Vì sao 9.680 nhân viên y tế nghỉ việc chỉ trong 18 tháng?
Chỉ trong vòng 18 tháng, cả nước đã có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc, trong đó 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế cho biết, báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế về số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 01/01/2021 - 30/6/2022 trên cả nước cho thấy có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác).
Trong số này có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.
Bộ Y tế cho biết, trong 8.810 nhân viên y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các tỉnh, thành phố xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập có 2.795 bác sĩ, 2.640 điều dưỡng, 499 kỹ thuật y, 270 hộ sinh, 544 dược sĩ và 2.050 nhân viên khác.
Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP.HCM (2.035), TP Hà Nội (1.032), Đồng Nai (496), Bình Dương (368), An Giang (297), Long An (266), TP Đà Nẵng (248), TP Cần Thơ (238), Đồng Tháp (204).
Nhân lực y tế có trình độ bác sĩ xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập tập trung chủ yếu ở các cơ sở y tế thuộc tuyến tỉnh, thành phố (4.477/8.810) và ít hơn ở tuyến huyện và tuyến xã; có ở tất cả các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, nội, ngoại, sản, nhi và cận lâm sàng.
Cũng theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế có 870 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, trong số đó có 299 bác sĩ, 234 điều dưỡng, 52 kỹ thuật y, hộ sinh 6, dược sĩ 49 và 230 viên chức khác.
Một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao là các đơn vị đóng trên địa bàn TP.HCM và các thành phố lớn như: Đại học Y Dược TP.HCM (134 người), Bệnh viện Thống Nhất (86 người), Bệnh viện TW Huế (63 người), Bệnh viện Bạch Mai (60 người), Bệnh viện Đa khoa TW Quảng Nam (59 người), Bệnh viện Chợ Rẫy (48 người).
Về lý do dẫn đến việc 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế công lập, theo Bộ Y tế có 4 nguyên nhân sau:
Thứ nhất, do áp lực công việc cao, Bộ Y tế cho biết từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, cán bộ, viên chức y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế.
Thứ hai, do thu nhập thấp, theo Bộ Y tế lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở .
Bộ Y tế đề xuất cần quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế, trong đó tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%...
Thứ ba, do áp lực về việc thiếu điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Do ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua, dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng.
Thứ tư , là do áp lực của xã hội, gia đình và người thân. Theo Bộ Y tế, các cán bộ viên chức y tế, cũng như những người lao động khác đều có nỗi lo về bảo đảm cuộc sống gia đình, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu về ăn mặc ở, lo lắng các chi phí về điện nước, học hành ngày càng cao do sự gia tăng giá cả nên khi mức thu nhập đối với nhân viên y tế công lập thấp trong khi công việc lại quả tải, cường độ và thời gian lao động tăng; chế độ thu hút, đãi ngộ hạn chế hoặc không có nên dẫn đến tình trạng cán bộ y tế xin thôi việc, nghỉ việc tăng...