Bé Ngô Văn Hiếu (7 tháng tuổi, Tân Bình TP HCM) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thăm khám trong tình trạng nổi hạch ở vùng nách trái sau khi tiêm ngừa lao từ lúc 2 tháng tuổi. Nách có dấu hiệu xì mủ.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, bác sĩ Ngoại Nhi - Ngoại Tim mạch cho biết, bệnh nhi có khối u hạch lớn, kích thước 2x3,5 cm vùng nách trái, không gây đau hay sốt. Đối với những dạng hạch lành tính, có hai cách điều trị: chọc hút mủ hoặc cắt bỏ. Trường hợp rạch mủ có thể làm xẹp khối hạch nhưng không triệt tiêu tận gốc ổ hạch. Do đó, bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt hạch cho bé.
"Khi phẫu thuật, chúng tôi thấy chùm hạch ăn sâu vào hốc nách. Vì thế, êkip bóc tách trọn khối hạch mà không gây sang thương vùng lân cận", bác sĩ Trọng nói. Sau thủ thuật vài giờ, vết mổ khô, lành nhanh, khả năng tái phát rất thấp. Bệnh nhi trở lại sinh hoạt bình thường, xuất viện ngay trong ngày.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng kiểm tra vết thương cho bé Hiếu. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Trọng thông tin thêm, thời gian qua bệnh viện Tâm Anh tiếp nhận nhiều trẻ đến khám vì nổi hạch sau tiêm vaccine phòng bệnh lao (BCG). Sau tiêm, hạch vùng thường tăng kích thước nhẹ. Khi hạch bạch huyết dẫn lưu tại vùng tiêm vaccine gần đó (như nách, thượng đòn, sau vai...) phát triển kích thước lớn đủ để nhìn thấy (hơn 1cm) thường khiến cha mẹ lo lắng.
Đây không phải lao hạch, chỉ là phản ứng của cơ thể sau khi tiếp nhận vaccine bệnh lao. Nguyên nhân là sau khi tiêm trong da, vaccine bắt đầu vận chuyển đến mạch bạch huyết vùng gần đó (như nách, thượng đòn, sau vai...), bắt đầu phát huy tác dụng, làm hạch bạch huyết lớn lên. Trẻ nổi hạch ở những vùng này sau khi tiêm vaccine từ 2-4 tuần. Thông thường, bé chỉ nổi hạch cùng bên với bên tiêm ngừa, đa số là bên trái.
Bệnh được chẩn đoán khi không kèm theo triệu chứng như sốt, ăn kém, suy dinh dưỡng, không có triệu chứng hô hấp và tiền căn suy giảm miễn dịch trong gia đình. Quá trình điều trị sẽ không cần dùng thuốc chống lao.
Hạch viêm sau tiêm vaccine BCG biểu hiện dưới 2 dạng: mưng mủ hoặc không mưng mủ. Nếu hạch không mưng mủ, không dính vào da, không làm đổi màu da trên hạch, đa số sẽ thoái triển sau vài tuần mà không để lại di chứng. Trong vài trường hợp, viêm hạch mưng mủ lớn nhanh, tụ mủ bên trong và biểu hiện bằng dấu phập phồng khi thăm khám, đỏ, sưng nề vùng da trên hạch. Nếu không điều trị, hạch mưng mủ có xu hướng tự vỡ mủ, tạo đường rò để lại sẹo xấu, sẹo lồi với tiến trình lành vết thương kéo dài nhiều tháng.
Tùy từng bé, hạch này sẽ có kích thước nhỏ hoặc to, chiếm hết vùng nách hoặc vùng thượng đòn. Với những hạch thể không mưng mủ chỉ theo dõi, hạch có thể teo dần khi trẻ lớn lên. Trường hợp hạch ở thể tụ mủ nhưng kích thước nhỏ, hạch sẽ tự vỡ ra. Khi đó, trẻ cần được chăm sóc cẩn thận, giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng, vết thương sẽ lành sau 2-3 tuần.
Một trường hợp trẻ nổi hạch trên đòn sau tiêm vaccine lao. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Đối với những hạch có kích thước lớn hơn 2 cm hoặc tạo thành chùm hạch (nhiều hơn 2 hạch), bác sĩ phải can thiệp phẫu thuật cắt trọn hạch vì chúng không thể tự tiêu, có thể diễn tiến gây sưng đỏ, vỡ. Lúc này, bác sĩ sẽ có chỉ định chọc mủ hoặc phẫu thuật để lấy trọn khối hạch viêm.
Sau khi loại bỏ hạch, trẻ cần chăm sóc vết thương đúng cách, uống thuốc phòng tránh nhiễm trùng. Bên cạnh đó, bố mẹ phải theo dõi trẻ sát sao để phát hiện sớm bất thường nếu có.
Bác sĩ Trọng khuyến cáo, nếu thấy trẻ nổi hạch quanh vùng tiêm ngừa lao với kích thước to và mưng mủ, bố mẹ không tự điều trị tại nhà hoặc đắp lá hay đắp thuốc, hãy đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa Ngoại - Nhi để được thăm khám, tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi*
Thu Hà