh phù hợp trong khoảng 3 tuần. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi khoảng 3-4 tháng, nếu bệnh không tái phát thì sẽ phẫu thuật phục hình hàm.
Bệnh nhân phải phẫu thuật, bỏ hoàn toàn xương hàm hoại tử (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Còn tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, nơi này chỉ tiếp nhận 3 trường hợp viêm đa xoang - viêm xương hàm trên, 2 trường hợp nấm xâm lấn gây viêm hủy xương hàm trên và đều có bệnh lý nền đái tháo đường - tất cả đều điều trị khỏi.
Một bác sĩ chuyên khoa Mũi xoang nhận định, sau dịch Covid-19 tình trạng cốt tủy viêm xương sọ mặt, xương hàm tăng lên, do bệnh nhân có hiện tượng tắc mạch máu nuôi xương, gây hoại tử và viêm xương.
Triệu chứng của bệnh này là sưng đau vùng má, đau buốt răng, chảy mủ hôi, giống dấu hiệu của viêm xoang do răng nên dễ chẩn đoán nhầm. Đã có trường hợp nhiễm nấm xoang và nấm trở nên xâm lấn, sau nhổ răng bệnh nhân bị mù mắt.
Biến chứng hiếm gặp
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc nhiễm Covid-19 có gây ra bệnh cốt tủy viêm xương hay không, khi những bệnh nhân công bố gần đây là "cựu F0", lãnh đạo Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho rằng, chưa đủ bằng chứng khoa học để kết luận có sự liên quan.
TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California (Hoa Kỳ) nhận định, dựa trên các tài liệu nghiên cứu từng được công bố, hoại tử xương là một trong những hội chứng "hậu Covid-19" hiếm gặp. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở xương trên mặt mà còn được ghi nhận xuất hiện ở những loại xương lớn khác trên cơ thể, như xương hông, đầu gối, vai, xương cùng và cột sống.
Ngoài vùng mặt, hoại tử xương có thể xuất hiện ở những loại xương lớn khác trên cơ thể (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Về nguyên nhân của hoại tử xương, TS Vũ phân tích, cũng như các mô khác trên cơ thể, mô xương cần được "nuôi bằng máu". Trong khối xương cứng có chứa rất nhiều mạch máu li ti để đưa máu đến cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho tế bào xương. Khi tắc nghẽn các mạch máu này sẽ dẫn đến các tế bào xương chết đi, làm cho mô bị hoại tử (còn gọi là hiện tượng "Avascular Necrosis").
Các kết quả nghiên cứu về các hiện tượng hoại tử xương do biến chứng hậu Covid-19 trên thế giới cho rằng, nguyên nhân chính có thể do sự hình thành các cục máu đông khi virus SARS-CoV-2 tấn công các tế bào thành mạch máu qua thụ thể ACE2.
Cụ thể, việc hư hại của các tế bào thành mạch máu (thường ở những bệnh nhân Covid-19 nặng), có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tập trung các tế bào miễn dịch, các tiểu cầu, Von Willebrand Factor (một glycoprotein gây đông máu), dẫn đến hiện tượng hình thành các cục máu đông.
Cơ chế hình thành cục máu đông trong mạch máu do virus SARS-CoV-2 (Ảnh: Chuyên gia cung cấp).
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng tỷ lệ xảy ra tình trạng đông máu hậu Covid-19 như: sử dụng các thuốc điều trị dạng corticoids quá dài, tình trạng nhiễm nấm, tiểu đường…
TS Nguyễn Hồng Vũ nhận định, dù hoại tử xương là biến chứng hậu Covid-19 nguy hiểm nhưng tỷ lệ xảy ra rất thấp. Do đó, người dân không nên tự đi làm các xét nghiệm đắt tiền như MRI, CT để kiểm tra, mà cần lắng nghe cơ thể mình.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu bệnh nhân sau nhiễm Covid-19 có dấu hiệu như đau dai dẳng ở các xương lớn, đột ngột không thể ngồi bắt chéo chân, thay đổi dáng đi (khập khiễng), đặc biệt ở những người từng là F0 nặng và sử dụng thuốc có thành phần corticoids điều trị trong thời gian dài, nên nghĩ đến tình trạng hoại tử xương để đi bệnh viện kiểm tra và can thiệp kịp thời, phù hợp.