Viêm phổi ở người cao tuổi, nguyên nhân và cách phòng bệnh
SKĐS - Thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường nên người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm phổi.
Viêm phổi là căn nguyên gây tử vong, đứng hàng thứ 3 sau đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ viêm phổi mắc phải cộng đồng ở các nước đang phát triển cao hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển.
Ở Việt Nam, viêm phổi mắc phải cộng đồng là một bệnh lý nhiễm khuẩn thường gặp nhất trong các bệnh nhiễm khuẩn trên thực hành lâm sàng, chiếm 12% các bệnh phổi.
Viêm phổi mắc phải cộng đồng là tình trạng nhiễm trùng của nhu mô phổi xảy ra ở cộng đồng, bên ngoài bệnh viện, bao gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi.
Đặc điểm chung đều có hội chứng đông đặc phổi và bóng mờ đông đặc phế nang hoặc tổn thương mô kẽ trên phim X quang phổi. Bệnh thường do vi khuẩn, virus , nấm và một số tác nhân khác, nhưng không do trực khuẩn lao.
Nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi viêm phổi cộng đồng
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, trong đó các nguyên nhân gây viêm phổi thường gặp là: Streptococcus Pneumoniae, Haemophilus Influenzae, Staphylococcus Aureus, Moraxella Catarrhalis, Legionella Pneumophila, Chlamydia Pneumoniae, Mycoplasma Pneumoniae, trực khuẩn gram âm (Pseudomonas aeruginosae, E. Coli ...).
Các virus như virus cúm thông thường và một số virus mới xuất hiện như virus cúm gia cầm, SARS - Corona virus... cũng có thể gây nên viêm phổi nặng, lây lan nguy hiểm.
-
Viêm phổi: Dùng thuốc và cách phòng ngừa hiệu quả
-
Cách phân biệt ho do viêm phổi và cảm lạnh
Bệnh thường xảy ra vào mùa đông hoặc khi tiếp xúc với lạnh. Tuổi cao, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch là các yếu tố nguy cơ viêm phổi. Chấn thương sọ não, hôn mê, mắc các bệnh phải nằm điều trị lâu, nằm viện và có dùng kháng sinh trước đó, giãn phế quản... là các yếu tố nguy cơ viêm phổi do các vi khuẩn Gram âm và P. Aeruginosae.
Động kinh, suy giảm miễn dịch, suy tim, hút thuốc lá, nghiện rượu, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính , cắt lách, bệnh hồng cầu hình liềm là các yếu tố nguy cơ viêm phổi do S. Pneumoniae. Các trường hợp biến dạng lồng ngực, gù, vẹo cột sống; bệnh tai mũi họng như viêm xoang, viêm amidan; tình trạng vệ sinh răng miệng kém, viêm lợi dễ bị nhiễm các vi khuẩn yếm khí.
Viêm phổi do các virus (nhất là virus cúm) chiếm khoảng 10% các bệnh nhân. Các bệnh nhân viêm phổi virus nặng thường bị bội nhiễm vi khuẩn.
Các tác nhân gây viêm phổi có thể xâm nhập vào phổi theo các đường, trong đó có đường hô hấp:
- Hít phải vi khuẩn ở môi trường bên ngoài. Hít phải vi khuẩn từ ổ nhiễm khuẩn của đường hô hấp trên.
- Đường máu thường gặp sau nhiễm khuẩn huyết do S. Aureus, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm tĩnh mạch nhiễm khuẩn... Nhiễm khuẩn theo đường kế cận phổi (hiếm gặp): Màng ngoài tim, trung thất…
- Đường bạch huyết: Một số vi khuẩn (P. Aeruginosae, Klebsiella Pneumoniae, S. Aureus) có thể tới phổi theo đường bạch huyết, chúng thường gây viêm phổi hoại tử và áp xe phổi , với nhiều ổ nhỏ đường kính dưới 2cm.
Do sự xâm nhập và phát triển quá mức của vi sinh vật gây bệnh trong nhu mô phổi, kết hợp với sự phá vỡ các cơ chế bảo vệ tại chỗ, gây viêm và sản xuất dịch tiết trong phế nang.
Viêm phổi chủ yếu xảy ra ở một thùy phổi. Có thể gây tổn thương nhiều thùy khi vi khuẩn theo dịch viêm lan đến thùy phổi khác theo đường phế quản. Viêm có thể lan trực tiếp đến màng phổi , màng tim gây mủ màng phổi, màng ngoài tim. Mức độ nặng của viêm phổi phụ thuộc vào mầm bệnh và các yếu tố liên quan đến cơ địa người bệnh.
Viêm phổi mắc phải cộng đồng là một căn bệnh phổ biến.
Dấu hiệu nhận biết viêm phổi cộng đồng
Khi mắc phải viêm phổi cộng đồng người bệnh thường có các biểu hiện cấp tính trong vài ngày.
Biểu hiện điển hình là sốt cao , rét run, ho khạc đờm mủ, đau ngực kiểu màng phổi (nếu có tổn thương màng phổi).
Có biểu hiện hội chứng nhiễm trùng với đặc trưng sốt, môi khô, lưỡi bẩn... Trên bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân suy giảm miễn dịch các biểu hiện ban đầu của viêm phổi có thể không rầm rộ.
Biểu hiện hội chứng đông đặc (rung thanh tăng, gõ đục, rì rào phế nang giảm), có thể có nghe thấy ran nổ nếu tổn thương nhiều ở phổi.
+ Viêm phổi do tác nhân vi khuẩn điển hình: Phần lớn bệnh nhân sốt cao > 39 độ C, rét run kèm theo ho khan , lúc đầu ho khạc đờm mủ, có thể khạc đờm màu rỉ sắt và đau ngực vùng tổn thương. Tuy nhiên, người lớn tuổi có thể không có sốt; bệnh nhân có thể có biểu hiện tím tái, khó thở , nhịp thở nhanh > 30 lần/phút...
+ Viêm phổi do tác nhân vi khuẩn không điển hình: Phần lớn xảy ra trên người lớn tuổi và trẻ em với các triệu chứng âm thầm hơn bao gồm: Sốt nhẹ, đau đầu , ho khan, cảm giác mệt mỏi như triệu chứng nhiễm virus. Khám không rõ hội chứng đông đặc, thấy rải rác ran nổ. Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu cho thể bệnh.
Việc phòng bệnh viêm phổi là vô cùng quan trọng.
Cần làm gì để phòng bệnh viêm phổi cộng đồng?
Việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Các biện pháp dự phòng chung bao gồm:
Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng.
Điều trị quản lý tốt bệnh lý nền của bệnh nhân: Đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh gan thận mạn tính.
Loại bỏ những kích thích có hại: Thuốc lá, thuốc lào, bia rượu.
Giữ ấm cổ ngực trong mùa lạnh.
Gây miễn dịch bằng tiêm chủng vaccine chống virus, vi khuẩn.
Ngoài ra, cần xây dựng thực đơn ăn uống hàng ngày cân bằng và đầy đủ các chất dinh dưỡng , giúp tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao sức khỏe cho cơ thể. Luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, giúp tránh hít phải bụi bẩn, khói xe, không khí ô nhiễm…
Giữ nhà cửa luôn sạch sẽ để vi khuẩn, nấm mốc không có điều kiện sinh sôi, phát triển. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá hoặc tránh tiếp xúc với môi trường nhiều khói thuốc lá, khói bụi.
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi , tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
Tiêm vaccine phế cầu phòng ngừa viêm phổi, tiêm vaccine phòng cúm, đặc biệt người cao tuổi có bệnh lý mạn tính như COPD, suy tim mạn…
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân?