Những ngày qua người dân nhiều nơi xôn xao về việc phải ký cam kết, nếu không tiêm và xảy ra dịch thì phải chịu trách nhiệm. Lãnh đạo các cơ quan y tế lý giải nguyên nhân.
Người dân trên 65 tuổi được khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin - Ảnh: Q.Đ.
Nhiều người dân không đồng ý tiêm mũi 4 đã ký cam kết này.
Ký cam kết không có nghĩa "ép tiêm"
Một lãnh đạo phường tại TP.HCM cho biết việc ký cam kết chỉ thực hiện được trên một số người chứ thực tế không phải người nào cũng đồng ý ký. Trong phường có nhiều người dân lao động tứ xứ, buôn bán không phải lúc nào nhân viên y tế cũng dễ dàng tiếp cận.
Nếu người dân không chịu tiêm mũi 4 và cũng không ký cam kết thì nhân viên y tế cũng không có cách nào khác. "Mũi 1, mũi 2, mũi 3 hầu hết được người dân ủng hộ, còn mũi 4 thì chỉ có một số ít người dân ủng hộ", ông này cho biết.
Trước thông tin nhiều người dân không thích tiêm mũi 4, như những mũi tiêm trước đó, một lãnh đạo CDC TP.HCM cho biết trước mắt ngành y tế sẽ vận động để người dân tiêm mũi 4, người dân nào từ chối sẽ yêu cầu cam kết. Ngành y tế thành phố cũng luôn báo cáo hằng ngày cho Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng của thành phố.
Tuy nhiên đại diện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nói trên cho rằng việc ký cam kết không phải là "ép tiêm", mà một lần nữa chuyển tải thông điệp về an toàn tiêm chủng, vận động tiêm chủng.
"tiêm chủng tự nguyện nhưng là tiêm chủng chống dịch. Ngày 27-6 Bộ Y tế sẽ họp báo xung quanh đợt tiêm này, trong đó công bố số liệu khảo sát sau tiêm vắc xin thời gian qua, số ca COVID-19 nặng giảm rất rõ rệt, có bằng chứng so sánh trước và sau thực hiện tiêm chủng.
Ở trẻ mắc COVID-19 nhiều cháu mắc hội chứng MICS (viêm đa cơ quan), số có hội chứng này có và không tiêm vắc xin chênh lệch rõ rệt, số không tiêm gặp hội chứng MICS nhiều hơn số có tiêm nhiều lần", chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thông tin.
Vận động tích cực nhưng tránh "lố"
Tuy nhiên đây đó còn những yêu cầu, vận động tiêm chủng "lố", không phù hợp tình hình hiện nay. Ngày 21-6, UBND huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng có văn bản thông báo về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4.
Trong đó huyện thông báo nếu người dân không chấp hành việc tiêm mũi 4 đề nghị UBND các xã, thị trấn thực hiện biện pháp: không cho phép người chưa tiêm mũi 4 ra khỏi nơi cư trú; không được tham gia nơi công cộng... Ngay sau đó huyện đã gửi đi một thông báo thay thế và yêu cầu hoàn thành tiêm chủng trước ngày 30-6.
Tại tỉnh Phú Thọ, một số người dân địa phương thông tin mặc dù chính quyền địa phương không "ép" ký các cam kết nhưng cũng có những "ràng buộc" khi vận động tiêm chủng. "Đoàn thể, chính quyền địa phương có đến vận động. Họ nói nếu không tiêm sau này có những chính sách khác như tặng quà, lương thực, hỗ trợ sẽ xem xét việc tiêm hay không!", một người dân nói.
Theo ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tác dụng vắc xin COVID-19 suy giảm theo thời gian. Vì vậy việc tiêm chủng nhắc lại là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên việc tiêm chủng phải dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân.
"Chúng ta không thể "ép" buộc người dân phải tiêm bởi vắc xin COVID-19 không phải là vắc xin bắt buộc tiêm chủng. Có tình trạng một số địa phương "ép" ký cam kết tiêm chủng, cá nhân tôi đánh giá là không cần thiết và không nên.
Việc chúng ta cần làm là đẩy mạnh truyền thông, vận động người dân, cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh để người dân tự nguyện tiêm chủng, bảo vệ chính bản thân, gia đình và cộng đồng", ông Phu nói.
Đồng quan điểm với ông Phu, một lãnh đạo trung tâm y tế tại Hà Nội cũng cho rằng việc "ép" buộc người dân ký cam kết tiêm là không nên. Vì người dân có thể yêu cầu cơ sở tiêm chủng cam kết nếu xảy ra vấn đề sự cố trong quá trình tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Vậy ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm này?
"Chúng ta nên đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức điểm tiêm chủng thuận lợi để người dân tiếp cận chứ không nên có những ràng buộc về văn bản. Trừ các trường hợp tiêm chủng cho trẻ em, cần người bảo hộ xác nhận thì việc ký cam kết là cần thiết", vị này nói nhưng cho rằng những người không tiêm cũng phải chịu trách nhiệm trong trường hợp gia đình có người mắc COVID-19 hoặc làm lây lan dịch bệnh.
Trong trường hợp đã ký cam kết không tiêm, sau này xảy ra vấn đề cũng không thể thắc mắc rằng không được tiêm chủng.
Nguồn Tin: