Trang Chủ > Sức khỏe > Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội

Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội

Pháp luật và Xã hội
09/07/2022 10:04:45
Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội-1

Lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc họp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022

Chất lượng dân số phản ảnh tình hình phát triển kinh tế xã hội

Thực hiện Công văn số 349/TCDS-TTGD ngày 24/6/2022 của Tổng cục DS-KHHGĐ về việc hướng dẫn nội dung truyền thông nhân Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2022. Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7/2022, tại địa phương hướng đến việc tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

“Thực tế cho thấy, công tác dân số được xem là giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, và đất nước nói chung theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết số 21-NQ/TW); Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 29/01/2018 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW. Bởi vậy, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số, cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc” – ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.

Các hoạt động vận động, truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển sẽ tiếp tục được đơn vị đẩy mạnh, hướng đến các mục tiêu cụ thể: Chủ động duy trì mức sinh hợp lý, khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh – không lựa chọn giới tính thai nhi; tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh, tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân.

Nâng cao chất lượng dân số

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều năm qua công tác tuyên truyền, vận động nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn nên đi tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, trước hết là các đối tượng có nguy cơ cao, rất được quan tâm chú trọng. Qua đó, nhận thức của người dân về tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đã từng bước được nâng cao. Các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, cũng được đại bộ phận người dân thực hiện nghiêm.

“Cán bộ và cộng tác viên dân số đã tích cực đến từng địa phương, từng gia đình vận động thai phụ, sản phụ tham gia, thực hiện chương trình tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Giúp người dân nhận thức rõ về lợi ích, ý nghĩa của việc tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh. Tăng cường tuyên truyền và đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em gái trong điều kiện có thiên tai, dịch bệnh; tuyên truyền về tác hại của phá thai, giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên. Qua đó, chất lượng dân số cũng ngày càng được cải thiện rõ rệt” – ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi, nêu cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Truyền thông tạo dư luận phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi và ủng hộ người phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; tăng cường giáo dục về kỹ năng sống hiệu quả, giáo dục giới tính toàn diện chú trọng bình đẳng giới để trẻ em gái được an toàn và phát triển đầy đủ cả về thể chất và trí tuệ là điều cần thiết cho sự phát triển.

Ngoài ra, nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, công tác dân số tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng tích cực tuyên truyền các chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò người cao tuổi (NCT); khuyến khích NCT tham gia các hoạt động kinh tế-xã hội.

Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với NCT nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT. Tuyên truyền vận động, tạo phong trào cho NCT về việc thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, nâng cao kỹ năng tự chăm sóc và dự phòng rủi ro bệnh tật của NCT.

Hà Nội: Tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sơ sinh tăng dần qua các năm

Tỷ lệ sàng lọc trước sinh tại huyện Thường Tín đạt 85%

Dân số gia tăng trong đợt giãn cách phòng dịch, lãnh đạo Chi cục dân số Hà Nội nói gì?

Sỹ Hào