Theo Tổ chức Viêm khớp, vi khuẩn trong miệng do nhiễm trùng hoặc bệnh nướu răng (viêm nha chu) có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể, dẫn đến các tình trạng như viêm khớp, đau khớp. Vi khuẩn trong miệng có thể tạo ra các kháng thể làm thay đổi lượng protein trong cơ thể, bao gồm cả ở niêm mạc khớp. Hệ thống miễn dịch của cơ thể ghi nhận sự bất thường này và phản ứng bằng cách tạo ra các kháng thể để chống lại các protein. Các nhà nghiên cứu cũng xác định được loại vi khuẩn gây nhiễm trùng răng miệng có trong dịch khớp tên Aggregatibacter actinomycetemcomitans (Aa), có liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp (RA) và viêm xương khớp.
Nhiễm trùng răng miệng hay bệnh nướu răng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp (RA) và viêm xương khớp. Ảnh: iStock
Aa có thể gây ra những thay đổi với các tế bào bạch cầu giống như bất thường xảy ra ở hệ thống xương khớp ở những người bị RA. Giai đoạn đầu của RA có thể gây ra đau hoặc mềm khớp. Người bệnh cũng có thể cảm thấy sưng khớp hoặc cứng khớp (đặc biệt vào buổi sáng, đau từ 30 phút trở lên), các triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên ở các khớp nhỏ như cổ tay, bàn tay hoặc bàn chân và có tính đối xứng, mệt mỏi, sốt nhẹ... Trong trường hợp nghiêm trọng, vi khuẩn này có thể dẫn đến tiêu xương hoặc mất răng.
Điều trị các bệnh về răng được coi là giải pháp hàng đầu giúp ngăn ngừa nguy cơ dẫn đến bệnh viêm khớp. Ở bệnh nhiễm trùng răng, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
Điều trị nhiễm trùng răng: điều trị kháng sinh, dùng thuốc giảm đau, nhổ răng. Trong khi điều trị viêm nha chu, bệnh nhân được khuyến nghị bằng các phương pháp như giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt, đi khám nha khoa định kỳ, làm sạch sâu bề mặt của chân răng, nướu...
Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng: Đánh răng mỗi ngày 2 lần với thời gian 2 phút/ lần và dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng. Bệnh nhân viêm khớp cảm thấy khó khăn việc làm vệ sinh răng miệng có thể sử dụng bàn chải điện để việc làm sạch đạt hiệu quả hơn.
Chọn loại kem đánh răng: Nếu có các triệu chứng khô miệng, kem đánh răng có chứa florua được khuyến khích sử dụng, tránh các loại kem đánh răng có tính mài mòn hoặc làm trắng.
Dùng nước súc miệng: Sử dụng nước súc miệng có chứa 0,05% natri florua trước khi ngủ có thể làm giảm nguy cơ sâu răng, ngăn ngừa các bệnh về răng, lợi.
Khám nha khoa định kỳ: Từ 1-2 lần/ năm hoặc nhiều hơn nếu có sự khuyến nghị từ nha sĩ.
Chú ý đến các bệnh răng miệng: Nhiễm trùng răng miệng có các biểu hiện như dấu hiệu sưng đau ở lợi, hạch bạch huyết xung quanh hàm hoặc xuất hiện lớp phủ trắng trên lưỡi, má trong. Nướu sưng, tấy đỏ hoặc chảy máu có thể là những dấu hiệu của bệnh nướu răng. Người bệnh cần đi thăm khám và dùng thuốc theo chỉ định khi phát hiện ra bất kỳ triệu chứng nào kể trên.
Nhiễm trùng răng miệng hay bệnh nướu răng tuy không có biểu hiện nặng nhưng có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng liên quan tới khớp. Do vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm có vai trò rất quan trọng. Trì hoãn điều trị có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng, nguy cơ dẫn đến mất răng, mất xương. Khi gặp bất kỳ cơn đau khớp dai dẳng hoặc các dấu hiệu của viêm khớp, hãy đi thăm khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân gây ra và có phương pháp điều trị thích hợp.
Bảo Bảo (Theo Medical News Today )