“Bệnh viện (BV) quận 11 hiện có 223 điều dưỡng và 164 bác sĩ (BS), tỉ lệ 1,4 điều dưỡng/BS. Từ đầu năm 2022 tới nay, gần 10 điều dưỡng của BV xin nghỉ việc với những lý do khác nhau, do vậy nhiều khoa đang thiếu 1-3 điều dưỡng” - TS-BS Phạm Quốc Dũng, Giám đốc BV quận 11 (TP.HCM), chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Kiều Mỹ, điều dưỡng CKI Khoa nhiễm Việt - Anh (BV Bệnh nhiệt đới), đang chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Tuyển liên tục vẫn không đủ
Cũng theo BS Dũng, BV đăng tuyển điều dưỡng liên tục nhưng rất ít người dự tuyển. Bởi vậy nhận được hồ sơ nào là xét luôn, ai đủ điều kiện trúng tuyển điều dưỡng là nhận và giao việc ngay. “Thế nhưng có người vào BV làm được vài ngày thì xin nghỉ vì công việc nhiều, thu nhập không cao” - BS Dũng nói và cho hay để giải quyết tình trạng này, BV phải điều phối người từ các phòng, khoa này qua khoa khác, tăng số lượng trực đêm để bù vào những vị trí đang còn thiếu.
Bà Hồ Thị Bích Hoàng, Trưởng phòng Điều dưỡng BV Nguyễn Trãi, cho biết BV hiện có 353 điều dưỡng và 223 BS, đạt tỉ lệ 1,6 điều dưỡng/BS. BV đã đăng tuyển điều dưỡng để bổ sung số người nghỉ việc nhưng hồ sơ nộp vào rất hiếm hoi. Đối với điều dưỡng có tay nghề lại càng khó tuyển.
Nhận được hồ sơ nào BV xét luôn, ai đủ điều kiện trúng tuyển điều dưỡng là nhận và giao việc ngay. Thế nhưng có người vào làm được vài ngày thì xin nghỉ vì công việc nhiều, thu nhập không cao.
“Để hoạt động khám chữa bệnh được trơn tru, BV chuyển điều dưỡng làm ở bộ phận gián tiếp xuống các khoa điều trị. Với điều dưỡng có tay nghề, BV điều động lên phòng điều dưỡng để quản lý điều hành chuyên môn và nhân sự. Trường hợp khoa điều trị thiếu điều dưỡng, BV sẽ phân công những người này xuống hỗ trợ” - bà Hoàng nói.
Bên cạnh đó, điều dưỡng không nghỉ bù hoặc phải sắp xếp thời gian nghỉ bù linh hoạt để không ảnh hưởng đến công việc. “BV đã thực hiện mã hóa thông tin bệnh nhân bằng các ký hiệu đơn giản, dễ nhớ. Với cách làm này, điều dưỡng sẽ giảm được công đoạn ghi chép, tăng thời gian chăm sóc bệnh nhân” - bà Hoàng nói thêm.
Cần khảo sát tình hình đào tạo điều dưỡng
Mới đây, trong buổi khảo sát tình hình khám chữa bệnh tại một BV chuyên khoa của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết hiện nhiều BV công trên địa bàn TP.HCM không tuyển dụng được điều dưỡng trong khi tuyển BS rất dễ. “Điều này thật tréo ngoe bởi khoảng 20 năm trước, tuyển dụng điều dưỡng dễ nhưng BS thì khó” - BS Nam nói.
Theo BS Nam, quy chế đào tạo sau này yêu cầu điều dưỡng phải được đào tạo tiêu chuẩn cao đẳng. Do vậy, các trường đại học công hiện nay không đào tạo ngành điều dưỡng mà đa phần do các trường tư và cao đẳng đào tạo. “Các BV khó tuyển điều dưỡng là tình trạng chung. Do vậy, rất cần có cuộc khảo sát tình hình đào tạo điều dưỡng hiện nay ở các trường” - BS Nam nói.
Sắp xếp lại quy trình làm việc
“Do tuyển điều dưỡng rất khó nên BV thiếu lực lượng này từ nhiều năm nay. BV từng đến các trường có đào tạo ngành điều dưỡng ở TP.HCM và Đồng Nai để tuyển người nhưng không có bởi sinh viên theo học rất ít. Điều này cho thấy không nhiều người muốn theo nghề này” - BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu (TP.HCM), chia sẻ.
Để giải quyết bài toán thiếu điều dưỡng, những công việc trước đây điều dưỡng làm như hướng dẫn bệnh nhân, chăm sóc khách hàng… sẽ thay thế bởi người khác. Số điều dưỡng rút ra được bổ sung cho các khoa để chăm sóc bệnh nhân.
“Trước đây, BS khám bệnh có điều dưỡng hỗ trợ ghi chép nhưng giờ việc nào BS làm được thì làm vì điều dưỡng sẽ tập trung phục vụ bệnh nhân. Trước kia điều dưỡng mỗi người một việc hoặc làm việc theo nhóm ba người thì nay nhóm rút xuống còn hai, công việc vẫn phải đảm bảo” - BS Tuấn cho biết thêm.
Cũng theo BS Tuấn, do ung bướu là chuyên ngành đặc biệt nên điều dưỡng khi được tuyển dụng phải đào tạo thêm 6-9 tháng. Cho dù không phân biệt nguồn gốc đào tạo điều dưỡng, học lực chỉ cần trung bình khá trở lên nhưng hiện BV vẫn khó tuyển lực lượng này.•
Trong năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022, cán bộ y tế nghỉ trên 2.000 người, chủ yếu là BS và điều dưỡng. Thống kê của ngành y tế, trong sáu tháng đầu năm 2022 có 891 viên chức nghỉ việc. Theo yêu cầu phải có ba điều dưỡng/BS nhưng hiện tỉ lệ này chưa đạt, chỉ 1,5-2 điều dưỡng/BS.
Thiếu hụt điều dưỡng tại các BV là vấn đề lớn, các đơn vị luôn phải tìm ra nguyên nhân để ngăn chặn tình trạng bỏ việc hoặc chuyển công tác gây thiếu nguồn nhân lực.
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, khối khoa học sức khỏe, sinh viên phải có học lực khá giỏi trở lên để đảm bảo chất lượng đào tạo. Đây cũng là sự thách thức cho học sinh, đặc biệt sau đợt dịch vừa qua kết quả học tập cũng bị ảnh hưởng do nhiều yếu tố nên trường đã có nhiều giải pháp hỗ trợ để duy trì việc học của các em. Ngoài ra, trường còn liên kết đào tạo trong và ngoài nước nhằm tăng cơ hội học tập, trải nghiệm, thực tập thực tế tại các cơ sở y tế trong quá trình đào tạo, đồng thời giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
ThS TRẦN THỊ THUẬN, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa điều dưỡng, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng