TTO - TP.HCM có 310 trạm y tế nhưng hiện chỉ có 243 trưởng và phó trạm y tế. Điều này được xem là nghịch lý và theo nhiều chuyên gia có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý, điều hành các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
- 'Trạm y tế không muốn quản lý điều trị những bệnh như huyết áp, đái tháo đường...'
- Vắc xin không có ở trạm y tế vì nằm trong kho do vướng thủ tục
- Trạm y tế chỉ 7-8 lượt khám/ngày, không biết phường có bao nhiêu người cao huyết áp
Trạm trưởng Trạm y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) thăm khám và điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: THU HIẾN
Trong khuôn khổ cuộc thi Trưởng trạm y tế giỏi lần thứ 1-2022 (diễn ra từ ngày 16-9, dự kiến đến 14-10), Sở Y tế TP.HCM thông tin tính đến tháng 8-2022 còn 67/310 trạm không có trưởng, phó trạm y tế.
Điều này đồng nghĩa với việc trong số 310 trạm y tế hiện nay, TP.HCM chỉ có 243 trưởng, phó trạm y tế. Vì sao?
Trao đổi với
Tuổi Trẻ Online
, đại diện Trung tâm Y tế TP Thủ Đức cho biết hiện nay đơn vị đang quản lý 32 trạm y tế, trong đó có sáu trạm không có trưởng, phó trạm. Các trạm y tế này hiện đã phân công người quản lý và đang cố gắng cơ cấu đầy đủ cho các trạm từ giờ cho đến cuối năm 2022.
Giải thích về nguyên nhân không có các vị trí nêu trên, vị này cho biết: "Theo tiêu chuẩn cũ, các bác sĩ trưởng trạm chỉ cần có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng, nhưng tiêu chuẩn mới hiện nay bắt buộc trưởng trạm tối thiểu phải có bằng tốt nghiệp đại học ngành y.
Việc nhiều người chưa có bằng tốt nghiệp đại học cũng là nguyên nhân khuyết và chưa được sắp xếp chức danh".
Đại diện Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh cũng cho biết đang quản lý 16 trạm y tế, trong đó có hai trạm chưa có trưởng, phó trạm. Và dự kiến phải đến tháng 10, các trạm y tế trên địa bàn sẽ có đầy đủ trưởng và phó trạm.
"Mặc dù hiện nay hai trạm chưa có trưởng, phó trạm nhưng đều có quản lý, cả hai bác sĩ của trạm mới vô viên chức đầu tháng 6 và phải đủ thời gian mới có thể bổ nhiệm được", vị này cho hay.
Thực tế khi không có trưởng, phó trạm thì để vận hành cần có một người quản lý tạm thời. Tuy vậy vai trò quản lý này cũng gặp khó khăn, đơn cử như quản lý một trạm y tế tại TP Thủ Đức dưới đây chẳng hạn.
Vị này cho hay từ cuối năm 2021, trưởng trạm y tế tại phường cùng với hai nhân viên khác đã xin nghỉ việc, và từ đó đến nay trạm vắng bóng trưởng trạm. Trong số những nhân sự nghỉ việc này, có người đầu quân cho một đơn vị y tế tư nhân, còn lại tiếp tục theo đuổi con đường học tập. Lý do vị trưởng trạm y tế xin nghỉ, theo vị này, không xuất phát từ bằng cấp, mà chỉ vì mức lương quá thấp.
Trong khi đó, quản lý trạm y tế ở quận 1 vẫn đang vừa làm, vừa theo học lớp nâng cấp lên đại học để kịp thay đổi cơ cấu của trạm.
Tuy vậy, để đạt được con số 243/310 trưởng, phó trạm y tế như hiện nay, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - chia sẻ đó là cả một sự nỗ lực rất lớn từ ngành y tế TP.HCM.
Thời điểm tháng 10-2021, khi cả TP.HCM căng thẳng chống dịch COVID-19, có đến 114/310 trạm y tế không có trưởng, phó trạm. Nay chỉ còn 67/310 trạm không có trưởng, phó trạm nhờ vào việc ban hành quyết định sửa đổi chức danh đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý ở y tế cơ sở.
Về giải pháp, giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định: "Đối diện với khó khăn, nhưng chưa đầy một năm ngành y tế TP đã cố gắng giải quyết nhân sự cho trạm y tế kịp thời, ở mức cao nhất. Dự kiến từ nay đến cuối năm, các vị trí trưởng, phó trạm sẽ được lấp đầy để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân".
'Trạm y tế không muốn quản lý điều trị những bệnh như huyết áp, đái tháo đường...'
TTO - Do bệnh không lây nhiễm, không lây truyền nên việc hỗ trợ từ quốc tế hiện nay rất ít. Các trạm y tế cũng không muốn quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm vì gặp nhiều khó khăn, thách thức.
THU HIẾN - HƯƠNG THẢO