Trong chương trình đào tạo liên tục trực tuyến tháng 6/2022 do Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM cùng Nhãn hàng Telfor - DHG Pharma, AloBacsi tổ chức, bài báo cáo của TS.BS Nguyễn Ngọc Minh - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đưa ra những thông tin tổng quan về thách thức và giải đáp trong điều trị viêm mũi dị ứng và BS.CK2 Bạch Thiên Phương cũng có một chủ đề thú vị không kém, đó là chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị viêm mũi dị ứng bằng Fexofenadin .
1. Đặt lên bàn cân: Fexofenadine và các loại thuốc kháng histamine thế hệ 2 khác, loại nào ưu thế hơn?
Để kiểm soát viêm mũi dị ứng hiệu quả, dùng thuốc kháng kháng histamine là một biện pháp điều trị xuyên suốt cần được áp dụng cho tất cả các dạng viêm mũi dị ứng nhẹ đến trung bình, nặng. BS.CK2 Bạch Thiên Phương cho biết, ngày nay trên thế giới có hai thế hệ thuốc kháng histamine là thế hệ 1 và thế hệ 2.
Trong đó, nhóm thuốc kháng histamin thế hệ 1 là thế hệ đầu tiên được đưa vào sử dụng vào những năm 1940. Mặc dù thuốc có hiệu quả giúp giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng nhưng lại có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, thời gian bán huỷ ngắn nên bệnh nhân phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày.
Hiện nay, thuốc kháng histamin thế hệ 2 (thế hệ mới) đã khắc phục được nhược điểm này, không gây buồn ngủ và vẫn có tác dụng trên các triệu chứng giảm ngứa mũi, nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi cho người bệnh. Đồng thời, ưu điểm được cải tiến nhóm thuốc kháng histamin thế hệ 2 là thời gian bán huỷ của thuốc dài nên bệnh nhân chỉ cần dùng 1 - 2 lần/ngày.
Khuyến cáo của Hiệp hội Tai Mũi Họng Hoa Kỳ về sử dụng thuốc kháng histamine đường uống năm 2014 cũng nhấn mạnh, các bác sĩ lâm sàng nên lựa chọn thuốc kháng histamine đường uống ít gây buồn ngủ cho bệnh nhân có triệu chứng ban đầu là hắt hơi và ngứa mũi.
BS.CK2 Bạch Thiên Phương - Phó Chủ tịch liên chi hội Tai Mũi Họng Nhi TPHCM
Trong các nhóm thuốc histamine thế hệ 2, Fexofenadine chiếm ưu thế và thường trở thành lựa chọn đầu tay trong điều trị viêm mũi dị ứng. Khi đặt lên bàn cân các thuốc kháng histamine thế hệ 2, nghiên cứu được BS.CK2 Bạch Thiên Phương đưa ra cho thấy, Fexofenadine có hiệu quả hơn Loratadine trong việc giảm các triệu chứng về ngứa mắt hoặc nghẹt mũi. So với Cetirizine, hiệu quả của Fexofenadine tương đồng nhưng có thể làm giảm mức độ lơ mơ và chóng mặt đối ở nhiều bệnh hơn so với dùng Cetirizine.
Ngoài ra, Fexofenadine là một chất chuyển hóa có hoạt tính của terfenadin nhưng không còn độc tính đối với tim do không còn ức chế kênh Kali liên quan đến sự tác cực tế bào cơ tim. Thuốc có tác dụng nhanh và kéo dài, hấp thụ tốt khi dùng đường uống. Tác dụng của thuốc sẽ bắt đầu sau khi uống khoảng 60 phút và đạt được nồng độ đỉnh khoảng 3 - 4 giờ sau khi uống.
Để chứng minh cho tính hiệu quả và an toàn của thuốc, chuyên gia dẫn chứng một nghiên cứu trên động vật sử dụng liều Fexofenadine tương đương với 300 lần liều dùng ở người thì không tìm thấy độc tố của Fexofenadine ở tim hoặc gan. Điều này cho thấy, Fexofenadine không có độc tính.
Trong một nghiên cứu khác trên nhóm người từ 12 - 65 tuổi sử dụng Fexofenadine liều 240mg 2 lần/ngày, sau 12 tháng người ta thấy rằng Fexofenadine vẫn an toàn. Một nghiên cứu khác tại Mỹ năm 2003, các tác giả khuyến cáo có thể dùng Fexofenadine trong trường hợp cần thiết đối với những người lái xe, vận hành máy móc, nhân viên hàng không, tuy nhiên cần phải có sự giám sát chặt chẽ về liều lượng và cách sử dụng.
Vì vậy, BS.CK2 Bạch Thiên Phương cho rằng: “Fexofenadine là một loại thuốc an toàn, khi dùng trong một thời gian dài, thuốc cũng tác dụng rất tốt và không gây ra những hậu quả đối với cơ thể con người. Ngoài ra, thuốc không gây tác dụng an thần, hiệu quả nhanh, kéo dài, được ưu tiên lựa chọn để điều trị các bệnh viêm mũi dị ứng ở bệnh nhân từ 2 tuổi trở lên. Thông thường, với các bệnh lý viêm mũi dị ứng theo mùa sẽ giảm sau 2 tuần, viêm mũi dị ứng quanh năm sẽ giảm sau 4 tuần khi dùng Fexofenadine”.
Hướng dẫn thực hành lâm sàng khuyến nghị các bác sĩ lâm sàng nên dùng thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai/ ít gây ngủ hơn cho bệnh nhân và các triệu chứng ban đầu về hắt hơi và ngứa
2. Những lưu ý khi sử dụng Fexofenadine trong điều trị viêm mũi dị ứng
Chủ đề liên quan đến thuốc kháng histamine thế hệ 2 như Fexofenadin nhận được sự quan tâm của đông đảo học viên tham dự. Về liều lượng, BS.CK2 Bạch Thiên Phương hướng dẫn, đối với bệnh lý viêm mũi dị ứng, người bệnh trên 12 tuổi dùng 60mg x 2 lần/ngày hoặc 180mg x 1 lần/ngày (có thể tăng tới 240mg x 2 lần/ngày). Trẻ từ 2-12 tuổi, dùng 30mg x 2 lần/ ngày.
Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh, theo một số nghiên cứu, không nên dùng liều cao ngay từ đầu. “Chẳng hạn như với thuốc Fexofenadine, nếu chúng ta sử dụng liều 180mg ngay từ đầu thì sẽ rất khó để theo dõi được tác dụng của thuốc. Theo đó, chúng ta cần phải chỉnh liều từ thấp lên cao từ từ để nếu không có hiệu quả thì phải đổi một phương pháp điều trị khác” - BS.CK2 Bạch Thiên Phương nói.
Chủ tọa chương trình - PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng - Chủ tịch Liên Chi hội Thính học TPHCM cũng đồng quan điểm, tốt nhất nên sử dụng ở liều trung bình và nâng liều lên từ từ. Bởi nếu sử dụng ngay từ đầu với liều tối đa thì khi bệnh nhân chưa hết triệu chứng phải sử dụng sang phương pháp điều trị khác.
Đối với thuốc Fexofenadine, ngày nay trên thị trường có nhiều lựa chọn, chẳng hạn như Telfor của DHG Pharma được sản xuất với 3 liều là 60mg, 120mg và 180 mg, giúp người bệnh sử dụng liều lượng hợp lý. Việc dùng liều nào sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố là trọng lượng cơ thể bệnh nhân, mức độ nặng nhẹ của bệnh lý (nhẹ - trung bình - nặng), thể bệnh dị ứng (viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa…).
Về vấn đề nên hay không nên giảm liều thuốc kháng histamine trên người lớn tuổi, bệnh nhân gan, thận, BS.CK2 Bạch Thiên Hương đề cập, thuốc kháng histamine thế hệ 2 rất ít chuyển hóa qua gan và thận. Tuy nhiên, với những bệnh nhân bị giảm chức năng thận hoặc người lớn tuổi suy giảm chức năng sinh lý thận thì nên giảm liều dùng của thuốc kháng histamine do thuốc sẽ làm tăng thời gian bán huỷ, thuốc sẽ nằm lâu trong huyết tương hơn.
“Nếu muốn giảm liều, chúng ta nên căn cứ vào chức năng thận để từ đó sẽ có lựa chọn thích hợp. Việc sử dụng thuốc bao lâu sẽ phụ thuộc vào mức độ cải thiện bệnh của bệnh nhân. Đồng thời, chúng ta phải theo dõi chức năng thận theo định kỳ để có sự thay đổi và điều chỉnh phù hợp nhất với tình trạng bệnh ở nhóm đối tượng này có viêm mũi dị ứng kèm theo” - BS.CK2 Bạch Thiên Hương bày tỏ quan điểm.
Với nhóm người cao tuổi, PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng đưa ra quan điểm, bệnh viêm mũi dị ứng gặp nhiều nhất là ở độ tuổi thiếu niên, bắt đầu giảm dần ở tuổi trung niên và rất hiếm khi gặp ở người cao tuổi. Do đó, người cao tuổi rất hiếm khi bị viêm mũi dị ứng.
Thuốc kháng histamin thế hệ 2 chủ yếu chuyển hóa qua đường phân, ít chuyển hóa qua đường thận và nước tiểu. Tuy nhiên, cần lưu ý người cao tuổi luôn có tổng trạng sức khỏe kém hơn, nên liều dùng cho người cao tuổi phải giảm hơn so với người trẻ tuổi.
“Mặt khác, khi sử dụng thuốc phải dựa vào 3 tiêu chí, trong đó có trọng lượng của bệnh nhân và mức độ bệnh, thể bệnh. Theo tôi, chúng ta nên giảm liều xuống một nửa so với người trẻ tuổi” - PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng chia sẻ kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, khi sử dụng Fexofenadine, BS.CK2 Bạch Thiên Hương lưu ý đến các tương tác thuốc, chẳng hạn với Azithromycin (Fexofenadine cũng có khả năng bị tăng nồng độ do liên quan đến cơ chế tăng hấp thu và giảm thải trừ của thuốc) và nên dùng cách xa các thuốc kháng axit chứa nhôm, magie khoảng 2 giờ để tránh làm giảm sự hấp thu thuốc.
Những trường hợp cần phải làm test kháng nguyên, kháng thể trong dị ứng thì cần ngừng uống Fexofenadine ít nhất 24 - 48 giờ trước khi thực hiện các kỹ thuật này. Do chưa có bằng chứng về dị tật ở thai nhi, cũng như việc bài tiết thuốc qua sữa mẹ nhưng vẫn nên thận trọng khi kê toa Fexofenadine đối với phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú.
Cuối cùng, các chuyên gia đều nhấn mạnh, thuốc điều trị xuyên suốt bệnh viêm mũi dị ứng là kháng dị ứng thế hệ thứ 2 đó là Fexofenadine, ở Việt Nam đại diện là viên uống Telfor 60, 120, 180. Thuốc được chỉ định trong tất cả các thể bệnh viêm mũi dị ứng ở mọi giai đoạn và mọi mức độ bệnh và có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp các loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng khác.
Chương trình đào tạo y khoa liên tục kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, trong đó, các chuyên gia đã giải đáp nhiều câu hỏi thú vị xung quanh các vấn đề như: chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát bệnh viêm mũi dị ứng hiệu quả trong trường hợp có bệnh lý đi kèm và thường xuyên tái phát; điều trị viêm mũi dị ứng trên phụ nữ mang thai; tính hiệu quả của Fexofenadin có thay đổi giữa những thể bệnh của viêm mũi dị ứng... Để theo dõi đầy đủ nội dung chương trình, mời quý bác sĩ, dược sĩ truy cập TẠI ĐÂY .